01/05/2016 10:43 GMT+7

500 tấn bom trong lòng Đà Nẵng

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
TẤN VŨ - VIỆT HÙNG

TTO - Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm nhưng với những người lính công binh rà phá bom mìn thì chiến trường như vẫn còn trước mặt.

Chiến sĩ công binh moi ra từ lòng đất một quả đạn pháo - Ảnh: Tấn Vũ
Chiến sĩ công binh moi ra từ lòng đất một quả đạn pháo - Ảnh: Tấn Vũ

Tử thần có thể gọi tên họ bất kỳ lúc nào. Một công việc hiểm nguy âm thầm suốt hơn 40 năm bây giờ mới kể.

Đà Nẵng bây giờ là thành phố của những con đường hoa lệ và thanh bình với dòng sông Hàn chảy ngang và cửa biển trước mặt.

Để thành phố bình yên, gần 10 năm qua, những người lính đã âm thầm bóc từng thớ đất, ôm từng quả bom, mìn, đạn cối ra khỏi các khu dân cư, trả lại một vùng đất “sạch” cho người dân...

Bên miệng hố tử thần

Bên trái tuyến quốc lộ 1A - đường Trường Chinh, rẽ vào con đường nhỏ đầy đá dăm, chiếc xe lọt qua cánh cổng sắt lớn có bộ đội canh phòng, chúng tôi như bước qua một thế giới khác.

Con đường vun vút dài hút tầm mắt chạy về phía núi, bên vạt rừng lúp xúp, lũ chim bìm bịp giật mình vụt bay khi nghe tiếng xe. Các tháp canh cao như căn nhà năm tầng, sơn màu vàng, sừng sững nhô lên giữa cánh rừng.

Chỉ vào một tháp canh, trung tá Mai Văn Lập, phó giám đốc Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5, giải thích rằng khu vực rộng lớn nhiều hecta này nguyên là các kho vũ khí thời chiến để lại.

Dưới các cánh rừng lúp xúp là những bãi bom, mìn, đạn đã được chôn lấp. Các chòi canh này trước đây túc trực 24/24g để phát hiện các vụ cháy, nổ nhằm xử lý kịp thời.

Chiếc xe dừng lại bên một hố bom rộng gần 300m2 được bộ đội phát quang, giăng dây và cắm biển báo khu vực nguy hiểm. Gần 20 chiến sĩ với máy rà, xẻng, cuốc, xô...đang thu gom đạn pháo.

Những quả đạn pháo loại lớn đang nằm kẹt trong lòng đất, các chiến sĩ phải dùng chổi cẩn trọng quét đất bột ra rồi dùng tay ôm nhẹ nhàng như ôm em bé để vào các thùng gỗ.

Trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, thượng úy Trần Văn Hà, một sĩ quan phòng hóa, trưởng ban kỹ thuật an toàn, bảo: “Quen rồi anh. Ôm bom đạn suốt nhưng không bao giờ chủ quan. Nó mà trở mình một phát thì không có cơ hội sửa sai”.

Phía trên hố bom, từng thùng đạn đã được phân loại xếp nhiều vô kể: những trái đạn cối 81 li to bằng bắp chân đã hoen gỉ phần thân, những đầu đạn M79 còn loáng bóng màu đồng vàng óng; những quả lựu đạn CS bằng nắm tay còn nguyên màu sơn được xếp cẩn thận trong các thùng gỗ; một hầm đạn pháo 37 li được các chiến sĩ chuẩn bị xử lý...

Thượng úy Hà dặn dò: “Các anh cẩn trọng, đừng sờ, vặn hay đùa với các thứ này. Các đầu đạn này có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Lựu đạn CS này có chất độc kích thích thần kinh, nếu người hít phải ở nồng độ cao có thể tử vong”.

Chưa đầy một giờ, các chiến sĩ công binh của trung tâm đã đào gần nửa tấn bom đạn các loại. Có những quả đạn cối đã gỉ toàn bộ, bột thuốc bên trong chảy hẳn ra ngoài, các chiến sĩ phải đeo khẩu trang, găng tay để ôm về nơi tập kết.

Thượng úy Hà cho biết do đặc thù của công việc rà phá bom mìn là không thể dùng cơ giới, chỉ dùng tay và thủ công toàn bộ nên các chiến sĩ ở đây vô cùng vất vả.

“Chúng tôi nhặt đạn nhiều như nhặt khoai vậy. Công việc đòi hỏi tỉ mỉ và cẩn trọng nên không thể dùng một phương tiện cơ giới nào thay thế. Hầm đạn này đã thu dọn gần 30 tấn rồi, và số lượng còn lại chưa biết bao nhiêu. Quanh khu vực này có đến 3 hầm như vậy” - thượng úy Hà nói.

Dù là lãnh đạo nhưng trung tá Lập luôn có mặt tại hiện trường để cùng đồng đội rà phá bom mìn. Hơn 25 năm trong nghề, có mặt ở khắp các bãi bom mìn, tháo gần 100 quả bom lớn nhỏ, ông Lập bây giờ thuộc hàng có kinh nghiệm bậc nhất ở đơn vị.

Ông bảo: “Sợ nhất là những quả đạn “lạ”, bom “lạ” khi ký hiệu trên đó không còn... Các anh em chưa biết xuất xứ và nguồn gốc, nguyên lý hoạt động của nó, mình phải có mặt để bàn phương án xử lý. Ở đây, công việc này, an toàn là trên hết. Nếu chủ quan thì chẳng còn cơ hội để rút kinh nghiệm nữa”.

Chỉ riêng kho CK55 giữa lòng Đà Nẵng đã được công binh tháo gỡ hơn 400 tấn bom, đạn - Ảnh: Thanh Trung
Chỉ riêng kho CK55 giữa lòng Đà Nẵng đã được công binh tháo gỡ hơn 400 tấn bom, đạn - Ảnh: Thanh Trung

Vụ nổ kinh hoàng

10 năm xử lý 400 tấn bom

Trung tá Mai Văn Lập kể: “Chúng tôi đã xử lý gần 10 năm nay, riêng đơn vị đến cuối năm 2012 xử lý được 240 tấn, năm 2014 xử lý 170 tấn, năm 2015 xử lý 80 tấn và gần đây chúng tôi xử lý tiếp 40 tấn bom đạn khác.

Hơn 400 tấn bom, mìn, đạn dược đã xử lý và còn không dưới 100 tấn khác đang chờ xử lý. Có thể nói khu vực hơn 10 hecta này là kho vũ khí lớn và phức tạp nhất của cả nước đang được xử lý”.

Những người đứng tuổi ở khu dân cư phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ ngày nay còn nhớ như in vụ nổ long trời lở đất vào năm 1993 tại kho vũ khí cũ của Mỹ ở gần núi Phước Tường, sát sân bay Đà Nẵng.

Hàng trăm căn nhà bị rung chuyển, cửa kính bể nát, từng đoàn xe cấp cứu, cứu hỏa, xe quân đội hú còi chạy inh ỏi nhiều ngày liền.

Nhiều tuyến đường thành phố bị phong tỏa để các cơ quan chức năng xử lý hậu quả của vụ nổ. Người dân trong khu vực hoảng loạn tìm nơi trú ẩn.

Chiều lại thêm một tiếng nổ và đến gần sáng hôm sau thêm một vụ nổ kinh hoàng như vậy.

Ngay cả trong thời chiến nơi đây cũng chưa từng có những tiếng nổ khủng khiếp đến thế.

Sau vụ nổ, một cuộc làm sạch đất đai, tháo gỡ bom mìn với quy mô lớn chính thức diễn ra. Những người trong cuộc vẫn không thể nhớ có bao nhiêu chủng loại bom, mìn, lựu đạn được thu gom xử lý.

Trung tá Mai Văn Lập cho biết khu vực này từng là kho bom, đạn, vũ khí khổng lồ của Mỹ và chế độ Sài Gòn. Ngày gần giải phóng, lượng bom đạn còn lại quá nhiều không sử dụng hết, đối phương sợ ta chiếm sẽ tái sử dụng nên họ phá bỏ kho tàng, đào hố, dùng các khe suối để chôn lấp.

Giải phóng, các đơn vị công binh đã nhiều lần dò tìm, thu gom đem đi nơi khác xử lý nhưng vẫn còn rất nhiều.

Ông Lập được nghe kể lại trước kia có một lần đạn phốt pho trong khu vực do trời nắng hanh quá mức phát nổ làm cháy, quả đạn này nổ và văng phốt pho bay đến các quả đạn khác gây ra một vụ nổ dây chuyền khủng khiếp.

“Sở dĩ tôi hẹn các anh lâu nhưng không dám đưa vào khu vực này bởi phải chờ đến khi đơn vị tập trung những chiến sĩ thiện chiến nhất, kinh nghiệm nhất, bảo đảm đủ độ an toàn thì mới dám đưa người vào. Bom đạn thì không đùa được” - ông Lập nói.

Và ở Đà Nẵng không riêng gì khu vực kho CK55 là nơi chứa bom mìn mà trong lòng sông Hàn và các bến cảng thi thoảng đơn vị công binh của Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường của Quân khu 5 vẫn lôi ra nhiều trái bom khủng.

Trung úy Đinh Văn Hùng nhớ lại năm khởi công xây dựng cầu sông Hàn, cây cầu hiện đại đầu tiên của Đà Nẵng, khi đang thi công một mố cầu giữa sông thì tất cả phải dừng lại gọi công binh. Có đến 6 trái bom, đạn pháo loại lớn được móc lên từ đáy sông.

Ngay sau đó một trái ngư lôi nặng đến 14 người khiêng cũng được móc lên ở cảng Tiên Sa.

“Lấy bom dưới nước khó mà dễ. Khó là khó phát hiện. Dễ là do đất bùn nên anh em chỉ cần xẻng công binh, mang đồ nhái lặn xuống móc bùn đất ra, quàng dây cột và kéo lên mặt đất” - anh Hùng kể lại.

___________________________

Kỳ tới: Tháo bom trong rừng thẳm

TẤN VŨ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp