04/10/2024 09:02 GMT+7

51 con hổ, báo, sư tử chết do nhiễm cúm gia cầm: Truy nguồn gốc thức ăn

Liên quan đến vụ hổ chết tại Đồng Nai, chiều 3-10 các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã quyết định tiêu hủy toàn bộ 20 con hổ, 1 con báo chết tại khu du lịch Vườn Xoài.

Vụ hổ, báo chết vì cúm gia cầm: Truy nguồn gốc thức ăn - Ảnh 1.

Hổ và báo chết do cúm A/H5N1 được tiêu hủy bằng cách đốt và chôn lấp - Ảnh: A LỘC

Đoàn liên ngành yêu cầu khu du lịch Vườn Xoài tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trong đàn, cách ly con vật bệnh, thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng hằng ngày, hạn chế người tiếp xúc khu vực nguy cơ trong quá trình xử lý dịch bệnh.

Đặc biệt nhân viên phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, theo dõi sức khỏe những người có tiếp xúc với hổ, báo chết để có hướng xử trí kịp thời.

Hổ chết bất thường

Giải thích về việc đàn hổ và báo chết, ông Ngô Văn Sang, giám đốc Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (khu du lịch Vườn Xoài), cho biết: "Hổ bắt đầu chết vào ngày 8-9 và chết rất nhanh. Chỉ trong hai ngày đầu đã chết 11 con hổ và 1 con báo. Ngay khi phát hiện thú chết, đơn vị đã báo cáo các cơ quan chức năng lấy mẫu, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi".

Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương (Cục Thú y), cả hai mẫu hổ chết trong khu du lịch Vườn Xoài đều dương tính với cúm A/H5N1.

Kết quả phân tích ban đầu, bác sĩ nhận định bạch cầu tăng cao, nhiễm khuẩn do vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; creatinine máu gấp 10 lần bình thường dẫn đến suy thận và tim, sung huyết do nhiễm khuẩn cấp...

Ông Nguyễn Bá Phúc, người nuôi bầy hổ trong khu du lịch Vườn Xoài, cho hay trước khi chết, hổ có biểu hiện sốt li bì cả tuần, mặt buồn... Ngày 22-9, con hổ cuối cùng (con thứ 20) có biểu hiện bệnh chết. Từ đó đến nay chưa có thêm con hổ nào chết.

"Trong đó có một con hổ con cho bế lên chơi bình thường, nhưng vừa thả xuống 5 phút thì giãy lên và chết sau đó", ông Phúc nói.

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đặc điểm của khu du lịch Vườn Xoài có nguồn lây rất đa dạng như chim trời, chim quý nuôi nhốt, nguồn cung thức ăn và hơn 300 con chưa tiêm ngừa cúm gia cầm ngay cạnh chuồng hổ.

Vụ hổ, báo chết vì cúm gia cầm: Truy nguồn gốc thức ăn - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn xác hổ lưu trữ trong container đông lạnh trước khi đưa đi tiêu hủy - Ảnh: A LỘC

Thức ăn lấy từ lò mổ

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã xác minh nguồn gốc thức ăn. Bước đầu xác định nguồn gà cung ứng cho hổ ăn từ một lò mổ ở huyện Trảng Bom. Chi cục đang tiếp tục làm việc để xác minh tìm căn nguyên và lấy mẫu giám sát dịch bệnh, nếu có dấu hiệu sẽ báo cáo ngành công an phối hợp truy xuất.

Bác sĩ Phan Văn Phúc, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, nhận định hổ bệnh chết diễn tiến qua hai giai đoạn. Đầu tiên là nhiễm đồng bộ, có thể từ thức ăn hoặc chim trời, nên có con bệnh con không.

Tiếp đó là giai đoạn lây nhiễm nội tại, không liên quan nguồn lây nữa. Thời gian lây nhiễm, phát bệnh khoảng 6 - 7 ngày.

Theo đánh giá, trên hổ xuất hiện triệu chứng đồng loạt cùng một thời điểm nên nghi ngờ nguồn lây bệnh từ thức ăn.

"Cần truy xuất nguồn gốc thức ăn để tìm nguyên nhân và ngăn chặn lây lan. Tác nhân cúm gia cầm thường nằm ở nhóm gia cầm, chưa có bằng chứng lây từ người sang người, nhưng từ gia cầm sang người đã có ở nhiều nước. Tỉ lệ tử vong do nhiễm cúm gia cầm cao, từ 30 - 60%, tùy độc lực" - ông Phúc nói.

Đối với phòng ngừa lây lan trên con người, ông Phúc nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm công tác bảo hộ đối với người ra vào khu nguy cơ cao. Trong đó lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm cưỡng chế nhân viên thực hiện, không buông lỏng, chủ quan.

Đồng thời dùng hóa chất mạnh hơn để khử khuẩn bên ngoài chuồng trại. Theo dõi tất cả những người có liên quan đến hoạt động chăm sóc, vận chuyển, vệ sinh, đưa thức ăn, thuốc men...

"Cần phải theo dõi sức khỏe, khi có dấu hiệu bất thường phải báo cáo y tế ngay nhằm can thiệp sớm nhất", ông Phúc nói.

Long An: không xác định được nguồn lây

Ngày 3-10, ông Huỳnh Hữu Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - cho biết sức khỏe của ba người từng tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp các con thú bị chết tại vườn thú Mỹ Quỳnh (ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An) đến nay vẫn bình thường, không ghi nhận ho, sốt.

Ba người này gồm một cán bộ thú y của vườn thú và hai nhân viên chăm sóc thú, cho thú ăn.

Ngoài ra trong quá trình thú chết có các đoàn kiểm tra đã đến tiếp xúc và làm việc tại vườn thú gồm các cán bộ Cục Kiểm lâm và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An. Đến nay, sức khỏe của các cán bộ cũng bình thường.

"Ngày 19-9, trung tâm nhận được trường hợp có hổ chết, kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Ngày 20-9, chúng tôi đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa và UBND xã Tân Mỹ kiểm tra.

Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh thường nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao ở người.

Khi ghi nhận vi rút trên các con hổ chết tại vườn thú, chúng tôi đã yêu cầu cần có các biện pháp phòng hộ cá nhân an toàn khi tiếp xúc để tránh tình trạng lây sang người.

Với ba người ở vườn thú từng tiếp xúc với các con hổ chết, CDC Long An đã đề nghị trung tâm y tế địa phương tăng cường giám sát, theo dõi, yêu cầu người tiếp xúc khi có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở cần thông báo ngay cho y tế địa phương để tiến hành cách ly, lấy mẫu, điều trị và xử lý kịp thời.

Với những cán bộ của đoàn kiểm tra từng xuống làm việc cũng cần phải theo dõi tình hình sức khỏe tương tự. Thời gian là 21 ngày kể từ lần cuối tiếp xúc với hổ chết", ông Dũng nói thêm.

Tính từ ngày 11-8 đến 16-9, tổng cộng đã có 27 con hổ, 3 con sư tử chết tại vườn thú Mỹ Quỳnh. Trong đó có 3 con hổ mới nhập từ Đồng Nai, còn lại 24 con hổ và 3 con sư tử đã ở vườn thú từ trước.

51 con hổ, báo, sư tử chết do nhiễm cúm gia cầm

Khu du lịch Vườn Xoài có 42 con hổ và 2 con báo, trong đó 12 con hổ được nhập về từ Nam Phi, sau đó đàn hổ sinh sản và tăng số lượng lên như hiện nay.

Ngày 8-9, có 4 con hổ và 1 con báo chết bất thường. Liên tiếp những ngày sau đó đã có thêm nhiều con hổ chết. Đến nay đã có 20 con hổ và 1 con báo chết. Trước khi chết, các con thú có triệu chứng chung là bỏ ăn, sốt, đi lại yếu...

Ngày 30-9, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc ghi nhận động vật hoang dã nhiễm cúm A/H5N1.

Ngoài Đồng Nai, từ tháng 8 đến ngày 16-9-2024, tại vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) đã có 27 con hổ và 3 con sư tử bị chết. Trong đó có 3 con hổ mới nhập về từ Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP Biên Hòa, Đồng Nai vào ngày 6-9. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của loài hổ được lấy mẫu tại vườn thú dương tính cúm A/H5N1.

Như vậy cả Đồng Nai và Long An có 51 con hổ, báo và sư tử chết do nhiễm cúm gia cầm.

Thảo cầm viên Sài Gòn: vắc xin H5N1 tiêm cho hổ không có

Trước sự việc hàng loạt hổ và sư tử ở Long An, Đồng Nai chết vì dịch, nhiều người lo lắng cho đàn hổ tại Thảo cầm viên Sài Gòn vì cũng nằm trong vùng khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Khắc Trung Trực - giám đốc Xí nghiệp động vật, Thảo cầm viên Sài Gòn - cho biết ở đơn vị đa phần hổ chết vì già, rất ít bị bệnh. Hổ ở Thảo cầm viên thường có tuổi thọ lớn hơn ngoài môi trường tự nhiên. Khi tới giai đoạn già thì ăn ít và sức khỏe kém rồi chết, chứ không bị dịch bệnh.

Đối với những bệnh liên quan bệnh truyền nhiễm của thú họ mèo, họ chó, đơn vị tiêm vắc xin dại loại tích hợp phòng nhiều loại bệnh trong một mũi tiêm. Bên cạnh đó cũng kiểm tra ký sinh trùng, xổ giun cho hổ.

"Về vắc xin H5N1 tiêm cho hổ thì không có. Vì loại bệnh này chưa có sản xuất vắc xin cho hổ. Đa số là tiêm phòng các bệnh thông thường, truyền nhiễm trên họ chó mèo", ông Trực nói rõ hơn.

6h30 mỗi ngày có nhân viên vào dọn dẹp chuồng. Thức ăn lấy từ nhà chế biến và công ty cung cấp có kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông thường hổ được cho ăn vào 14h chiều. Nước uống được bố trí hai vị trí: một điểm nước chảy như dạng thác, suối tự nhiên; một điểm chứa nước thủy cục. Hổ sẽ tùy theo sở thích và lựa chọn.

Vụ hổ, báo chết vì cúm gia cầm: Truy nguồn gốc thức ăn - Ảnh 3.Thảo cầm viên Sài Gòn nuôi hổ ra sao khi cùng vùng khí hậu Đồng Nai, Long An?

Trước sự việc hàng loạt hổ và sư tử ở Long An, Đồng Nai chết vì dịch, nhiều người lo lắng cho đàn hổ tại Sài Gòn vì nơi đây cũng nằm trong vùng khí hậu, thổ nhưỡng tương tự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp