1. Việt Nam nhất toàn đoàn SEA Games 32
Năm thứ 2 liên tiếp thể thao Việt Nam giành thành tích nhất toàn đoàn ở SEA Games. Với 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 114 huy chương đồng, đoàn thể thao Việt Nam bỏ xa Thái Lan (108 huy chương vàng) để giữ ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tại Campuchia.
Thành tích này một phần nhờ vào sự "hào phóng" của nước chủ nhà Campuchia khi tổ chức hàng loạt nội dung ở các môn thế mạnh của Việt Nam. Điển hình như vật (Việt Nam đoạt 13/30 huy chương vàng), vovinam (7/30 huy chương vàng), lặn (14/24 huy chương vàng)…
Điền kinh và bơi lội cũng tiếp tục là lá cờ đầu cho thành tích của đoàn Việt Nam tại SEA Games. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh là người xuất sắc nhất khi mang về đến 4 huy chương vàng ở các cự ly sở trường.
Đặc biệt, việc Oanh phải thi đấu liên tiếp 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng 30 phút trở thành câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt của kỳ SEA Games trên đất Campuchia.
Ngoài ra, những tấm huy chương vàng ở các môn bóng bàn (nội dung đôi nam nữ), bóng rổ (nội dung 3x3 nữ), golf (đơn nam) cũng mang giá trị đặc biệt. Bởi đây vốn là các môn thể thao thế mạnh của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
2. Thất bại ở Asiad 19
Chỉ 4 tháng sau cơn mưa vàng ở SEA Games 32, thể thao Việt Nam trở lại với thực tại đáng buồn khi tham dự Asiad 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc).
Với 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 19 huy chương đồng, đoàn Việt Nam chỉ đứng thứ 21 châu Á, đứng thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 19. Thành tích này khiến Việt Nam xếp dưới Thái Lan (12 huy chương vàng), Indonesia (7 huy chương vàng), Malaysia (6 huy chương vàng), Philippines (4 huy chương vàng) và Singapore (cùng 3 huy chương vàng nhưng nhiều huy chương bạc hơn).
Đây cũng là bước đi thụt lùi của thể thao Việt Nam. Bởi ở kỳ Asiad gần nhất, Việt Nam giành được 5 huy chương vàng và xếp hạng 16 trên bảng tổng sắp.
Sự sa sút của điền kinh là một trong những nguyên do hàng đầu. Trên đất Indonesia 5 năm trước, các vận động viên điền kinh mang về đến 2 huy chương vàng, 3 huy chương đồng. Còn tại Hàng Châu năm nay, đội điền kinh hoàn toàn tay trắng.
Những đội thể thao giành ồ ạt huy chương vàng ở SEA Games cho Việt Nam như: bơi lội, judo, vật… không tạo được dấu ấn đáng kể nào trên đất Trung Quốc. Vận động viên các môn thể thao đại chúng như: cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng đá… cũng sớm bị loại.
Một số môn vận động viên Việt Nam có màn trình diễn tốt ở Asiad 19. Điển hình như tấm huy chương vàng bắn súng của Phạm Quang Huy, huy chương bạc thể dục dụng cụ của Nguyễn Văn Khánh Phong, hay chuyến phiêu lưu đáng nhớ của tuyển bóng chuyền nữ… Nhưng chừng đó là chưa đủ để làm vơi nỗi thất vọng về một kỳ Asiad thất bại.
3. HLV Troussier khởi đầu gian nan với tuyển bóng đá
Tháng 2-2023, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chính thức bổ nhiệm ông Philippe Troussier (người Pháp) làm huấn luyện viên trưởng tuyển bóng đá Việt Nam, cũng như tuyển U23 Việt Nam để thay thế ông Park Hang Seo.
Chiến lược gia người Hàn Quốc rời đội sau AFF Cup - giải đấu mà Việt Nam thua Thái Lan ở chung kết diễn ra vào tháng 1.
SEA Games 32 là giải đấu đầu tiên để ông Troussier trổ tài cầm quân. Nhưng rồi chiến lược gia người Pháp chỉ có thể đưa đội nhà đến trận bán kết (thua Indonesia 2-3), trước khi giành huy chương đồng.
Đây là bước thụt lùi lớn bởi ở 2 kỳ SEA Games trước đó, U23 Việt Nam đều giành huy chương vàng dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo.
Ở tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Troussier cũng chưa tạo được dấu ấn đáng kể. Triều đại của ông mở màn bằng 3 trận thắng giao hữu trước các đối thủ trung bình như Hong Kong, Syria và Palestine. Nhưng khi đụng độ các đội mạnh là Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc, Việt Nam toàn thua.
Đến vòng loại thứ 2 World Cup 2026, Việt Nam thắng Philippines 2-0, trước khi thua Iraq 0-1 trên sân nhà. Đây là những kết quả nằm trong dự đoán của giới chuyên môn.
Dù vậy, huấn luyện viên Troussier được truyền thông và nhiều đồng nghiệp thông cảm. Bởi sau 5 năm thành công với ông Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu sa sút về chất lượng cầu thủ. Cuộc cách mạng về chiến thuật cũng khiến ông Troussier gặp nhiều khó khăn.
4. Bóng đá nữ lần đầu dự World Cup
Đây có lẽ là sự kiện đặc biệt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Tháng 7-2023, tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự đấu trường World Cup.
Thầy trò ông Mai Đức Chung nằm ở bảng E, được đánh giá là bảng đấu khó nhất giải với sự hiện diện của Mỹ, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Đây đều là những cường quốc bóng đá nữ, có thực lực vượt xa Việt Nam.
Trong trận đấu đầu tiên, các cô gái Việt Nam chơi vô cùng kiên cường và chỉ để thua Mỹ (đương kim vô địch thế giới) 0-3. Thủ môn Kim Thanh gây ấn tượng lớn với hàng loạt pha cứu thua, trong đó có một pha cản phá phạt đền thành công.
Nhưng đó cũng là dấu ấn duy nhất của tuyển nữ Việt Nam ở World Cup. Họ lần lượt thua Bồ Đào Nha 0-2, thua Hà Lan 0-7 ở 2 trận đấu kế tiếp. Chung cuộc thầy trò ông Mai Đức Chung bị loại sau 3 trận thua trắng.
Kết quả này cho thấy trình độ bóng đá của Việt Nam vẫn còn cách rất xa đẳng cấp thế giới. Thế hệ những Huỳnh Như, Kim Thanh, Tuyết Dung, Hải Yến, Chương Thị Kiều… sẽ được nhớ mãi với chiến tích giành vé dự World Cup. Nhưng để thực sự cạnh tranh được ở đấu trường World Cup, bóng đá nữ Việt Nam vẫn cần thêm nhiều thời gian.
5. V-League chính thức sử dụng công nghệ VAR
VAR đã được V-League thử nghiệm vào cuối mùa giải 2023. Đến mùa giải 2023-2024, giải bóng đá cấp cao nhất của Việt Nam tiến thêm một bước dài trong việc áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài. Có ít nhất 4 sân đấu sử dụng VAR trong mỗi vòng.
Không ít tranh cãi nổ ra xoay quanh những quyết định liên quan đến VAR của trọng tài ở V-League. Nhưng đây là điều dễ hiểu bởi hiện tại các sân bóng ở Việt Nam chỉ có thể lắp đặt số lượng camera tối thiểu theo quy định của FIFA.
Ở rất nhiều cường quốc về công nghệ và bóng đá, VAR vẫn luôn để lại nhiều tranh cãi. Dù vậy, việc phổ biến VAR rộng rãi là điều sớm muộn với mọi nền bóng đá.
Giới chuyên môn nhận định VAR không chỉ giúp các trọng tài đưa ra quyết định chuẩn xác hơn. Công nghệ hỗ trợ này còn khiến các cầu thủ tập dần thói quen xử lý chỉn chu trong từng pha bóng.
Ở giai đoạn vòng loại World Cup, các cầu thủ Việt Nam từng không ít lần bị thổi phạt vì xử lý bất cẩn trong vòng cấm địa. Một khi đã có VAR, các trọng tài thường sẽ không bỏ qua bất kỳ pha phạm lỗi nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận