29/06/2023 11:57 GMT+7

5 VĐV bị tước huy chương, cấm thi đấu vì doping: Bài học đắt giá

5 VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã bị tước huy chương, cấm thi đấu 16 - 18 tháng vì sử dụng doping tại SEA Games 31. Sự cố doping không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc đời các VĐV mà còn làm xấu hình ảnh của thể thao Việt Nam.

Quách Thị Lan (phải) - một trong những VĐV dương tính với doping và bị cấm thi đấu - Ảnh: NAM TRẦN

Quách Thị Lan (phải) - một trong những VĐV dương tính với doping và bị cấm thi đấu - Ảnh: NAM TRẦN

SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5-2022. Trước khi đại hội diễn ra, có 6 VĐV thể hình được xác định dương tính với doping (chất cấm). Khi SEA Games 31 diễn ra, 5 VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam được xác định sử dụng doping.

Nhận thức về doping còn quá kém

Mới đây, án phạt dành cho 5 VĐV điền kinh dương tính với doping tại SEA Games 31 đã được công bố. Theo đó, các VĐV đều bị tước huy chương tại SEA Games 31 và cấm thi đấu từ 16 - 18 tháng. Cụ thể, hai VĐV Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa), Lê Ngọc Phúc (400m) bị cấm thi đấu 16 tháng bắt đầu từ ngày 16-5-2022. Ba VĐV Quách Thị Lan (400m, 400m rào), Khuất Phương Anh (800m), Hoàng Thị Ngọc (400m) bị cấm thi đấu 18 tháng bắt đầu từ ngày 18-5-2022. 

Với án phạt này, sau ngày 16-9-2023, VĐV Lê Ngọc Phúc và Vũ Thị Ngọc Hà có thể trở lại thi đấu. Ba VĐV còn lại sẽ được thi đấu trở lại sau ngày 18-11-2023.

Trong giải trình của các VĐV nói trên với Cơ quan Phòng chống doping quốc tế (WADA), họ đã tự ý sử dụng một loại thực phẩm chức năng trong quá trình tập luyện và không may dương tính với doping. Các VĐV cho biết họ không cố ý sử dụng doping để giành thành tích tại SEA Games. Tổng cục TDTT cũng đã gửi mẫu thực phẩm chức năng mà các VĐV này dùng đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra và phát hiện có dấu vết của doping.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, một trong số những chất mà nhóm VĐV điền kinh sử dụng là chất tạo nạc, góp phần giúp gia tăng thành tích. Trong thông báo từ Trung tâm Doping và Y học thể thao gửi đến cho một VĐV điền kinh dương tính với doping cho biết tên chất cấm mà một số VĐV dùng là Octodrine (1,5-dimethylhexylamine). 

Chất cấm Octodrine được liệt kê nằm trong loại chất kích thích, thuộc nhóm chất S6 trong danh sách cấm năm 2 của WADA quy định. Riêng VĐV Khuất Phương Anh dương tính với cả chất cấm có tên là Dehydrochloromethyl - testosterone metabolite.

Việc VĐV tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng trong quá trình tập luyện và thi đấu diễn ra phổ biến ở các đội tuyển thể thao từ địa phương đến quốc gia.

 Nguyên nhân một phần đến từ sự cẩu thả trong sinh hoạt, lý do khác là do VĐV hầu như không nhận được các thực phẩm bổ sung cần thiết, an toàn để hỗ trợ quá trình tập luyện, hồi phục. Vì vậy khi tập luyện mệt mỏi, bị chấn thương, nhiều VĐV phải tự đi mua thuốc, tự đến bệnh viện tìm cách điều trị với mong muốn sớm được thi đấu đạt thành tích. 

Việc này không chỉ có trách nhiệm từ VĐV mà cả ngành thể thao.

Vũ Thị Ngọc Hà là một trong năm VĐV dương tính với doping và bị cấm thi đấu - Ảnh: NAM TRẦN

Vũ Thị Ngọc Hà là một trong năm VĐV dương tính với doping và bị cấm thi đấu - Ảnh: NAM TRẦN

Phải có chứng chỉ doping mới được tham dự Asiad 19

Ông Đặng Hà Việt - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - từng chia sẻ ngành thể thao Việt Nam bị "sốc" khi 5 VĐV điền kinh dương tính với doping. Thể thao Việt Nam nói không với doping và luôn tìm mọi cách để kiểm soát các chất cấm tràn lan trên thị trường hiện nay. Việc các VĐV điền kinh dương tính với doping và phải nhận án phạt nặng là lời cảnh tỉnh. 

Ông Việt cho rằng trong thời gian tới, chỉ những thực phẩm bổ sung nào được FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận thì ngành mới mua cho VĐV dùng.

Tháng 9 tới, Asiad 19 sẽ diễn ra tại Trung Quốc. Theo quy định của ban tổ chức đại hội, tất cả VĐV tham dự Asiad 19 đều phải đăng ký lớp học trực tuyến về kiến thức phòng chống doping do WADA tổ chức và cấp chứng chỉ. Trước ngày 15-7, các VĐV dự kiến tham dự Asiad 19 đều phải có chứng chỉ doping theo yêu cầu của WADA mới được dự đại hội.

Để thúc đẩy nhận thức về việc phòng chống doping, tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của WADA cũng đã đến Việt Nam làm việc. Thể thao Việt Nam cam kết với WADA sẽ nỗ lực hết sức trong công tác chống doping trong điều kiện còn nhiều khó khăn về tài chính.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực thể thao mỗi năm chỉ khoảng 800 - 900 tỉ đồng. Hầu hết kinh phí được chi cho việc nuôi ăn ở, đi tập huấn và thi đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia. Do kinh phí hạn hẹp, gần như toàn bộ các giải thể thao quốc gia không được kiểm tra doping. 

Sắp tới, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT lên kế hoạch hợp tác với một đơn vị để hỗ trợ quá trình xét nghiệm doping cho VĐV Việt Nam. Nếu việc này được triển khai, hằng năm sẽ có thêm nhiều VĐV và nhiều giải đấu được xét nghiệm doping.

Quách Thị Lan chờ trở lại đường chạy sau án phạt dopingQuách Thị Lan chờ trở lại đường chạy sau án phạt doping

“Ngôi sao” của đội tuyển điền kinh Việt Nam Quách Thị Lan cho biết cô đang nỗ lực tập luyện để trở lại đường chạy vào tháng 11 tới, sau thời gian bị cấm thi đấu vì sử dụng doping.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp