Mô phỏng hoạt động của tàu vũ trụ SpaceX sẽ tới sao Hỏa - Ảnh: SpaceX |
Theo tạp chí Vox (Mỹ), trước khi ai đó cảm thấy quá phấn khích trước viễn cảnh phiêu lưu vô cùng hấp dẫn của tỉ phú Musk, họ cần suy nghĩ một cách "duy lý" về những khó khăn đại gia công nghệ này phải giải quyết để có thể lần lần cụ thể hóa kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa tạo lập nền văn minh mới.
Trước hết,5 lý nếu xét ở cấp độ cơ bản nhất, công ty SpaceX của Elon Musk vẫn chưa thể chế tạo được một tên lửa đủ lớn để phục vụ cho sứ mạng đưa con người lên hành tinh Đỏ.
Mặc dù đã tiến hành nhiều cuộc phóng vệ tinh và tên lửa thành công nhưng SpaceX chưa bao giờ đưa một người nào bay vào quỹ đạo trái đất.
Chưa kể là hãng công nghệ này vẫn đang chật vật vượt qua khó khăn sau sự cố xảy ra tháng này khi một trong các tên lửa Falcon 9 phát nổ trước khi phóng. Nói một cách ví von thì SpaceX vẫn đang cần phải đi trước khi có thể chạy, chưa tính tới chuyện phóng thẳng lên sao Hỏa lúc này.
Giải pháp còn mù mờ
Thứ hai là vấn đề hạ thấp chi phí tham gia hành trình lên sao Hỏa. Như ông Musk đã trình bày "Bạn không thể tạo ra một nền văn minh tự tồn tại (trên sao Hỏa) nếu giá vé là 10 tỉ USD một người". Đó là mức giá nếu chúng ta sử dụng công nghệ đã từng đưa con người lên mặt trăng.
Tỉ phú Musk nhận định: "Nếu chúng tôi không thể hạ mức chi phí lên sao Hỏa xuống mức tương đương với giá nhà trung bình tại Mỹ, tức là vào khoảng 200.000 USD, thì khả năng chi phí để thiết lập một nền văn minh tự tồn tại là khá cao".
Và ông Musk thừa nhận việc phải cắt giảm chi phí lên sao Hỏa tới 5 triệu % là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Thứ ba là yếu tố con người. Làm sao người ta có thể nhồi nhét cả trăm con người trong không gian tương đối chật của con tàu trong suốt sáu tháng trời trên hành trình tới sao Hỏa?
Làm thế nào có thể giảm thiểu những tác động ảnh hưởng tới sức khỏe từ việc phơi nhiễm với phóng xạ xảy ra trong hành trình bay, hay từ môi trường không trọng lực sẽ khiến xương và cơ của con người bị mục ruỗng.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nghiên cứu vấn đề này, cụ thể là với phi hành gia Scott Kelly, người đã sống 340 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ ở đây.
Với những vấn đề đó, một câu hỏi liên quan khác nữa là làm thế nào con người có thể tồn tại được sau khi họ đã tới được sao Hỏa? Họ sẽ trồng trọt như thế nào? Làm cách nào để họ đảm bảo rằng nước và khí ô-xy sẽ được cung cấp lâu dài? Làm cách nào họ có thể bảo vệ mình trước các tia phóng xạ chiếu tới trong tình trạng từ trường yếu của sao Hỏa? Tất cả những điều này chưa được giải đáp một cách cụ thể, chi tiết.
Tính rủi ro rất cao
Trong phần hỏi đáp sau bài thuyết trình, tỉ phú Musk thừa nhận "nguy cơ tử vong sẽ là rất cao" trong hành trình đầu tiên lên sao Hỏa. "Không có cách nào tránh được điều đó", ông thừa nhận.
Nhưng ông Musk trấn an đám đông rằng những nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ trong chuyến bay đã bị phóng đại và nguy cơ bị ung thư cũng ở mức thấp. Hơn nữa ông tin rằng có thể tạo ra một "từ trường nhân tạo" trên sao Hỏa để làm chuyển hướng các luồng phóng xạ nếu chúng chiếu tới đó.
Thêm một vấn đề nữa là tỉ phú Musk khá mù mờ trong việc giải đáp câu hỏi làm thế nào con người có thể trở lại Trái Đất từ sao Hỏa sau khi đã đặt chân tới đó.
Ông giải thích: "Việc tạo ra lực đẩy trên sao Hỏa là việc hẳn nhiên rất quan trọng. Sẽ là ngớ ngẩn khi cố xây dựng một thành phố trên sao Hỏa nếu các tàu vũ trụ của anh cứ ở lại mãi trên đó. Anh sẽ có một bãi tha ma của những xác tàu".
Tỉ phú công nghệ đề xuất giả thuyết "tận dụng khí methane trên sao Hỏa" để tạo ra năng lượng cho các chuyến tàu trở về Trái Đất. Tuy nhiên rõ ràng là ý tưởng táo bạo này của ông cần được bổ sung thêm nhiều thông tin chi tiết khác.
Một khả năng nữa là có thể sẽ có rất nhiều người sẵn sàng tình nguyện làm "chuột bạch" trong các chuyến du hành lên sao Hỏa đầu tiên, nhưng dĩ nhiên trong số những người mê phiêu lưu đó sẽ không có tỉ phú Elon Musk.
Thứ năm là vấn đề tài chính. SpaceX không thể có đủ tiền để tự phóng tàu, dù chỉ là một chuyến tàu thăm dò, lên sao Hỏa. Vậy nên họ cần có sự hợp tác với NASA hoặc tìm thêm được các đối tác khác chung chí hướng trong thời gian tới.
Trong khi đó, đề cập tới vấn đề ngân sách dành cho nghiên cứu vũ trụ của Mỹ, một bài báo khác của Vox từng giật tít: "Với NASA, việc đưa một người lên sao Hỏa là chuyện đơn giản. Chuyện khó hơn chính là thuyết phục Quốc hội".
Ở đây là thuyết phục quốc hội Mỹ chấp nhận phê chuẩn cho các khoản ngân sách dành cho dự án đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận