Tuy vậy, làm thế nào để toàn bộ rau củ, thực phẩm vào siêu thị, và nhất là ở các chợ đầu mối, chợ lẻ và cả bán hàng online cũng đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng tuyên chiến với thực phẩm bẩn
Ngày 8-3, tại "Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nâng cao chất lượng hàng Việt Nam", sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon Việt Nam và Satra đã cùng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung. Hệ thống phân phối nếu phát hiện các sản phẩm không an toàn thì lập tức kiểm tra, kiểm soát; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó...
Trong vòng 24 tiếng kể từ khi phát hiện và đủ thông tin về sản phẩm không an toàn, bên phát hiện phải gửi thông tin cho Sở Công Thương, cơ quan này sẽ tiếp tục thông tin đến hệ thống phân phối khác về tên nhà cung cấp, thông tin sản phẩm...
Khi nhận được thông tin về sản phẩm không an toàn, các siêu thị phải ngay lập tức kiểm tra và ngăn chặn sản phẩm này vào hệ thống...
Mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống trong việc cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-3, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết để đi đến thỏa thuận này là cả một quá trình làm việc của đơn vị và các hệ thống bán lẻ, và thực chất đây là vấn đề tự nguyện để cùng nhau hỗ trợ, kiểm soát chất lượng hàng hóa tốt hơn. Sau buổi ký kết, sẽ còn chặng đường để thực thi, nhưng có khó cũng phải làm.
"Thời hạn triển khai thỏa thuận là một năm, sau đó sẽ tiếp tục xem xét triển khai tùy vào tình hình thực tế. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề phát sinh và sớm thực hiện việc lan tỏa chương trình, các bên liên quan sẽ ngồi lại họp định kỳ, có thể hằng tháng", vị này khẳng định.
Theo ngành công thương, giai đoạn 1 là thí điểm, sang giai đoạn 2 sẽ cố gắng vận động thêm nhiều hệ thống phân phối, nhà cung cấp, đa dạng ngành hàng tham gia.
"Thỏa thuận hiện nay như đốm lửa, rồi sau đó sẽ cố gắng lan tỏa ra, giúp người tiêu dùng, nhà phân phối hiểu được giá trị và lợi ích mang lại cho các bên".
Nhà bán lẻ quyết tâm
Nhiều đơn vị bán lẻ tham gia chương trình cho biết với hàng nghìn nhà cung cấp hàng tươi sống, việc triển khai cần thời gian.
Tuy nhiên, đang và sẽ đẩy mạnh vận động để hướng đến việc ký kết các điều khoản liên quan với nhà cung cấp nhằm cùng thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngoài sáu đơn vị cung ứng thịt, rau củ, trái cây lớn đã chọn ký kết để cùng triển khai thỏa thuận này, đơn vị đã phổ biến và áp dụng đối với nhiều nhà cung cấp khác.
"Việc cùng triển khai thỏa thuận này cần quá trình nhưng chúng tôi sẽ tính toán để sớm thúc đẩy, hướng tới việc sẽ ký kết với toàn bộ nhà cung cấp. Đây là hành động giúp các bên đều có lợi", ông Đức nhận định.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, sáu đơn vị tham gia thỏa thuận hiện nay chiếm khoảng 50-60% thị phần của hệ thống bán lẻ hiện đại của TP.
Do đó, nhà cung cấp, sản xuất muốn bán được hàng, tồn tại ở các hệ thống này thì bắt buộc phải thay đổi.
Góc độ điều phối chung, cơ quan này cho biết trong quá trình thực hiện, sẽ khắc phục dần những hạn chế nhưng sẽ dựa trên quyền lợi, hài hòa cho các bên. Khi đã ký kết vào thỏa thuận thì các siêu thị phải làm nghiêm túc.
"Khi nhà cung cấp tự tin vào sản phẩm của mình sẽ dễ dàng tham gia thỏa thuận, siêu thị và người tiêu dùng từ đó có đánh giá tốt hơn, tin tưởng hơn vào những sản phẩm này, đây là cái lợi trước mắt cho nhà cung cấp", đại diện Sở Công Thương nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một hệ thống bán lẻ tại TP.HCM cho rằng thỏa thuận này là tích cực vì mỗi hệ thống bán lẻ không thể kiểm soát xuể chất lượng hàng hóa.
"Điều cần lưu ý là có sự bình đẳng, có phương pháp để không gây ra xung đột giữa các bên, đúng quan điểm là tạo sân chơi chung, vận dụng sức mạnh từng hệ thống để bổ trợ cho nhau".
Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, hàng tươi sống thường có nguy cơ mất an toàn cao, nên việc áp dụng kiểm soát trước với ngành hàng này là phù hợp.
"Qua thỏa thuận này, với mục tiêu siết chặt chất lượng, đồng nghĩa việc tăng trách nhiệm cho các nhà cung cấp, gắn lực lượng này vào để cùng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi để một mình siêu thị thực hiện là không xuể. Đây là điểm tích cực của thỏa thuận", ông Nghĩa khẳng định.
Nhà cung cấp lo, thắt chặt quy trình
Với việc hơn 80% lượng rau củ sản xuất ra được cung ứng vào hệ thống siêu thị ở TP.HCM, ông Bùi Trung Kiên, giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), cho biết đã hăng hái tham gia ký kết. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro, sắp tới sẽ tăng kiểm soát lại vùng trồng, tăng truy xuất nguồn gốc.
Khi thỏa thuận này được áp dụng, nhà cung cấp sẽ phải hành động nhiều hơn, đồng nghĩa giá thành sản xuất có thể sẽ tăng.
"Để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm chất lượng sản phẩm, các hệ thống bán lẻ hỗ trợ thêm giá bán, có thể tăng giá lên khoảng 15%", ông Kiên đề xuất.
Ông Trần Minh Chí, giám đốc Công ty nông sản bền vững Sinh Lộc (Mavita), cho hay cũng ủng hộ cách làm này vì đem lại sân chơi công bằng và cơ hội cho các đơn vị làm ăn bài bản.
"Các hệ thống siêu thị thường quan tâm số lượng và giá cả, còn hiện nay nếu các hệ thống siêu thị đã cam kết với nhau, tức đã có phương pháp thì phía nhà sản xuất như chúng tôi có nhiều cơ hội hơn. Vì mình làm đúng yêu cầu về chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh rất rõ với những hàng hóa rau quả "cào bằng" ngoài thị trường", ông Chí nói.
Tuy nhiên, cũng có nhà cung cấp e ngại có thể bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín và doanh thu nếu thông tin vi phạm bị công bố vội vã. "Thông tin về sản phẩm không đạt chuẩn, vi phạm được siêu thị, sở ngành phát đi, chia sẻ cần phải đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, khách quan, đầy đủ", đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, đại diện HTX Vũ Hưng Trường (TP.HCM), đây dù là hành động tích cực, nhưng với việc sáu hệ thống phân phối lớn cùng bắt tay siết chặt chất lượng là vấn đề rất hệ trọng với nhà cung cấp, có thể khiến doanh nghiệp phá sản nếu bị "bêu tên". Do đó, hoạt động này phải thật sự minh bạch, chính xác.
Đồng quan điểm đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng trước khi chia sẻ các kết quả vi phạm của nhà cung cấp và áp dụng chế tài theo thỏa thuận, các bên liên quan cần được xem xét cẩn thận, khách quan, thậm chí nên có đánh giá và kết luận từ cơ quan có chuyên môn để tránh những trường hợp làm oan, khiến nhà cung cấp gặp rủi ro lớn.
Mở rộng truy xuất nguồn gốc
Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, ngoài thịt heo, gà và trứng đang được áp dụng truy xuất nguồn gốc (trong đó trứng và thịt gà được truy xuất chủ yếu từ các doanh nghiệp cung ứng lớn), sắp tới TP sẽ tăng cường mở rộng việc truy xuất thêm nhiều mặt hàng. Thậm chí xem xét tăng việc yêu cầu cung cấp hóa đơn chứng từ kinh doanh ở các chợ truyền thống, khách mua hàng... để có thể kiểm soát tốt nguồn gốc hàng hóa.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP cho biết đang xúc tiến xây dựng thêm một chợ đầu mối cho TP và đẩy nhanh quá trình thành lập sàn giao dịch thịt heo.
Kiểm soát an toàn thực phẩm ở chợ lẻ còn khó lắm
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-3, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM là cần thiết vì dù cơ quan an toàn thực phẩm có tăng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa ở siêu thị, và các siêu thị tự kiểm soát để bảo vệ thương hiệu thì cũng không thể làm được 100%, vẫn có những rủi ro.
Ngoài ra, theo bà Lan, nhu cầu mua sắm tại các chợ của người dân TP.HCM hiện vẫn còn khá phổ biến. Tuy nhiên, khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa tại chợ dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn bộn bề nỗi lo.
Cụ thể, chợ đang cung cấp đến khoảng 60-70% nguồn hàng thực phẩm cho người dân, trong đó trọng tâm là từ ba chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm soát chất lượng tại đây vẫn còn những hạn chế nhất định do không đủ nhân lực và kinh phí.
"Hiện kết quả test nhanh chỉ có tính chất sàng lọc và tham khảo, để có cơ sở pháp lý thì phải kiểm nghiệm lại. Tuy nhiên, nhiều kiểm nghiệm như với hàng rau có thể trên dưới 2 triệu đồng/mẫu do phân tích nhiều hoạt chất, hàm lượng", bà Lan nêu khó.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP, vấn nạn chợ tự phát bùng nổ khắp nơi chưa được giải quyết. Đây là những điểm bán không có truy xuất, không được quản lý nhưng đang thu hút lượng lớn người dân mua sắm, khiến công tác giám sát, kiểm tra chất lượng thực phẩm đã khó càng thêm khó.
"Chúng tôi không có khả năng và không đủ quyền hạn dẹp chợ tự phát, mà cần đoàn liên ngành, trong đó vai trò lớn từ chính quyền địa phương. Cần phải chấn chỉnh tình trạng này mới hy vọng kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa đưa đến bàn ăn", bà Lan khẳng định.
Trong khi đó, một lãnh đạo trong ngành quản lý thực phẩm phía Nam cho biết công tác thanh tra trong ngành chưa thật sự hiệu quả do vướng quy định một năm chỉ được thanh tra doanh nghiệp một lần và phải báo trước, trường hợp thanh tra đột xuất thì không dễ vì phải có lý do.
"Thanh tra định kỳ phải báo cáo về cơ quan thanh tra TP. Ngoài ra, việc phải báo trước cho doanh nghiệp trước khi thanh tra, doanh nghiệp biết chỉ bị thanh tra một lần... sinh ra tâm lý ỷ lại, chủ động đối phó, lách thời gian kiểm tra khiến công tác thanh tra thiếu hiệu quả", vị này nhận định.
Theo bà Lan, hiện TP đang thí điểm chợ an toàn thực phẩm ở tất cả các quận huyện và sẽ mở rộng mô hình này trong thời gian tới để cải thiện chất lượng hàng hóa tại chợ. Theo đó, các chợ trong danh sách này sẽ đảm bảo hạ tầng kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa... Ngoài ra, TP sẽ tăng liên kết đề án Chuỗi sản xuất an toàn ở hàng chục địa phương.
Ông Lê Văn Tiển, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết ngoài công tác lấy mẫu của cơ quan chức năng, chợ đã chủ động xã hội hóa thêm công tác này để góp phần tăng tần suất lấy mẫu riêng, tăng kiểm soát chất lượng, đặc biệt là thịt heo.
Được biết, hai chợ đầu mối còn lại hiện nay là chợ Thủ Đức và Bình Điền cũng đang được đẩy mạnh áp dụng xã hội hóa công tác kiểm nghiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận