Chiều 4-4, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu những tiềm năng của địa phương, nhấn mạnh sẵn sàng có những chính sách cởi mở, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, đầu tư lâu dài.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, phát triển du lịch và có những đề xuất cụ thể.
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết dù có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm, nhưng hiện nay hạ tầng kho lạnh của các tỉnh Tây Nguyên phục vụ cho bảo quản, chế biến còn quá thiếu.
"Chúng tôi mong các tỉnh cung cấp thông tin, địa chỉ vùng trồng, các dự án cần hợp tác đầu tư để hội phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên, từ đó liên kết hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống sơ chế, kho lạnh, dự trữ, ứng dụng công nghệ cho nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đầu tư kho lạnh cần chi phí lớn, cần có hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương", bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Tại hội nghị, các địa phương đã công bố tổng cộng 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế... phân bố trên các tỉnh thành khác nhau.
Đáng chú ý là số lượng tập trung dự án ở Lâm Đồng với 217 dự án, tiếp theo là Kon Tum với 157 dự án.
Các tỉnh thành khác như TP.HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai cũng đều có số lượng dự án đáng kể. Một số dự án trọng điểm có thể kể đến như: cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắk Nông), nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk), dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).
Trong đó, đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện địa phương ưu tiên xúc tiến đầu tư 3 dự án lớn gồm: dự án khu du lịch Đankia - Suối Vàng; dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Bình và dự án đầu tư xây dựng 2 dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư PPP.
Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết doanh nghiệp TP.HCM luôn quan tâm, xem Tây Nguyên là vùng đất cầm tìm hiểu và sẽ khai thác. Lãnh đạo thành phố cam kết tiếp tục cùng với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng hành với sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM sẽ sử dụng những lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật phát triển, nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng, khoa học kỹ thuật vững mạnh, đóng vai trò là trung tâm liên kết với khu vực Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận