29/12/2024 09:37 GMT+7

5 năm đột phá kinh tế số

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Nhà máy Nestlé Bình An trong Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong đó đặc biệt chú ý là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nghĩa là còn năm năm nữa, kinh tế số của Việt Nam đạt tối thiểu 30% GDP.

Chiến lược này khởi đầu bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo trung ương và Hội đồng tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vậy cần làm gì để đạt được mục tiêu này?

* Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 2.

Để đạt được các mục tiêu mà nghị quyết 57 đề ra, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần xác định rõ thể chế đang là điểm nghẽn của sự phát triển.

Do đó việc tháo gỡ điểm nghẽn này, đặc biệt biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh, thì phải xây dựng khung pháp lý linh hoạt và tiên tiến.

Điều này bao gồm việc phải liên tục sửa đổi, cập nhật các quy định pháp luật để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới và công nghệ mới phát triển.

Song khung pháp lý này cũng phải chặt chẽ để không biến nước ta thành nơi thử nghiệm những sản phẩm công nghệ có nguy cơ rủi ro cao đối với con người, môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó cần đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực trong nước có kỹ năng, khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của lao động toàn cầu.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của Quốc hội):

Muốn giữ nhịp phát triển cao phải đổi mới sáng tạo

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 3.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ và sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm.

Quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển.

Hiện nay các nước đang đẩy mạnh kỷ nguyên số, đổi mới sáng tạo, do vậy Việt Nam muốn bước vào kỷ nguyên mới - vươn mình phát triển không thể nằm ngoài xu hướng đó được.

Trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, kinh tế số là động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế.

Nghị quyết 57 có nêu mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 30% cho GDP nhưng đó mới là đóng góp của bản thân kinh tế số. Còn công nghiệp số, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ lan vào tất cả các lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội và có tác động, thúc đẩy các ngành nghề khác.

* Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):

Đào tạo lại nguồn nhân lực

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 4.

Nước ta muốn tập trung phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và có nhiều đóng góp cho GDP cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, bởi hành lang pháp lý liên quan chưa đầy đủ.

Ở nhiều nước trên thế giới như châu Âu, AI đã khá quen thuộc, ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống hằng ngày.

Nhưng nước ta hiện chưa có các quy định để quản lý, phát triển ứng dụng AI.

Đây là lỗ hổng và rất mong Chính phủ, các cơ quan quan tâm và rà soát, bổ sung, sớm trình Quốc hội xem xét thông qua những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng khi nói đến phát triển khoa học, công nghệ phải nói đến con người. Đây là yếu tố gốc làm chủ mọi khoa học, công nghệ.

Do vậy bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực mới cần đào tạo lại nguồn nhân lực sẵn có - chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang có để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 2.

Hiện nay nước ta vẫn còn các nguồn lực chưa thực sự được giải phóng, còn những điểm nghẽn về nhận thức, thể chế.

Do đó nghị quyết 57 có thể coi là cuộc cách mạng thay đổi từ nhận thức đến nội dung, phương thức làm việc.

Đồng thời là mũi nhọn tháo gỡ các điểm nghẽn giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông BÙI THẾ DUY

(thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 6.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đề xuất của doanh nghiệp

* Ông HUY NGUYỄN (nhà sáng lập kiêm CEO start-up công nghệ Phygital Labs tại Việt Nam):

Dữ liệu - nguồn "dầu mỏ" của thời đại số

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 6.

Yếu tố cốt lõi chính hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP vào năm 2030 là khai thác được "dữ liệu đã xác thực" - nguồn tài nguyên mới, được ví như "dầu mỏ" của thời đại số.

Trong đó AI, chuỗi khối (blockchain) và phygital (kết hợp giữa thế giới thực và thế giới số) là những trụ cột then chốt.

Chẳng hạn AI có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ kinh tế mới từ nền tảng thương mại điện tử cá nhân hóa, phân tích thị trường theo thời gian thực, đến gợi ý hành trình du lịch "may đo" cho từng du khách.

Việc ứng dụng AI để tự động hóa khâu marketing, phân phối, dự báo nhu cầu cũng giúp doanh nghiệp nâng cao doanh thu và định hình các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Song song đó blockchain xác thực giao dịch và minh bạch luồng vốn, tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế bền vững dựa trên phí bản quyền, đảm bảo giá trị lâu dài.

Đồng thời phygital mở ra "điểm chạm" sáng tạo giúp quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế và thế hệ gen Z - những đối tượng sẵn sàng chi tiêu cho trải nghiệm số kết hợp hành trình thực tế.

Qua đó doanh thu có thể tăng đột biến, khi du lịch thực - ảo đan xen với nhu cầu thưởng thức văn hóa, sản phẩm và dịch vụ số đặc sắc.

Khi "dữ liệu đã xác thực" được quản lý, khai thác đúng cách, Việt Nam không chỉ kỳ vọng hiện thực hóa mục tiêu nền kinh tế số, mà còn có cơ hội bứt phá, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

* Ông NGUYỄN BÁ DIỆP (đồng sáng lập MoMo):

Rất cần "anh cả" giao việc, hỗ trợ

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 7.

Chúng ta đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghĩa là tạo ra những sản phẩm chưa bao giờ có trên thực tế.

Vì vậy các sản phẩm dịch vụ mang tính sáng tạo và đột phá thường không có trong các quy định pháp luật hiện hành và cần các hành lang pháp lý cởi mở để phát triển.

Hiện nay mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa có bộ chủ quản chuyên biệt làm đầu mối.

Do đó khi triển khai một sản phẩm, doanh nghiệp phải xử lý một quy trình rất phức tạp cũng như phải tuân thủ rất nhiều quy định vì mỗi bộ có quy định khác nhau và cách thức xử lý khác nhau về sản phẩm.

Theo tôi, một số chính sách nên được xem xét để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển đột phá như hỗ trợ phát triển thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp cho chính quyền; chính sách khuyến khích lâu dài và ổn định của Nhà nước cho ngành nghề ưu tiên (10-15 năm); ưu đãi thực tiễn như giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân trong ngành nghề ưu đãi; cơ chế đáp ứng nhu cầu về vốn mở rộng quy mô bởi các công ty start-up không thể vay vốn từ ngân hàng vì chỉ có sở hữu trí tuệ, không có tài sản thế chấp; xây dựng sàn chứng khoán công nghệ để gọi vốn cộng đồng riêng cho start-up tương tự như Nasdaq...

Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam rất cần những lãnh đạo có thể đóng cả vai trò "anh cả" giao việc, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển.

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 8.

Livestream bán hàng hóa trực tuyến - một xu hướng nhiều công ty sản xuất chọn trong thời kỹ thuật số bùng nổ - Ảnh: HỮU HẠNH

Xem xét sửa nhiều luật liên quan công nghệ số

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho biết trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, Quốc hội cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ; xem xét thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đây là hai đạo luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. "Chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ rà soát kỹ từng điều, khoản để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của nghị quyết 57" - ông Sơn khẳng định.

Kinh tế số nhìn từ Singapore và Hàn Quốc

Mới đây trang web của Cục Quản lý thương mại quốc tế (ITA) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ dẫn bản báo cáo về kinh tế số Singapore năm 2023 cho thấy nền kinh tế của nước này đã có bước nhảy vọt đáng kể.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, đóng góp của lĩnh vực kinh tế số vào nền kinh tế Singapore tăng vọt từ mức 58 tỉ đô la Singapore (hơn 42 tỉ USD) lên 106 tỉ đô la Singapore (khoảng 78 tỉ USD).

Theo Đài CNA, lĩnh vực kinh tế số đã đóng góp gần 18% vào GDP của Singapore với 113 tỉ đô la Singapore (hơn 83 tỉ USD), vượt qua cả lĩnh vực tài chính và bảo hiểm.

Chiến lược số của Singapore được xây dựng xung quanh bốn lĩnh vực chính gồm kinh tế số, chính phủ, an ninh và xã hội.

Trong đó trọng tâm của lĩnh vực kinh tế số tại quốc đảo sư tử trong năm 2024 là tập trung vào việc khai thác công nghệ AI để nâng cao năng lực ở lĩnh vực này, tích hợp các giải pháp số hóa để mở rộng quy mô hoạt động của các lĩnh vực liên quan, tăng cường khả năng phục hồi mạng và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Số lượng việc làm trong lĩnh vực công nghệ đã tăng lên 208.300 vào năm 2023.

Các công việc trong lĩnh vực công nghệ mang lại mức lương cạnh tranh và nhiều cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Singapore cũng đang tăng cường áp dụng công nghệ trong các hoạt động của chính doanh nghiệp.

Dữ liệu cho thấy gần 95% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã số hóa ít nhất một khía cạnh của các lĩnh vực an ninh mạng, điện toán đám mây, thanh toán điện tử, thương mại điện tử, phân tích dữ liệu của AI.

Hơn 80% doanh nghiệp đã sử dụng ít nhất một giải pháp kỹ thuật số để cải thiện các chức năng kinh doanh chung như kế toán, quản lý tài liệu và tiếp thị kỹ thuật số, tăng từ mức 69% được ghi nhận vào năm 2021.

Ngoài Singapore, ITA thông tin Hàn Quốc đã thành công xây dựng danh tiếng là một trung tâm công nghệ số hàng đầu trên thế giới với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tiên tiến.

Xứ sở kim chi cũng tự hào là quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, là quốc gia có số lượng thuê bao dịch vụ mạng không dây nhiều hơn quy mô dân số và là nơi đặt trụ sở của các công ty kỹ thuật số hàng đầu thế giới như Samsung, SK, LG và Naver.

Hàn Quốc đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, hệ thống mạng thế hệ mới, AI, điện toán lượng tử và an ninh mạng.

Bất chấp những cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty, doanh nghiệp trong nước, ngày càng nhiều công ty Mỹ gặt hái được thành công tại thị trường kỹ thuật số của Hàn Quốc thông qua việc tận dụng các công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh sáng tạo.

Ước tính quá trình chuyển đổi số thành công liên tục sẽ giúp Hàn Quốc tạo ra giá trị kinh tế hằng năm đạt 281.000 tỉ won (hơn 190 tỉ USD) vào năm 2030.

5 năm đột phá kinh tế số - Ảnh 10.Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỉ USD

Quy mô nền kinh tế số Việt Nam cán mốc 36 tỉ USD trong năm 2024, trong đó thị trường thương mại điện tử tiếp tục là trụ cột chính khi đóng góp 22 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp