Tranh: LAP
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.
Nên hay không nên tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS), vốn nhận nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tôi từng có bài: "Hội phụ huynh tội tình chi mà bỏ?" đăng trên Tuổi Trẻ Online. Từ đó đến nay, hoạt động của BĐDCMHS không thay đổi, nặng hình thức, "chỗ dựa vững chắc" để trường "tăng nguồn thu".
Từ thực tiễn công tác, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên bỏ BĐDCMHS trong các trường phổ thông vì 5 lý do sau đây.
1- Ai chọn ban đại diện cha mẹ học sinh?
Có bầu bán thực sự không? Có nhận sự quan tâm của đông đảo phụ huynh (và cả của thầy cô giáo)? Xin được nói thẳng: không! BĐDCMHS của lớp thường do giáo viên chủ nhiệm lớp "cơ cấu"; thường trực BĐDCMHS của trường thì hiệu trưởng… "chọn mặt gửi vàng"!
Đầu năm học này, một học trò cũ của tôi, hàng U50 (cũng là sếp) có con muộn, nên háo hức họp phụ huynh khi cháu vào một trường THPT tiếng tăm. Vậy mà ngay khi kết thúc cuộc họp, em nhắn tin cho tôi: "Hiệu trưởng chọn hết, từ thường trực đến hội trưởng", và "sắp xếp hết thầy ạ!".
Nhiều năm học qua, BĐDCMHS nói theo hiệu trưởng, làm theo hiệu trưởng, ký hợp thức hóa chứng từ "thu - chi" quỹ BĐDCMHS để hiệu trưởng "công khai".
2- Hiệu trưởng làm gì trước mỗi kỳ họp ban đại diện cha mẹ học sinh?
Trao đổi công tác dạy học, có, nhưng thứ yếu. Chuẩn bị cho họp phụ huynh tới đây, một cán bộ quản lý trường THPT cho tôi biết, hiệu trưởng trường này "share" trong liên tịch nhà trường một nội dung duy nhất: các khoản thu (bắt buộc, tự nguyện, thu hộ) và… "chấm hết"!
Thu tiền phụ huynh, như đã thành lệ, là nội dung trọng tâm cuộc họp BĐDCMHS, dù cuộc họp tại lớp hay cuộc họp BĐDCMHS toàn trường.
Vì thế, cuộc họp BĐDCMHS không còn cần thiết, gây tốn kém tiền bạc và thời gian; suy cho cùng chỉ là biện pháp đối phó của hiệu trưởng khi có giám sát, kiểm tra, thanh tra. Vậy bỏ BĐDCMHS, được chứ!
3- Ai giúp hiệu trưởng "lạm thu"?
Câu hỏi dễ tìm đáp án chính xác. Nếu không có BĐDCMHS, hiệu trưởng có dám đặt ra các khoản thu "tự nguyện"? Có huy động đóng góp dịp lễ, Tết? Có "cậy" quỹ BĐDCMHS chi giúp mấy bữa tiếp khách "quá tay"? Và còn 1.001 khoản thu, tùy vào mỗi trường, hiệu trưởng gọi tên (khoản thu) khác nhau mà phần lớn là lạm thu.
Đã đến lúc, một khoản thu duy nhất trong nhà trường, dù công lập hay tư thục: học phí!
Sự sòng phẳng này gợn chút băn khoăn, nhưng khi làm đồng bộ, phù hợp với tình hình kính tế - xã hội tại mỗi địa phương, quan tâm thực sự đến nhóm học sinh yếu thế - sẽ góp phần lành mạnh hóa học đường.
4- Một năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh làm gì?
Thường có các cuộc họp BĐDCMHS vào đầu năm học, sơ kết học kỳ I và dịp tổng kết năm học. Ngoài ra, chuẩn bị cho sinh hoạt nhân Ngày Nhà giáo VIệt Nam (20-11), Tết cổ truyền, học sinh cuối cấp vào mùa thi, nhiều trường tổ chức họp BĐDCMHS.
Nội dung chủ yếu là thông báo kết quả dạy học, giáo dục, khen thưởng (hoàn toàn có thể thông báo qua sổ liên lạc điện tử, các nhóm Zalo) - nhưng không, vì họp để… gợi ý đóng thêm quỹ BĐDCMHS.
Đổi mới quản trị trường học, những cuộc họp BĐDCMHS không còn ý nghĩa, càng vô vị hơn khi trong năm học, hoạt động thật sự của BĐDCMHS chỉ là biểu quyết… thu "tự nguyện"!
5- Nhiều cách kết nối với phụ huynh
Trực tiếp, trực tuyến, định kỳ, đột xuất… khi có nhu cầu cần giải đáp, tư vấn - thông qua quy chế làm việc của mỗi trường - mà phụ huynh liên hệ với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hay lãnh đạo nhà trường.
Thời công nghệ, liên hệ phụ huynh - thầy cô nhanh chóng, thuận tiện. Cuộc trao đổi giữa họ thấm đậm sự tử tế, nhân văn. Cuộc họp như thế, tuy không biểu quyết (bằng giơ tay, ký biên bản được hiệu trưởng chấp bút và đánh máy), nhưng sự đồng thuận hết sức sâu sắc. Ấy là làm mới nhà trường!
Bỏ BĐDCMHS ở trường phổ thông, đến lúc cần làm ngay để xã hội hóa giáo dục thực sự, góp phần phát triển nhà trường trong bối cảnh đổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận