17/03/2018 12:20 GMT+7

50 năm Sơn Mỹ và những chứng nhân

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tôi đón Ronald Haeberle tại sân bay Chu Lai chiều 15-3. Ông từ Mỹ đến Việt Nam để dự buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát kinh hoàng - vụ thảm sát Sơn Mỹ, in hằn trong trí nhớ, dù đã 50 năm, vào ngày 16-3-1968.

50 năm Sơn Mỹ và những chứng nhân - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Đức nâng chiếc máy ảnh Nikon F bái lạy trước tượng đài - Ảnh: TRẦN MAI

Ông, với chiếc máy ảnh Nikon F - "chiếc máy ảnh chứng nhân" - đã dũng cảm đứng lên buộc tội những lính Mỹ hiếu chiến tàn sát 504 thường dân vô tội trong ngày tang tóc đó.

Chiếc máy ảnh sau đó được ông tặng lại cho ông Trần Văn Đức (Việt kiều Đức). Trong ngày 16-3, ông Đức mở từ trong balô, lấy chiếc máy ảnh Nikon F được bọc cẩn thận trong nhiều lớp bảo vệ ra và để dưới chân tượng đài vái lạy. Mẹ ông Đức đã ngã xuống dưới họng súng hôm đó!

Chiếc Nikon F rúng động nước Mỹ

Tôi hỏi về "chiếc máy ảnh chứng nhân" Nikon F. Đó là ngày 16-3-1968, Ronald lúc đó là phóng viên chiến trường, theo chân quân đội Mỹ đang đồn trú ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). 

Khi máy bay hạ độ cao, ông lấy chiếc máy ảnh Leica do quân đội Mỹ cấp ra chụp ảnh. 

Nhưng rồi ông như chết lặng khi phía dưới kia, những ngôi nhà đang ngùn ngụt cháy, những xác người nằm trên con đường cắt ngang ruộng lúa, một nhóm người già và trẻ con đang chạy ra khu vực gốc Cây Gòn và bị bắn hạ. Chiếc Leica chụp được 40 kiểu ảnh trắng đen.

"Tôi thấy cảnh tượng quá khủng khiếp, lòng tôi hoảng loạn. Nhưng tôi là một phóng viên, tôi phải ghi lại cảnh tượng này, và tôi lấy chiếc Nikon F của cá nhân ra chụp thêm 17 kiểu ảnh màu nữa" - ông Ronald kể. Ronald hiểu rõ quy định, chiếc máy Leica do quân đội cấp sau khi chụp ông phải giao lại toàn bộ phim. Còn chiếc Nikon F là của riêng ông nên ông có quyền giữ lại.

Ông cất giữ cuộn phim cẩn thận và tiếp tục mang chiếc Nikon F rong ruổi khắp các vùng chiến sự cho đến khi trở về nước Mỹ. Có lẽ nếu không có chiếc Nikon F và 17 bức ảnh ấy thì Sơn Mỹ sẽ nằm im trong "ngăn tủ" của lịch sử. 

Nước Mỹ rúng động, người Mỹ đã không tin vào mắt mình, Ronald mang chiếc Nikon F cùng cuộn phim đi khắp nơi trên đất Mỹ tố cáo tội ác dã man diễn ra tại làng Tư Cung vào buổi sáng tang tóc ấy.

Kỷ vật vô giá

Cuối năm 2011, ngay tại Sài Gòn, Ronald đã tặng chiếc máy ảnh Nikon F ông giữ suốt 43 năm cho ông Trần Văn Đức. 

Ông Ronald kể lại rằng: Vào khoảng tháng 9-2011, ông Đức có viết một bức thư gửi cho ông và nói về bức ảnh "Anh che đạn cho em" mà ông chụp trong buổi sáng đau thương ấy. Ông Đức sau đó được ông Ronald mời sang Mỹ. 

Qua những cuộc trò chuyện, ông Đức đã mô tả được khung cảnh, vị trí gốc Cây Gòn và thời điểm diễn ra vụ thảm sát tường tận. 

Ông Ronald sau đó đã đến Việt Nam cùng ông Đức để xem lại bức ảnh và tìm kiếm những chứng nhân khác để xem "ai là nhân vật thật sự của bức ảnh".

Tuy nhiên, lịch sử đã diễn ra quá lâu. Không ai nhớ tường tận và nhân vật thật sự của bức ảnh cho đến nay vẫn chưa có được tiếng nói chung. 

Nhưng trong bảo tàng vẫn còn tấm ảnh người phụ nữ bị bắn vỡ đầu, miệng vẫn còn ngậm vành nón, đó là mẹ của ông Đức. 

Ông Ronald đã quyết định tặng chiếc máy ảnh đầy kỷ niệm đau thương cùng những cuốn phim gốc của loạt ảnh thảm sát Sơn Mỹ cho ông Đức.

Hôm nay, vào đúng dịp tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát, ông Đức đã lấy chiếc máy ảnh từ trong balô ra và đặt trên chân tượng đài đau thương ở Sơn Mỹ khấn lạy, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ông Đức. 

Ông Đức bảo rằng: chiếc máy ảnh Nikon F là kỷ vật vô giá với cuộc đời ông cũng như làng Tư Cung.

Những người bạn quốc tế của Sơn Mỹ

50 năm Sơn Mỹ và những chứng nhân - Ảnh 2.

Ông Kelly với những đóa hoa hồng được gửi đến vong linh những thường dân vụ thảm sát - Ảnh: TRẦN MAI

Suốt 25 năm qua, năm nào cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm cũng về Quảng Ngãi kéo vĩ cầm bên chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát và gửi thông điệp tình yêu hòa bình. 

Ông lặng lẽ làm cầu nối kêu gọi bạn bè quốc tế tình nguyện đến với Quảng Ngãi chung tay hàn gắn nỗi đau chiến tranh. Ông đã trở thành một người bạn thực sự của những phụ nữ nghèo nơi này. 

Hàng tỉ đồng ông kêu gọi để giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, những mái nhà tình thương cho nạn nhân da cam, những phần quà cho trẻ em nghèo Quảng Ngãi..., đó là câu trả lời của yêu thương sau nỗi đau của họng súng.

Trong buổi tưởng niệm 50 năm, Sơn Mỹ còn chào đón sự trở lại của cựu binh Mỹ Billy Kelly. 

Khoảng 15 năm qua, người lính ngày nào từng đóng quân ở làng Tư Cung cứ vào ngày 16-3 lại đến Sơn Mỹ, trên tay ông luôn là 504 đóa hồng nguyện cầu cho các thường dân vô tội. 

Dòng chữ "Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình" mà ông Kelly viết trên những đóa hoa hồng đủ đẹp tươi để khép lại quá khứ.

Đâu chỉ có những người Mỹ. Sơn Mỹ còn chào đón tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. 

Cựu binh người Pháp Bruno Cerigvat từng tham chiến ở Trung Đông. Chán ghét chiến tranh và rồi ông chọn Sơn Mỹ làm nơi định cư và có một người vợ Việt Nam. 

Nhiều năm qua, mỗi ngày ông Bruno lại rong ruổi ở vùng đất đau thương này dạy tiếng Anh cho bọn trẻ. "Bruno ghét chiến tranh, Bruno yêu mảnh đất này, Bruno muốn làm gì đó cho trẻ em ở đây" - ông nói.

Tưởng niệm 504 thường dân vô tội

50 nam son my va nhung chung nhan (3)

Chứng nhân Đỗ Ba, người sống sót trong vụ thảm sát, khi đó còn là một cậu bé - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 16-3, tại khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) diễn ra lễ tưởng niệm 50 năm vụ lính Mỹ thảm sát giết hại 504 thường dân vô tội (16-3-1968 - 16-3-2018).

Rất đông người dân, nhân chứng và thân nhân của những dân thường vô tội bị sát hại trong vụ thảm sát đã đến dự.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng về đây thắp hương và cắm lên tượng đài những đóa hoa sen cầu mong sự siêu thoát cho những thường dân trong vụ thảm sát.

Ông Đặng Ngọc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói rằng: "Người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau để mở vòng tay bao dung tha thứ, đã chân tình đón tiếp những cựu binh Mỹ tìm về nơi đây như một chốn hành hương, để họ đối diện với sự thật, đối diện với chính mình và tìm thấy sự thanh tẩy tâm hồn ở một miền đất đang hồi sinh".

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp