Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin từ các trường ĐH trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM năm 2016 - Ảnh: Như Hùng |
Ở Mỹ, không bao giờ có tình trạng thầy đọc trò chép. Thay vào đó, giảng viên tập trung khơi gợi sự sáng tạo cho sinh viên bởi vì 50% học sinh trung học Mỹ không vào ĐH |
Ví dụ, sẽ có những học sinh chưa đủ chín chắn hoặc chưa định hướng được đâu là ngành học mà các em theo đuổi, chọn sai trường thì sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho cả bản thân học sinh và nhà trường.
Ở Mỹ, nhiều học sinh sắp tốt nghiệp trung học cũng chưa biết muốn làm gì trong tương lai. Do đó, ngoài việc xem xét bảng điểm trung học trong tuyển sinh vào trường ĐH, ở Mỹ còn tổ chức thêm một kỳ thi đánh giá năng lực như SAT (Scholastic Aptitude Test - bài kiểm tra năng lực học thuật) hoặc ACT (American College Testing - bài kiểm tra nhập học ĐH tiêu chuẩn) là rất quan trọng để biết năng lực của từng em cũng như sở thích của các em. Ở Mỹ, 50% học sinh tốt nghiệp trung học không theo học ĐH.
Mô hình tốt để tuyển sinh ĐH
Hầu hết các trường ĐH ở Mỹ tiếp nhận sinh viên theo hình thức xem xét bảng điểm trung học và điểm bài thi đánh giá năng lực SAT hoặc ACT (do College Board tổ chức. College Board là tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, được thành lập để tạo thêm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho sinh viên). SAT và ACT giúp đánh giá chính xác về khả năng suy luận và tiếp nhận kiến thức của thí sinh. Các nghiên cứu chỉ ra đây là mô hình tốt để tuyển sinh ĐH.
Với cơ chế tuyển sinh trên, các ĐH ở Mỹ có thể nhìn nhận một cách đầy đủ về phẩm chất và năng lực học tập của học sinh, giúp họ đánh giá thí sinh có phù hợp mục đích và phương pháp đào tạo của trường, hay thí sinh có thể tận dụng tối ưu cơ hội học tập tại trường để phát huy hết khả năng không.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng rất chú trọng đến những hoạt động ngoại khóa của các học sinh trung học khi nộp đơn xin học ở trường, ví dụ như hoạt động thể thao, tham gia nghệ thuật, các hoạt động tình nguyện. Các hoạt động ngoại khóa thể hiện sự trưởng thành của các thí sinh và những mối quan tâm của họ.
Một trong những điểm quan trọng nhất của hệ thống giáo dục Mỹ là chúng tôi kết hợp các ý niệm, kiến thức và các kỹ năng ở cả cấp trung học cũng như ĐH, đồng thời cung cấp các kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, suy nghĩ độc lập cho sinh viên.
Tôi sang Việt Nam giảng dạy ngành chính sách đối ngoại Mỹ và các tổ chức quốc tế tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một học kỳ theo Chương trình trao đổi học giả Fulbright. Sau khi dạy học ở Việt Nam một thời gian, tôi thấy tư duy phản biện của các sinh viên Việt Nam chưa được tốt. Ngoài ra, nhiều đồng nghiệp cùng trường nói với tôi rằng nhiều giảng viên vẫn còn vận dụng cách dạy “thầy đọc trò chép”. Tôi cho rằng cách dạy này sẽ triệt tiêu kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như kỹ năng làm việc nhóm của các sinh viên.
Có thể thay đổi ngành học trong 2 năm đầu
Học sinh trung học ở Mỹ cũng được trường học của mình hỗ trợ và tư vấn về đường hướng tương lai sau khi tốt nghiệp. Ở Mỹ có khoảng 50% học sinh tốt nghiệp trung học không theo học ĐH, nên trường trung học sẽ giúp tư vấn cho những học sinh này chọn học trường nghề, ví dụ như nghề sửa điện máy, ôtô, cơ khí... Các khóa học nghề này thường mất hai năm để lấy bằng.
Đối với những học sinh có ý muốn học ĐH, trường sẽ giúp tư vấn chọn những trường phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của học sinh, hoặc trang bị cho học sinh kỹ năng vượt qua những bài thi kiểm tra năng lực theo yêu cầu của từng trường ĐH.
Ngoài sự hỗ trợ từ trường trung học, học sinh cũng phải tự tìm hiểu những gì mình thích theo đuổi để chuẩn bị hồ sơ xin học một cách phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Các học sinh ở Mỹ không chỉ được định hướng nghề nghiệp ngay từ thời còn ở trường trung học, mà hệ thống giáo dục của Mỹ còn linh hoạt cho phép các sinh viên Mỹ thay đổi ngành học tùy theo sở thích của các em.
Mặc dù phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường ĐH, nhưng sinh viên Mỹ có thể thay đổi ngành học trong hai năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp vì trong hai năm đầu tiên hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau.
Tôi được biết một số sinh viên Việt Nam đang theo học tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ nhận ra họ không yêu thích môn học mình đang theo khi học năm thứ hai hoặc năm thứ ba nhưng vẫn quyết định “phóng lao thì phải theo lao” vì đã đầu tư quá nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho nó. Do đó, điều tối quan trọng là thí sinh phải định hướng rõ mình thích gì và chọn ngành học phù hợp để không hối tiếc sau này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng ĐH không phải là cánh cửa vào đời duy nhất. Ở Mỹ, một số người thậm chí không hoàn thành bậc ĐH nhưng vẫn có thể kiếm được việc lương cao nhờ năng lực thật sự của họ. Ở Mỹ có rất nhiều công việc tốt không đòi hỏi phải có bằng ĐH mà cần kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, nền kinh tế của chúng tôi cũng cần nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng những lao động không có tay nghề thường phải sống cuộc sống thiếu thốn, nghèo khó ở Mỹ.
Muốn thành công, học thêm kỹ năng mềm Tôi nghĩ không có sự khác biệt lớn giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Mỹ. Ở đâu cũng có người thông minh, chăm chỉ và cũng có người lười biếng, ít thông minh hơn. Tuy nhiên, qua thời gian dạy học ở Việt Nam, tôi có thể khẳng định nhìn chung sinh viên Mỹ tự tin và có tư duy phản biện tốt hơn. Để thành công trong cuộc sống, các sinh viên Việt Nam phải phát triển nhiều kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng xử lý thông tin, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, kỹ năng làm việc nhóm - vô cùng quan trọng với xu thế kinh tế hiện nay. Ngoài ra, kỹ năng viết lách, thuyết trình và tăng cường kiến thức về những lĩnh vực chuyên môn của mình cũng rất quan trọng đối với sinh viên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận