Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực công thương.
Theo đó, báo cáo đã nêu ra loạt vướng mắc, giải thích lý do vì sao quy định về hàng sản xuất tại Việt Nam lưu thông trong nước đến nay vẫn chưa được ban hành, mặc dù bộ đề xuất xây dựng từ năm 2018.
Ban hành ở cấp thông tư hay nghị định đều vướng
Việc xây dựng quy định này xuất phát từ thực tiễn, khi Việt Nam vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" cho hàng hóa trên thị trường nội địa.
Do đó, khi vụ việc một công ty sản xuất điện tử trong nước bị phát hiện đội lốt nhập hàng từ Trung Quốc rồi đem về bán trong nước vào năm 2019 được phản ánh trên Tuổi Trẻ, việc xử lý và quản lý gặp khó khăn do quy định pháp lý.
Sau vụ việc này, Bộ Công Thương báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng quy định "sản xuất tại Việt Nam". Tuy nhiên đến nay sau 5 năm, văn bản này vẫn chưa được ban hành do nhiều vướng mắc liên quan tới thẩm quyền và nội dung quy định.
Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ trưởng cho biết ban đầu Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng thông tư "sản xuất tại Việt Nam". Tuy vậy, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành lại phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền. Vì vậy, Bộ Công Thương xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.
Nhưng quy định này chưa ra đời thì năm 2021, nghị định 111 sửa đổi, bổ sung nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành. Nội dung về cách ghi nhãn hàng hóa được đưa vào văn bản này.
Theo đó, quy định "sản xuất tại Việt Nam" sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ để xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Với quy định này, việc xây dựng văn bản "sản xuất tại Việt Nam" ở cấp nghị định lúc này không còn cần thiết.
Tháng 5-2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp thông tư, thay vì nghị định. Tuy vậy, một lần nữa việc xây dựng văn bản này gặp không ít khó khăn, vướng mắc do thẩm quyền ban hành đang "vênh" với chức năng, nhiệm vụ của bộ này.
Lo ngại sẽ gây trở ngại cho doanh nghiệp?
Bộ trưởng Bộ Công Thương lo ngại rằng việc quy định ở cấp thông tư về hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam" sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay, có thể gây nên "tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp".
Quy định của thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này thì mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Trong khi nghị định 111 quy định "xuất xứ hàng hóa" là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, trong khi với thông tư lại không bắt buộc. Vì vậy nếu quy định này được ban hành, phạm vi tác động sẽ rất lớn.
Theo đánh giá, quy định này có thể gây trở ngại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, làm phát sinh chi phí tuân thủ lớn. Hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém.
Theo bộ trưởng Bộ Công Thương, khi chưa có quy định này thì doanh nghiệp vẫn đang xác định hàng sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc tại nghị định 111. Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Trên cơ sở đó, bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay sẽ cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận