26/06/2016 09:20 GMT+7

51 năm làm chứng nhân của cái chết

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Với 51 năm làm nhân viên nhà xác ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Ngãi, có lẽ ông Nguyễn Lên (78 tuổi, P.Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) là người làm công việc này lâu nhất ở Việt Nam.

Ông Lên (trước) giao thi thể cho người thân đưa về nhà - Ảnh: Trần Mai
Ông Lên (trước) giao thi thể cho người thân đưa về nhà - Ảnh: Trần Mai

“Anh Lên là người chất phác, thật thà, làm việc cần mẫn, tận tâm, có nghĩa có tình với người đã khuất và cả thân nhân. Khó có ai yêu quý và gắn bó với nghề này hơn anh ấy. Nói thật khi anh ấy không đủ sức khỏe làm nữa, chả biết kiếm đâu ra người thứ hai như vậy

Bác sĩ Nguyễn Đệ

Ông cũng là người duy nhất làm việc qua 3 đời giám đốc chế độ cũ và 6 đời giám đốc chế độ mới tại BVĐK Quảng Ngãi sau năm 1975. Ông là nhân chứng của những thay đổi, thăng trầm của bệnh viện. Chính cái duyên và tình cảm dành cho người đã khuất gắn cuộc đời ông ở đây lâu đến vậy.

Nhân chứng của bệnh viện

Đã bao nhiêu người đến rồi đi, rồi quên hình dáng ông lão tóc bạc trắng ngồi thẫn thờ nơi ghế đá nhìn chiếc xe cứu thương đưa người tử vong rời khỏi bệnh viện.

Còn ông vẫn ở đó, với công việc duy nhất là lo cho người chết sạch sẽ, trước khi giao cho người thân mang về nhà an táng. Ai không có thân nhân đến nhận ông lại mang đi chôn, rồi đánh số, ngày tháng, hình dáng, áo quần... với hi vọng sau này có ai đến tìm, ông sẽ dẫn đến nghĩa địa tìm lại người thân.

Ông Lên từng đi lính VNCH. Trong một trận đánh ở xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa), cả toán quân chỉ còn vài người sống sót. Thế là ông ghét chuyện đánh nhau. Ông tự dùng súng bắn vào tay mình để giải ngũ.

Trở về, ông xin vào Bệnh viện Quảng Ngãi làm việc tạp dịch quét dọn nhà xác kiêm chôn cất bảo quản tử thi. Thời điểm chiến tranh, ngày nào ông và ba người làm ở nhà xác cũng phải mang ba, bốn người dân bị tên bay đạn lạc đi chôn.

“Có ngày đến mấy chục người chết nằm la liệt từ nhà xác ra tận hành lang. Cứ mỗi lần có chuyện là người ta lại chạy ào tới bệnh viện tìm người thân. Tôi phải giở vải che mặt người chết cho họ xem, có người mừng khi người thân không nằm trong số đó, có người khóc thảm thiết” - ông Lên kể.

Cụ Nguyễn Thị Một (93 tuổi, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa) có đến chín người con, nhưng kết thúc chiến tranh chỉ còn năm người. Cụ Một vẫn khỏe, minh mẫn và nói về ông Lên rất nhiều. Bốn đứa con mất vì chiến tranh bà đều nhận từ tay ông Lên.

“Mỗi lần gặp ổng lại sợ chết khiếp, vậy mà vẫn phải bốn lần nhờ ổng quấn xác tụi nó cho vợ chồng tôi mang con về. Ổng tận tình đến lạ, lo quần áo, khăn liệm đưa cho từng người, rồi còn an ủi nữa” - bà Một nói.

Tính đến ngày giải phóng Quảng Ngãi, ông đã làm việc qua ba đời giám đốc bệnh viện tỉnh. “Ngày quân đội Sài Gòn rút đi, các bác sĩ cũng bỏ chạy luôn. Phần tui với mấy anh em nhà xác vẫn đi chôn người chết” - ông Lên kể.

Ngày bệnh viện có lãnh đạo mới, do ông không biết chữ nên nhờ người viết đơn xin vào nhà xác bệnh viện làm việc. Từ đó, ông Lên trải qua 41 năm gắn bó với nhà xác với sáu đời giám đốc nữa. Bác sĩ Nguyễn Đệ, đời giám đốc thứ hai, bảo rằng ông Lên là người chứng kiến rõ thăng trầm của BVĐK Quảng Ngãi.

Không có người thứ hai

Ông Lên tâm sự: “Ai thử ở nhà xác này một ngày thôi là biết. Vậy mà tôi ở 51 năm nay, trực 24/24 giờ. Riết rồi có cái tình với người chết”.

Năm 1998, ông nghỉ hưu mà cứ canh cánh trong lòng vì sợ người thay thế không lo được cho người chết chu đáo. Nhưng rồi làm được mấy ngày, người thay ông đã xin chuyển công tác vì... sợ. Tìm người thay thế vị trí ông Lên không ra, đích thân trưởng khoa giải phẫu bệnh (nhà xác nằm trong khoa này) tới nhà kêu đi làm tiếp.

“Lúc đó tôi đang cuốc ruộng, người lấm lem. Vậy mà nghe kêu đi làm lại là dọn áo quần đi liền” - ông Lên kể. Trở lại nơi lạnh tanh mà ai cũng sợ ấy khiến ông hạnh phúc. Ngày đầu tiên trở lại, ông tiếp nhận liền sáu thi thể nằm trong nhà xác chưa được vệ sinh, bảo quản. Thế là ông xắn tay vào làm. Bốn thi thể ông mang đi chôn vì không có thân nhân, hai thi thể ông trả lại cho người thân.

Chỉ tay về phía hai tủ ướp xác ở bệnh viện, ông Lên bảo khi còn ở bệnh viện cũ, tử thi được đặt trên cái bàn đá, lấy cái lồng che lại qua một ngày không có người nhận là khâm liệm mang đi chôn. Giờ hiện đại có máy lạnh để xác được lâu, có điện thoại nữa nên liên lạc được với người nhà là họ đến nhận.

“Ở bệnh viện cũ, quanh nhà xác như cái miếu, cây mọc um tùm. Ai đến cũng rùng mình nhưng tui thì không sợ. Mình làm việc nghĩa, sợ chi. Chắc mấy người chết phù hộ nên làm tới 9 đời giám đốc rồi vẫn chưa uống viên thuốc nào vào người” - ông Lên cười khà khà.

“Từ hồi giờ ông tiếp nhận bao nhiêu tử thi và chôn bao nhiêu lần rồi?” - tôi hỏi. Ông ngẫm rồi bảo nếu tính hết chắc đã chết vì đau đầu rồi. Ở nhà xác mà tính thi thể thì khác nào bảo tướng quân nhớ hết lính. Trong câu chuyện, ông cứ lặp đi lặp lại từ “thương người quá cố”. Có lẽ vì thế mà trở lại làm việc sau khi nghỉ hưu dù lương chỉ có 500.000 đồng rồi nay tăng lên 1.150.000 đồng, ông vẫn cứ làm, không nề hà.

Hôm 23-6, ông phải lên khoa hồi sức cấp cứu đưa thi thể hai cha con anh Hồ Văn Hải nghĩ quẫn nhảy lầu tự tử xuống nhà xác. Anh Hải là người đồng bào Cor, người thân cứ luýnh quýnh chả biết lo sao. Ông một tay lo hết tất cả thủ tục, rồi kêu xe tới đưa thi thể hai cha con về nhà. Lúc chiếc xe đi khuất, ông bần thần. Cả đời làm nhà xác, chứng kiến bao cuộc ra đi, ông đúc kết rằng: “Đây là cái nghề an ủi đời”.

Bà Nguyễn Thị Tạ, điều dưỡng khoa giải phẫu bệnh, bảo rằng ở bệnh viện ai cũng thương ông Lên. Khi thấy công việc nặng nhọc, túc trực cả ngày đêm ở cái nơi chẳng ai dám vào mà lương chỉ có hơn 1 triệu đồng, bà Tạ nhiều lần làm đơn xin cho ông hưởng thêm. Còn ông thì chả quan trọng chuyện đó.

Ông bảo: “Tôi có sáu đứa con, hồi đầu đứa nào cũng bảo nghỉ. Nhưng giờ mỗi lần có nhiều tử thi quá thì tôi điện thoại để chúng vào phụ một tay đưa vào máy bảo quản”.

Ông Nguyễn Tấn Đức, giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, khi nhắc đến ông Lên cứ bảo rằng mong muốn lớn nhất của ông Đức là tất cả cán bộ y tế làm việc như ông Lên: thầm lặng, sống bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của một người làm ngành y.

Ông Đức nói: “Tôi đến nhà xác cũng nhiều lần rồi, nhưng hôm xảy ra vụ tai nạn làm bốn người chết mới ngồi nói chuyện với bác Lên nhiều. Phải nói là tinh thần làm việc tận tâm của bác cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Bác Lên cũng là tấm gương mà người đứng đầu ngành như tôi phải học tập”.

Mỗi ngày, ông Lên lại kiểm tra hai tủ ướp tử thi - Ảnh: Trần Mai
Mỗi ngày, ông Lên lại kiểm tra hai tủ ướp tử thi - Ảnh: Trần Mai

 

Những cái chết không giống nhau

Có thể nói, ông Lên chỉ cần nhìn vào thi thể là đoán biết nguyên nhân dẫn đến cái chết.

Mười năm trước 1975 là khoảng thời gian mà gần như cái chết nào cũng đầy máu. Cái chết của chiến tranh thường thân thể không còn nguyên vẹn. Nó khác với cái chết ở thời bình rất nhiều. Bây giờ chết vì bệnh lý, tai nạn giao thông, đâm chém nhau là chính và người chết giữ được thân thể nguyên lành.

Hỏi ông cách phân biệt giữa các bệnh lý với tai nạn giao thông hay rơi từ trên cao xuống có khác gì nhau, ông bảo khác lắm chứ, bệnh lý có nhiều loại, người chết vì gan thì bụng trương to và mặt không tái đi mà ngả vàng vàng, bệnh thận cơ thể phù, còn tai biến thì đầu ngón tay hơi chụm lại thẳng đờ, chấn thương sọ não thì mắt đỏ đục, tai hoặc mũi sẽ có máu chảy nhẹ, xuất huyết nội cũng vậy...

“Nói thì khó hiểu lắm, nhưng đứng trước xác chết tôi chỉ nhìn biểu hiện phát ra bên ngoài là thấy được ngay” - ông Lên nói.

Kể về triệu chứng của cái chết, ông gần như là một chuyên viên pháp y. “Xác chết cũng biết nói, người gắn bó nhìn là biết liền. Ở càng lâu và tiếp xúc càng nhiều thì biết thôi. Chả có ai tài giỏi chi hết. Nghề nào cũng vậy, làm lâu năm thì thành kinh nghiệm. Cũng như bác sĩ, những ông làm lâu năm thì ít nhầm lẫn hơn ông mới làm. Cái nghiệp ngồi nhà xác cũng vậy, càng lâu thì càng ít nhầm lẫn” - ông Lên nói.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp