11/05/2016 17:20 GMT+7

5 ứng viên Cành Cọ Vàng miêu tả sắc dục, bạo lực, sa đọa

ĐỨC TRẦN (tổng hợp)
ĐỨC TRẦN (tổng hợp)

TTO -Truyền thông châu Âu dự đoán 5 ứng viên hứa hẹn “làm nên chuyện” trong số 21 phim tranh giải Cành Cọ Vàng năm nay tại LHP Cannes. Đó là các phim miêu tả tinh tế về sắc dục, bạo lực, sa đọa, chốn lao tù...

1. The Unknown Girl

Ngôi sao người Pháp Adèle Haenel trong bộ phim The Unknown Girl - Ảnh: Cinematraque

Nhìn vào ít ai thấy sức bật của cuốn phim này, ngoại trừ hai cái tên Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne. Họ đang sở hữu hai giải Cành cọ vàng vào các năm: 1999 với phim Rosetta, 2005 với phim L'Enfant. Bộ phim mới nhất của họ - The Unknown Girl kể về một nữ bác sĩ trẻ đi tìm thân phận cho bệnh nhân xấu số vừa qua đời.

Ai theo dõi anh em nhà Dardennes đều biết họ thích đẩy nhân vật của mình đến tận cùng: một cô gái trẻ trong cơn túng quẫn sẵn sàng tố cáo bạn trai làm ăn phạm pháp để giành lấy công việc; một thanh niên bụi đời quen nghề trộm cắp can đảm bán đứa con để kiếm tiền tồn tại qua ngày…

Sáu lần tranh giải tại Cannes, cả sáu lần họ đều mang về nhà phần thưởng giá trị. Có thể với Two Days, One Night hai năm trước, câu chuyện họ kể chưa đủ thuyết phục BGK (chỉ nhận bằng khen). Cũng có thể ở thời điểm hiện tại, phong cách tiệm cận hiện thực đang dần thoái trào.

The Unknown Girl sẽ là câu trả lời xác đáng cho sự tồn vong của ngôn ngữ điện ảnh “New Wave” xuất phát từ châu Âu.

Liệu Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne có tiếp tục chứng minh sở trường kể chuyện một điểm nhìn (từ nhân vật chính) vẫn còn hợp thời?

2. Elle

Cả đạo diễn Paul Verhoeven và nữ chính Isabelle Huppert đều có cơ hội chạm tay đến các giải thưởng cá nhân tại Cannes năm nay - Ảnh: SBS Distribution

Chính xác 24 năm kể từ lần đầu tiên Paul Verhoeven trình làng Bản năng gốc (Basic Instinct), đạo diễn gốc Hà Lan mới có tác phẩm khiến người hâm mộ thật sự chờ đợi.

Elle mang hai yếu tố gắn mác Verhoeven: sắc dục và tính bạo lực. Nếu Elle không phải phim nói tiếng Pháp đầu tiên của nhà làm phim 78 tuổi này, cũng như nó không có sự tham gia của bà hoàng dòng phim nghệ thuật Isabelle Huppert, chắc có lẽ nó sẽ vẫn bị lầm tưởng là kiểu phim gợi dục hạng B.

Một bà giám đốc giàu sụ ngoài 50 tuổi bỗng một ngày bị cưỡng bức bởi một kẻ vô danh tiểu tốt. Giận dữ, nhục nhã, hoang mang xen lẫn căm hờn, bà quyết tâm tìm cho ra kẻ ám ảnh bà mỗi đêm trước lúc đi ngủ.

Theo một số nhà phê bình tại Pháp đã được xem suất chiếu đặc biệt giới hạn, thì Elle không chỉ có tình dục và bạo lực. Ẩn đằng sau nhân vật nữ chính Michèle là một thế giới nội tâm phức tạp hơn cả Catherine Tramell của Sharon Stone.

Từ các phản ứng tích cực của giới truyền thông châu Âu, họ gọi Elle là “tác phẩm lớn” và câu chuyện về Paul Verhoeven thì thú vị chẳng kém. Mọi yếu tố đó chắc chắn giúp bộ phim gặt hái ít nhiều trái thơm từ LHP lớn nhất châu Âu này.

3. The Neon Demon

Một trong những hình ảnh ấn tượng ban đầu về The Neon Demon - Ảnh: Amazon Studios

Nicolas Winding Refn là trường hợp đặc biệt ở Cannes. Kỹ thuật tối cao là yếu tố then chốt trong phong cách làm phim sặc mùi phù phiếm của anh, tuy nhiên không phải lúc nào cũng hiệu quả, như trường hợp đầy tranh cãi của Only God Forgives quay tại Thái Lan năm 2013.

Đoạn trailer The Neon Demon cho thấy đầy đủ sở trường của Refn: khả năng sử dụng biên độ âm thanh để đánh thức giác quan của người xem, và phần hình ảnh được dàn dựng đúng chuẩn các thước phim quảng cáo. Hai yếu tố nghe nhìn chiếm 50% thành công bộ phim, 50% còn lại thuộc về các gương mặt hấp dẫn: Elle Fanning, Keanu Reeves…

Phác họa sự sa đọa gớm ghiếc của giới chân dài quốc tế, Refn mượn cả yếu tố ma-cà-rồng để dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Jesse, nàng mẫu ngây thơ bước vào thế giới thời trang, nhưng không ngờ vị trí vedette có khi đánh đổi bằng sinh mạng.

Chưa biết “làm ăn” ra sao ở Cannes, song Amazon mua bản quyền phát hành The Neon Demon trên hệ thống trang mạng điện tử với hàng triệu khách hàng tiềm năng. Có khoảng ba hãng phát hành khác cũng quyết mang The Neon Demon ra rạp trong thời gian tới. Chắc chắn chọn lựa của họ có lý do.

4. Toni Erdmann

Người hâm mộ dòng phim tác giả không thể bỏ qua Toni Erdmann - Ảnh Cắt từ video

Nếu phải chọn một chú ngựa ô nào đó thuộc về dòng phim tác giả, thì chắc chắn đó là Toni Erdmann của Maren Ade - đại diện đến từ Đức. Không phải người lạ, Ade từng gây tiếng vang với Everyone Else đoạt ba giải quan trọng tại LHP Berlin.

Bằng tinh thần độc lập, arthouse lan tỏa khá mạnh mẽ trên hàng ghế BGK năm nay, Toni Erdmann tràn trề cơ hội gặt hái giải thưởng danh giá nhất.

Thuộc nhóm nhà làm phim nữ hiếm hoi tham gia tranh giải tại Cannes năm nay, Ade cho thấy mẫn cảm điện ảnh tinh tế. Câu chuyện mà Ade mang tới khán giả cũng hết sức thú vị: để xao dịu bản tính nóng nảy, cứng nhắc của cô con gái lớn, ông bố lớn tuổi bèn nảy ra những trò chơi dị thường. 

Tham gia trong phim có diễn viên thực lực Sandra Hüller từng giành giải Ảnh hậu LHP Berlin năm 2006. Toni Erdmann cũng là phim có chiều kỷ lục (162 phút) tại vòng tranh giải năm nay.

Hãng phát hành phim độc lập The Cinema Guild cùng một số hãng phim nhỏ khác đang cân nhắc mua bản quyền Toni Erdmann cho thị trường Mỹ. Một tín hiệu may mắn.

5. Loving

Loving - Ứng viên sáng giá cho các giải thưởng lớn năm nay - Ảnh: Focus Features

Ngay trước khi Cannes công bố danh sách các phim tranh giải, thì dân tình sôi sục dự đoán bộ phim tâm lý tình cảm của Jeff Nichols sẽ tham gia. Nổi tiếng với tinh thần độc lập, những phim của Nichols như Take Shelter, Midnight Special đều pha yếu tố khoa học viễn tưởng, tạo nét chấm phá rất riêng.

Dù có khả năng chỉ đạo diễn xuất tốt nhưng vì chọn đề tài độc đáo với cách kể chuyện khá dửng dưng, lạnh lùng mà Nichols dường như vô duyên với những giải thưởng lớn. Loving lại khác hẳn những gì Jeff Nichols từng làm, nhưng lại dễ tạo sự đồng cảm nhờ nội dung nhân văn.

Một đôi vợ chồng trẻ yêu nhau và kết hôn bất chấp các điều khoản hà khắc của xã hội về sắc tộc, màu da. Họ bị kết án vi phạm luật hôn nhân tại Virginia vào năm 1958. Là bài ca hi vọng giữa chốn lao tù, Loving đi theo trường phái phim tình cảm vợ chồng với nhân sinh quan hiện thực được Cannes lăng xê vài năm trở lại đây, có thể điểm tên như Amour, The Past, Mon Roi… - tất cả đều có giải cao.

Giữa một rừng phim đầy cá tính, lắm chiêu trò, thì sự dịu dàng của Loving có đủ sức “cướp diễn đàn”? Dường như đã tới lúc một nhà làm phim độc lập ít được chú ý bắt đầu tìm đường bước ra ánh sáng.

* Sao thế giới ồ ạt đến Cannes dự liên hoan phim

ĐỨC TRẦN (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp