16/01/2019 11:11 GMT+7

6 năm hái quả ngọt ở Nà Sản

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
MINH PHƯỢNG - HÀ THANH

TTO - Vũ Xuân Thành (30 tuổi, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La) thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản, hướng dẫn thanh niên, bà con sản xuất nông sản sạch, đặt sức khỏe lên hàng đầu.

6 năm hái quả ngọt ở Nà Sản - Ảnh 1.

Vũ Xuân Thành trong vườn cam sạch - Ảnh: M.PHƯƠNG

Từ nhiều năm nay, Thành đã có thói quen làm nông nghiệp sạch, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng tại vườn cam của mình.

Tôi mong muốn tất cả mọi người thay đổi thói quen làm nông nghiệp thay vì cứ phun phun xịt xịt, sản phẩm thu hoạch nhiều hóa chất, không đạt tiêu chuẩn.

VŨ XUÂN THÀNH

Nhiều lúc nản muốn chặt đi...

Ở Nà Sản, xã Hát Lót, triền đồi bạt ngàn cam canh đang bước vào chính vụ. Dẫn khách thăm hơn 1ha đồi cam chín mọng, sẵn sàng cung cấp ra thị trường, nhất là dịp tết này thông qua các chuỗi thực phẩm sạch ở Hà Nội, anh Thành chia sẻ với giọng tươi vui: "Như thế này vẫn chưa ưng lắm với những gì tôi đang mong muốn và đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên nhìn những thành quả này thấy vui lắm". Mỗi cây trĩu trịt quả, phải đến 40 - 50kg/cây.

Cách đây sáu năm, khi xuống Hưng Yên buôn bán nhãn, Thành có dịp tìm hiểu về cam canh. Biết loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh về bàn với gia đình chặt bỏ cà phê để trồng cam.

Tuy nhiên sau bốn năm mỏi mòn chờ đợi, vườn cam cả hecta vẫn không cho trái. "Bốn năm chưa có quả. Tôi sốt ruột, nhiều lúc nản đã muốn chặt đi. Lúc ấy tôi đang canh tác theo hình thức của mọi người, cũng không có kỹ thuật gì. Đến giờ tôi hiểu ra rằng khi cây chưa trưởng thành tốt thì sẽ khó làm quả. Cây càng già càng dễ làm quả" - anh Thành nhớ lại.

Giai đoạn đó, Thành không chú tâm vào vườn cam nữa mà dành tâm huyết và số tiền lớn để đầu tư vào chăn nuôi heo. Thế nhưng chàng trai Nà Sản lại thất bại vì không tìm hiểu kỹ thị trường.

Năm 2017, vườn cam của gia đình bói quả nhưng chỉ cho thu hoạch được hơn chục tấn. Lúc này thương lái đến tận vườn mua cam để bỏ cho các chợ đầu mối. Thành nhìn những trái cam trong vườn nhà mình, nhìn những loại trái cây của bà con dân bản mất bao công sức vất vả làm ra nhưng lại phụ thuộc vào thương lái với giá cả bấp bênh, anh trăn trở: "Tại sao không làm kinh tế ngay trên mảnh đất mình sinh ra, lớn lên?". Và anh đã bắt đầu từ vườn cam của mình với những bước đi rõ ràng, chắc chắn.

Cùng bà con làm nông nghiệp sạch

Vũ Xuân Thành nghiên cứu cây cam và đi học hỏi từ vùng làm cam canh nổi tiếng. May mắn anh được gặp những người tâm huyết hướng dẫn tận tình. Về nhà, anh kết hợp những bài học tìm cách phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết ở vùng Nà Sản.

"Tôi hướng đến nông sản sạch, không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ nào. Thay vào đó, tôi sử dụng hoàn toàn chủng vi sinh, tạo ra một hệ sinh thái chung cho vườn cam của mình" - Thành chia sẻ.

Trong vườn cam của mình, Thành để nguyên thảm cỏ xanh tốt để sâu bọ có thức ăn. Cỏ tốt quá thì phát bớt, lấy cỏ ủ phân bón cho cây.

Anh cho biết: "Người nông dân vẫn có thói quen dùng rất nhiều thuốc, hóa chất và dùng vô tội vạ, như thế sẽ có sự kháng thuốc, tình trạng dịch bệnh ngày càng nhiều hơn. Tôi mong muốn tất cả mọi người thay đổi thói quen làm nông nghiệp thay vì cứ phun phun xịt xịt, sản phẩm thu hoạch nhiều hóa chất, không đạt tiêu chuẩn".

Kiên định với cách làm của mình, một năm qua Vũ Xuân Thành đã thành lập Hợp tác xã nông sản Nà Sản với tám thành viên, đa phần là những nông dân trẻ. Anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chỉ dẫn mọi người sản xuất theo đúng quy trình. Việc phát triển thương hiệu, tìm nguồn ra, thị trường ổn định, một mình Thành trực tiếp làm. Hiện nay sản phẩm của hợp tác xã này đều có tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được đón nhận trên thị trường thông qua các chuỗi thực phẩm sạch ở Hà Nội.

Anh Nguyễn Thành Trung (30 tuổi, thành viên hợp tác xã) cho biết thật quý giá khi anh được học làm nông nghiệp sạch, an toàn. Trước đó gia đình anh trồng cây không theo quy trình nào, mạnh ai nấy làm. "Tôi cũng chưa nghĩ sẽ trồng cây hay làm hoa quả sạch là như thế nào, nhưng bây giờ thị trường khác rồi nên mình phải thay đổi thôi. Làm nông sản sạch, được thị trường ưa chuộng và giá thành cũng cao hơn so với mặt bằng chung, đó là xu hướng".

Dạy trẻ em về nông nghiệp hữu cơ

Gần một năm nay, tại Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản, cuối tuần luôn đón các em học sinh trường mầm non, tiểu học về tham quan mô hình làm nông sản sạch. Các em thiếu nhi được trải nghiệm cách làm vườn không sử dụng hóa chất.

"Tôi hướng đến học sinh để truyền cho các em biết thế nào là nông nghiệp hữu cơ. Các em được trải nghiệm, đi hái cam, thu hoạch rau củ quả. Tôi muốn từ nhỏ các em đã biết nông nghiệp sạch là như thế nào, nông nghiệp an toàn là như thế nào, có thể chính các cháu là người thay đổi nền nông nghiệp của đất nước" - anh Vũ Xuân Thành, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản, chia sẻ.

Cô gái đưa nông sản sạch về phố cổ Hội An

TTO - Nhằm hỗ trợ bà con sản xuất nông sản sạch có thị trường tiêu thụ, Thu quyết định làm thương lái. Cô đã giúp người dân địa phương và du khách giảm đi nỗi lo về thực phẩm.

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp