Dù súng vẫn còn nổ thêm hai năm nữa, nhưng từ lúc đó - đề cập đến cuộc chiến tranh Việt Nam - các nhà quan sát thời sự trên thế giới đã có thể nhắc đến hai chữ "hòa bình" như giải pháp khả thi, người Việt ở Nam - ở Bắc, ở Âu, Á hay Mỹ, Úc đã có thể chờ đợi ngày hòa bình thật sự.
Gio Linh và Cam Lộ là hai vùng ở phía nam vĩ tuyến 17 thuộc Quảng Trị được hưởng không khí hòa bình đầu tiên từ những ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Đây là nơi mà giá trị của hòa bình được người dân cảm nhận từng phút theo từng bước rút quân.
Thủ đô hòa bình
Tại trung tâm của thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ hiện vẫn còn một khu di tích rất đặc biệt. Đây là nơi lưu lại dấu tích cho những ngày vùng đất này từng được chọn là thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
50 năm trước, ông Dương Tú Anh (87 tuổi, trú phường Đông Giang, TP Đông Hà) đang là bí thư Huyện ủy Cam Lộ. Mấy bữa nay, ông náo nức trong lòng với những hoạt động kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, cũng là 50 năm kể từ ngày thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được đặt tại Cam Lộ.
Cùng con trai lên thăm lại di tích, ông chầm chậm sờ vào từng mảng bê tông nham nhở vì thời gian trên hai trụ cổng, rồi tiếp tục chống gậy đi xem lại những bức ảnh lịch sử. Tất cả vẫn quen thuộc như tuổi trẻ của ông đang còn đó.
Dừng lại rất lâu trước bức ảnh chụp khoảnh khắc ông đứng trên cao điểm 241, thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro tháng 9-1973, ông như lạc vào những hồi ức chưa xa.
Với ông, việc Cam Lộ được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời đã là điều bất ngờ. Việc Chủ tịch Cuba Fidel Castro - nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới - tới tận Cam Lộ ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết càng là điều ông không thể tin nổi.
"Cam Lộ và Gio Linh thời điểm đó là hai vùng đầu tiên của bờ nam giới tuyến sông Bến Hải được giải phóng. Tôi là người được trung ương giao chọn địa điểm đặt khu Chính phủ cách mạng lâm thời.
Nói là hòa bình, nhưng thi thoảng vẫn có pháo "câu" từ các căn cứ thuộc bờ nam sông Thạch Hãn ra, nguy hiểm đâu đã hết. Vậy mà Fidel Castro vẫn chọn Cam Lộ để đến thăm", ông kể.
Trong kế hoạch, ông Fidel Castro sẽ đến thăm hai địa điểm gồm Hải Phòng và Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ.
Tuy nhiên, trên đường Fidel đến Việt Nam, ông Salvador Allende - tổng thống của Chile và là người bạn thân thiết của Fidel Castro - bị lực lượng đảo chính sát hại. Tin buồn đó khiến Fidel buộc phải rút bớt thời gian chuyến thăm và ông chọn duy nhất Cam Lộ.
Những khẩu pháo của quân đội miền Nam ở nam sông Thạch Hãn khi đó vẫn chĩa về phía vùng giải phóng, nên thông tin Fidel Castro đến thăm Cam Lộ được giữ tuyệt đối bí mật.
Từ giới tuyến Vĩnh Linh theo quốc lộ 1 vào Đông Hà, Fidel đã ngược lên đường 9 thăm Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó ông tiếp tục đến thăm cứ điểm 241 nằm trên đồi cao, thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.
"Chúng tôi đã tổ chức một cuộc mít tinh chào đón. Địa điểm tổ chức cũng được giữ kín cho đến nửa đêm trước ngày khách quý đến để đảm bảo an toàn. Vị trí được chọn là một bãi đất rộng có ngọn đồi chắn ở phía nam, cách cứ điểm 241 vài cây số để tránh nguy cơ pháo kích", ông Anh nói.
Sau lễ mít tinh sáng 16-9-1973, Fidel Castro đã nghỉ lại tại Khu Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tới 5 tiếng đồng hồ nữa rồi mới rời đi. Tổng thời gian Fidel đến vùng giải phóng của Quảng Trị khoảng 8 tiếng.
Với ông Anh, đó là 8 tiếng đồng hồ lịch sử. Ông nói lúc nào nhớ lại sự kiện đó cũng thấy lòng ấm áp khi vùng đất khét tiếng vì phải hứng bom đạn lại được một lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia vượt nửa vòng Trái đất đến thăm.
Một sự kiện khác nữa là việc các nước đến trình quốc thư đặt quan hệ ngoại giao chỉ một ngày sau khi Khu Chính phủ cách mạng lâm thời ra đời - lần đầu tiên cũng là lần duy nhất ông Anh được chứng kiến. Sự xuất hiện của những đoàn ngoại giao cấp cao các nước ở Cam Lộ thời điểm đó càng khiến ông thấm thía giá trị của hòa bình.
"Hòa bình và chiến tranh thật là một trời một vực", ông Anh xúc động nhắc lại.
Chợ phiên trở lại
Đã qua tuổi 70 nhưng ông Trần Quyết Thắng và vợ là bà Hoàng Thị Xuân (trú Mai Đàn, Cam Chính, Cam Lộ) vẫn chăm chỉ cuốc đất trồng cây trên mảnh vườn trước nhà.
Đều là dân gốc ở vùng này, hai ông bà tường tận từng thước đất dưới chân. Cam Chính, dân địa phương gọi là vùng Cùa, thời điểm 1970 là căn cứ chiến lược của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cũng lại là nơi được quân giải phóng miền Bắc chọn làm điểm tấn công đầu tiên khi tiến vào Cam Lộ.
Ông Thắng là y tá, theo bộ đội vào vùng rừng phía tây Cam Chính để chiến đấu. Những giao tranh ác liệt, bom đạn hai bên trên vùng đất này ông đều nhớ rõ. Đau thương, chết chóc và mất mát là những gì thế hệ ông phải trải qua hằng ngày, hằng giờ. Những ngày bình yên trên mảnh đất này vì vậy càng quý giá hơn tất cả.
Bà Xuân thời điểm đó còn là thiếu nữ. Bà kể rằng khi chuyến xe cuối cùng chở lính Việt Nam Cộng hòa rời khỏi Cam Lộ thì bà cùng em trai được bộ đội đưa ra xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, thời điểm đó thuộc phía bắc giới tuyến.
Quân miền Nam rút về phía nam sông Thạch Hãn, chỉ cách khoảng 20 cây số nên bộ đội đưa dân địa phương ra vùng an toàn ở Vĩnh Linh, Lệ Thủy để tránh bị pháo kích từ xa.
Khoảng cuối năm 1973, bà Xuân trở về quê nhà và việc đầu tiên bà làm là… đi chợ. Chợ của cả vùng Cùa họp tại thôn Đốc Kỉnh là phiên chợ quê vốn đã có từ rất lâu nhưng cũng đã tan tác vì bom đạn, ngừng hoạt động một thời gian dài.
Ra chợ, bà Xuân vui mừng rớt nước mắt khi gặp được rất nhiều người làng mình từng ly tán vì bom đạn trước đó. "Về tới nhà, nghe người làng nói chợ đã họp lại là tui xách giỏ đi ngay, không phải vì muốn mua sắm gì mà muốn cảm nhận không khí của cuộc sống yên bình. Rất lâu rồi những người cùng xóm làng mới được họp chợ cùng nhau mà không có tiếng bom đạn", bà Xuân kể như cái phiên chợ rưng rưng ấy mới chỉ hôm qua.
Ông Dương Tú Anh nói không chỉ chợ vùng Cùa mà cả chợ phiên Cam Lộ - phiên chợ có lịch sử hơn 500 năm - cũng tấp nập trở lại từ ngày đó. Cuộc sống ấm no, an yên cho người dân chính là điều mà những người lính như ông lấy làm lý tưởng khi tiến về những vùng phía nam giới tuyến.
"Chỉ vài tháng sau, những chuyến đò chở hàng hóa từ vùng đông Gio Linh, thị xã Đông Hà đã ngược sông Hiếu lên chợ phiên, nhiều người từ Sê Pôn, Lào cũng đã về chợ Cam Lộ buôn bán. Hơi thở cuộc sống đã trở lại. Hơi thở của hòa bình", ông Anh vẫn còn xúc động .
Cuộc trở về bên dòng Thạch Hãn
Bờ sông Thạch Hãn những ngày cuối mùa xuân năm 1973 được xem là ranh giới mới của hai miền Nam - Bắc sau hiệp định.
Những tù nhân chính trị phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc đã được đưa về đây trao trả theo điều khoản đã ký trong Hiệp định Paris. Khi xuống bến thuyền ở bờ nam sông Thạch Hãn, thấy bên kia sông cờ đỏ sao vàng tung bay, ai cũng trào nước mắt.
Bao nhiêu năm bị giam cầm, nay họ lại được nghe gọi hai tiếng "đồng chí" rất to, rõ ràng từ phía bên kia sông. Tiếng loa bên kia bờ sông vọng lại nghe rõ từng lời: "Các đồng chí đã trở về với Đảng, trở về với nhân dân". Khi ca nô qua bờ bắc, nhiều người không kìm được cảm xúc còn nhảy xuống sông tự bơi vào bờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận