22/08/2019 09:19 GMT+7

'6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu?'

LÊ THANH - NHƯ BÌNH
LÊ THANH - NHƯ BÌNH

TTO - Không hợp lý, thậm chí phạm luật bởi sau 6 năm kể từ khi Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng các năm này đã vượt mức 20% (ngưỡng phải điều chỉnh), nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên.

6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu? - Ảnh 1.

Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM phối hợp với một đơn vị hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp khai thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp vào tháng 3-2018 - Ảnh: T.T.D.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về Luật thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, trong đó có quy định phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20%.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần sớm sửa đổi lại cách tính thuế thu nhập cá nhân bởi người làm công ăn lương đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân ngày càng nhiều hơn, do thu nhập tăng nhờ kinh tế phát triển, rơi vào khung thuế cao hơn.

Chúng ta phải xây dựng mức giảm trừ gia cảnh sao cho người nộp thuế đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất như ăn ở, đi lại, nuôi con... rồi mới phải nộp thuế. Còn mức đó là bao nhiêu, cần tính toán dựa trên các thông số chỉ số giá, mức sống tối thiểu...

Ông TRẦN XUÂN THẮNG (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Chậm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là lạm thu?

Vừa bước vào năm học mới, chị Hồng Mai (ngụ Q.11, TP.HCM), nhân viên văn phòng tại Phú Nhuận, cho biết khoản tiền mà chị phải nộp cho 2 bé đang học tiểu học ở trường công lập lên tới hơn 4 triệu đồng/tháng cho mỗi bé, chưa kể chi phí học ngoại khóa, mua sắm quần áo và đồ dùng cá nhân.

"Tôi không hiểu các nhà làm luật dựa vào đâu để đưa ra mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/người phụ thuộc và giữ mức giảm trừ này nhiều năm dù vật giá leo thang mỗi năm. Ngay cả học trường công, khoản tiền chi cho các cháu nhỏ cũng đã khá cao ở các thành phố lớn, chứ chưa nói đến tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Mức giảm trừ gia cảnh này đang trở nên phi lý" - chị Mai nói.

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Bình (nhân viên một doanh nghiệp tại Q.1, TP.HCM), với thu nhập hiện nay mỗi tháng anh phải nộp khoảng 3,5 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân. Chưa kể sinh hoạt phí hằng ngày càng đắt đỏ, các chi phí đầu tư cho nghề nghiệp như máy móc, các khóa học nghiệp vụ... để phục vụ công việc đều rất cao nhưng khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân anh vẫn ở mức 9 triệu đồng/tháng từ nhiều năm nay chưa được thay đổi.

Cũng theo anh Bình, điều vô lý hơn nữa là các đồng nghiệp nước ngoài của anh tại Úc đều được giảm trừ các chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân, trong khi người làm công ăn lương tại VN không được khấu trừ các chi phí trước khi tính thuế. "Công việc chúng tôi đòi hỏi đầu tư máy móc như laptop, máy quay phim... cùng chi phí phục vụ cho công việc rất lớn, nhưng mức giảm trừ gia cảnhhiện nay quá thấp" - anh Bình bức xúc.

Theo nhiều người làm công ăn lương, thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng/người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc vào năm 2013, trong khi giá cả hàng hóa đều rất khác, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, các dịch vụ, tiện ích cho cuộc sống cũng thay đổi.

"Mức tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay không chỉ lỗi thời với thực tế cuộc sống mà cách tính thuế này cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Việc sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay là cần làm ngay, tạo động lực cho người nộp thuế và khuyến khích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế" - anh Minh, trưởng phòng kinh doanh một công ty bất động sản, nói.

6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu? - Ảnh 3.

Người dân nộp thuế thu nhập cá nhân tại kho bạc - Ảnh: T.T.D.

Bao giờ nâng mức giảm trừ gia cảnh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm trình Thường vụ Quốc hội mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Theo ông Trần Xuân Thắng - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, luật quy định chỉ số giá tăng 20% phải nâng mức giảm trừ gia cảnh, nên đã tới lúc điều chỉnh vì chỉ số giá đã vượt 20%.

"Cứ theo luật mà làm", ông Thắng nói, đồng thời cho rằng để đảm bảo công bằng và khuyến khích người dân thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, Chính phủ cần thiết xem xét mức thuế ở bậc đầu tiên.

Cùng quan điểm, một chuyên gia về thuế cho rằng mức thuế bậc 1 tại nhiều nước rất thấp, chỉ ở mức 1-2%, thậm chí chỉ 0,5%, trong khi Việt Nam áp mức 5%. "Chưa hết, biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương là 7 bậc, với mức thuế ở bậc cao nhất là 35% thực sự là gánh nặng cho người lao động" - vị này nói.

Bà Trần Nguyễn Minh Hải, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng với chi phí sinh hoạt hiện nay, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là điều phải làm, nếu không người dân sẽ chịu thiệt. Theo bà Hải, người dân đang bị mắc kẹt giữa một bên là giá cả tăng cao khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, trong khi phải nộp thuế nhiều hơn do rơi vào khung thuế suất cao, bởi thu nhập tăng theo xu hướng phát triển kinh tế.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thuế thu nhập cá nhân về cơ bản là thuế trực thu nhưng việc sử dụng thuế này đang có vấn đề, chưa làm người đóng thuế an tâm và cảm thấy tự hào. Số thuế thu được đáng ra phải được dùng để tái đầu tư hạ tầng giao thông, phục vụ an sinh, phân phối lại xã hội để tạo công bằng.

Nhưng người dân đang phải tự chi trả những chi phí cơ bản cho cuộc sống hằng ngày mà không được tính vào trong giảm trừ, nhất là các dịch vụ "xã hội hóa", từ giáo dục, y tế đến bệnh viện, phí BOT... "Đáng ra cần tính phí này vào trong giảm trừ gia cảnh mới công bằng cho người đóng thuế, khuyến khích xã hội tiêu dùng, dịch vụ phát triển" - chuyên gia này nói.

6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu? - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Bộ Tài chính: đang nghiên cứu!

Trả lời Tuổi Trẻ liên quan đến việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng, đề xuất các chính sách thuế - cho biết nội dung này đang được... nghiên cứu.

Theo ông Thi, cơ quan này đang nghiên cứu một số nội dung, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh để sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân một cách tổng thể để báo cáo các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Thực tế sau 6 năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung.

"Nhiều đề xuất, kiến nghị phải xem xét sửa đổi mức GTGC, rồi bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương... cho phù hợp" - ông Thi nói. Đồng thời cho biết từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nội dung đáng chú ý là đề xuất giảm còn 5 bậc thuế thay vì 7 bậc như hiện nay.

Tuy nhiên, một cựu lãnh đạo ngành thuế cho rằng phải làm theo luật, phải nâng mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá đã tăng vượt mức 20% như quy định trong luật.

"Việc Bộ Tài chính nói là đang nghiên cứu để sửa luật một cách tổng thể, theo tôi, là không công bằng với người nộp thuế, vì chậm nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ khiến người nộp thuế bị ảnh hưởng" - vị này nói. Đồng thời cho rằng phải căn cứ vào các yếu tố mà Bộ Tài chính tính toán xác định mức giảm trừ gia cảnh trước đây để nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách phù hợp.

Chẳng hạn, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, được tính toán bằng 2,5 GDP bình quân đầu người năm 2014. Như vậy, nếu dựa vào yếu tố này để xác định mức giảm trừ gia cảnh, căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/ tháng), mức giảm trừ gia cảnh trong kỳ tính thuế tới (năm 2020) sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.

Nếu việc nâng mức giảm trừ gia cảnh phải "phù hợp với biến động của giá cả" như quy định trong luật, nghĩa là phải được tăng thêm 20% (tương đương mức biến động giá), khi đó mức GTGC sẽ là 10,8 triệu đồng/người/tháng. "Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải xem xét nâng lên chứ không thể giữ như mức 3,6 triệu đồng/tháng/người như hiện nay" - vị này nói.

6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu? - Ảnh 5.

Bảng biểu mức tăng CPI qua các năm

Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2020

Theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, trường hợp "chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".

Trong khi đó, tính từ tháng 7-2013 đến hết tháng 7 năm nay, CPI đã tăng hơn 20%. Do đó, các chuyên gia cho rằng căn cứ theo quy định trên, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2020.

Sao không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ? Sao không điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ?

TTCT - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, dự kiến áp dụng từ 1-1-2019. Dự luật được nhiều người đặc biệt quan tâm và kiến nghị cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế.

LÊ THANH - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp