Thiếu nhi ba nước giao lưu văn hóa tại huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: C.TIÊN |
Đây là chuyến đi tôi không thể nào quên được với những kỷ niệm cùng các bạn Lào và Việt Nam khi cùng nhau nhảy múa, vui chơi và chia sẻ về văn hóa, đất nước của nhau |
EANG HUYKHEANG (Phnom Penh, Campuchia) |
Hai năm một lần, chương trình được tổ chức theo sáng kiến của TP.HCM nhằm tạo sân chơi bổ ích, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, thắt chặt mối quan hệ giữa ba nước.
Ngoài những bài học về lịch sử, những chuyến khám phá truyền thống văn hóa, sự phát triển kinh tế - khoa học - giáo dục qua các địa điểm như Bảo tàng Hồ Chí Minh, dinh Độc Lập, chiến khu Rừng Sác Cần Giờ, địa đạo Củ Chi…, còn có trại hè là nơi các bạn trẻ trải nghiệm cả ba nền văn hóa do chính những người bạn của mình mang đến thông qua các buổi trình diễn, giao lưu văn hóa, lửa trại.
Những điệu nhảy truyền thống, nhảy dân vũ thay phiên nhau được các vũ sư chính là các bạn thiếu nhi hướng dẫn lôi kéo các bạn hòa vào không khí chung. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng bằng nhiều cách khác nhau các bạn vẫn vượt qua được rào cản đó để cùng tham gia những điệu nhảy chung. Những bộ trang phục thời trang đủ kiểu từ tô chén đến lá cây cùng màn trình diễn catwalk không đụng hàng đã làm khán phòng cười ồ.
Bằng vốn tiếng Việt học được, bạn Dalamone Phengkhammay (thủ đô Vientiane, Lào) nói: “Hành trình là chuyến trải nghiệm để thiếu nhi ba nước được hiểu về văn hóa, cuộc sống của nhau. Qua những trò chơi dân gian, được hát hò, nhảy múa cùng nhau, tôi có được thêm nhiều bạn mới. Theo tôi, đó là những điều đơn giản nhất để tạo nên mối quan hệ giữa Việt Nam - Lào - Campuchia”.
Trong đêm lửa trại cuối cùng, những giọt nước mắt đã rơi đánh dấu chuyến hành trình năm ngày sắp kết thúc. Vòng tay bè bạn ba nước Đông Dương đã cùng nhau siết chặt, lưu giữ những tình cảm tốt đẹp.
Bạn Nguyễn Ngọc Lan Anh (Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Không chỉ là giao lưu, tôi nghĩ chúng tôi còn có những điều để chia sẻ và hỗ trợ cùng nhau thời gian tới và cả cho công việc sau này. Chắc chắn chúng tôi sẽ có cơ hội làm việc cùng nhau”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận