18/10/2011 07:34 GMT+7

6 năm bé trai sống đời con gái

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Một bé gái (theo tên gọi trên giấy tờ) sau kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể - Karyotype - của phòng di truyền Bệnh viện Hùng Vương cho kết quả giới tính nam.

9LS4TbCn.jpgPhóng to

Bé T. và bà ngoại tại khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Hữu Công

Bệnh nhi là Nguyễn Thị Thu T. (thị xã Châu Đốc, An Giang), vừa được các bác sĩ khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) phẫu thuật lỗ tiểu thấp thể bìu.

Gia đình nhầm

Theo giấy khai sinh, bé T. sinh ngày 2-5-2005 là nữ. Khi vừa chào đời, bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Cha mẹ ly hôn, bé về sống với ông bà ngoại từ nhỏ. Đến năm 2008 được mạnh thường quân giúp đỡ, bé T. được mổ tim tại Viện Tim TP.HCM. Năm 2009, ông ngoại bé T. bị tai biến qua đời. Từ đó, bé T. và bà ngoại (68 tuổi, mắc bệnh tai biến) sống qua ngày bằng những tấm vé số bán được.

Số liệu thống kế của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong chín tháng đầu năm 2011 bệnh viện đã phẫu thuật cho 190 ca lỗ tiểu thấp, với tháng có số ca phẫu thuật cao nhất là 33 (tháng 6 và tháng 8). Con số này của cả năm 2010 là 214 ca.

Cô bé T. (gọi theo giới tính khai sinh) không tránh khỏi những cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Theo lời kể của bà ngoại bé: “Lúc sinh ra thấy bộ phận sinh dục giống của con gái nên khai sinh như vậy. Khi đó nhà nghèo quá nên chỉ lo bệnh tim cho cháu”.

Sáu năm qua, bé T. được gia đình nuôi nấng như một bé gái: đeo hoa tai, mặc áo đầm, chơi búp bê... nhưng hình dáng và tính cách bé lại bộc lộ nhiều thiên hướng về giới tính nam.

Theo PGS.TS.BS Lê Tấn Sơn, trưởng bộ môn ngoại nhi ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, việc xác định sai giới tính của trẻ từ lúc mới sinh sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc cho bé và gia đình về sau.

“Việc nhầm lẫn này có thể vì phụ huynh chỉ nhìn hình dáng bên ngoài của trẻ, hay người xác định giới tính không có chuyên môn... Những trường hợp này cần phải thử nhiễm sắc thể theo chỉ định của thầy thuốc, có trường hợp cần phải sinh thiết (xác định tế bào học) tuyến sinh dục để xác định là tinh hoàn hay buồng trứng”, bác sĩ Sơn cho biết.

Sau khi có kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể - Karyotype - bé T. được chẩn đoán chính xác mắc tật lỗ tiểu thấp thể bìu. Bé T. có dương vật cong nặng, có hai tinh hoàn, kèm theo chuyển vị dương vật bìu (dương vật nằm thấp hơn bìu). Dị tật này do bất thường trong quá trình hình thành niệu đạo và bộ phận sinh dục. Tật lỗ tiểu thấp của bé T. quá nặng nên bé đi tiểu ngồi.

Nên chữa trị sớm

Theo bác sĩ Sơn, những trường hợp mắc tật lỗ tiểu thấp như bé T. thường phẫu thuật ít nhất hai lần nếu không có biến chứng. Tuần vừa rồi bé T. đã được phẫu thuật làm thẳng dương vật vì thương tổn ban đầu có dương vật cong nặng xuống bám sát vào bìu. Lần phẫu thuật kế tiếp (sáu tháng sau) sẽ tạo hình niệu đạo, đưa lỗ tiểu lên đỉnh quy đầu. Theo y văn thế giới, lần phẫu thuật sau tỉ lệ biến chứng là 20-40% do niệu đạo làm mới quá dài.

Sau phẫu thuật, bé sẽ có bộ phận sinh dục gần như bình thường. Nếu hai tinh hoàn hoạt động tốt thì khi trưởng thành vẫn có thể là một người đàn ông và người cha.

Bác sĩ Sơn khuyên những phẫu thuật liên quan đến bộ phận sinh dục nên tiến hành lúc trẻ trước 3 tuổi: “Độ tuổi trước 3 tuổi sẽ không để lại nhiều ký ức cho trẻ, tránh mặc cảm tâm lý về sau. Bên cạnh đó, phẫu thuật khi còn nhỏ sẽ dễ lành, khả năng phục hồi cao hơn so với lúc lớn. Thống kê cho thấy mổ lỗ tiểu thấp ở người lớn xảy ra nhiều biến chứng so với trẻ em”. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ để sớm phát hiện bệnh, có sự điều trị kịp thời. Ngoài ra, tật lỗ tiểu thấp còn hay đi kèm với tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn...

Bệnh lỗ tiểu thấp không di truyền

Bệnh lỗ tiểu thấp có tần suất 1/250 bé trai, với những dấu hiệu sau: lỗ tiểu không nằm ở vị trí đỉnh của quy đầu mà nằm ở mặt bụng của dương vật, dương vật bị cong và da quy đầu dài ở mặt lưng nhưng lại thiếu ở mặt bụng.

Những ảnh hưởng của lỗ tiểu thấp: gây dương vật cong, trẻ không tự tin khi đi tiểu thậm chí phải tiểu ngồi, khi lớn lên có thể khó quan hệ tình dục, đặc biệt với niệu đạo đóng thấp thể hội âm (lỗ tiểu nằm gần hậu môn) thì không thể quan hệ và khi xuất tinh ra ngoài gây hạn chế về sinh sản.

Bệnh không di truyền. Nguyên nhân thường gặp là do bất thường của bào thai. Với những tiến bộ của khoa học, đặc biệt trong ngành y thì phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục ngoài của bé trai có thể thực hiện tốt, do vậy các bậc cha mẹ không nên hoang mang.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp