Phóng to |
Bắt đầu từ tiền xu
Thực ra thì “cơ duyên” của Võ Duy Thành, Tạ Đắc Dũng, Lê Quốc Huy, Trương Thành Kiên và Trần Đức Minh với tiền xu còn nhiều hơn nữa, trong đó có một chi tiết đặc biệt thú vị là trưởng nhóm Võ Duy Thành - chàng trai cao lêu đêu đeo kính cận, ít tuổi nhất (Thành sinh 1982, bốn chàng còn lại sinh 1981) vốn là một tay chơi tiền xu có hạng
Một lần xem tivi, nghe thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy nói tiền xu có nhiều công dụng, nhưng trước mắt là nó sẽ tạo nhu cầu về mua bán tự động, và như vậy nó thúc đẩy công nghệ tự động hóa ở VN... Nhóm đã bắt tay vào chiếc máy bán hàng tự động..
|
Cả năm cậu chưa ai một lần trong đời nhìn thấy máy bán hàng tự động chứ đừng nói là đã sử dụng nó. Ở VN, nghe nói đã có một máy tự động bán bao cao su được đặt ở Hà Nội, các cậu bàn nhau: liều một phen, mỗi đứa đi mua một lần, lỡ có đứa nào bị người quen nhìn thấy thì cũng coi như... hi sinh cho khoa học (!).
Nhưng hóa ra cái máy ấy mới chỉ là dự án của Tổ chức Quốc tế phòng chống AIDS chứ vào tháng 2-2004, lúc các cậu bắt tay vào công việc của mình thì nó... chưa về đến VN. Giải pháp tình thế là : lên mạng...
Sau 15 tuần ăn ngủ tại “căn cứ địa” là phòng thí nghiệm trọng điểm tự động hóa của Trung tâm Công nghệ cao - ĐH Bách khoa, với nguồn viện trợ là bánh mì của các thầy và cơm hộp của các bạn gái, cái máy bán hàng tự động thông minh được gọi tắt theo kiêu Việt hóa là M2T đã thành hình.
Với lòng tham vô đáy của mình, các chàng trai muốn M2T không chỉ đơn giản có chức năng nhận tiền, giao hàng và trả lại tiền thừa như các máy bán hàng của Trung Quốc. Họ thiết kế máy theo ba khối, có chức năng giao tiếp với người mua, giao tiếp với trung tâm, xử lý các tình huống phát sinh, truyền và nhận các bản tin một cách chính xác trong một phạm vi rộng.
Hiện tại, chiếc máy mà họ mang “trình làng” có chiều cao 1m70, nặng 80kg, có thể bán nước (các loại nước đóng chai, đóng hộp) và bánh snack; có hai khe nhét tiền, loại 1.000 và 5.000 đồng, trả lại tiền; có báo động khi có trộm, truyền được thông tin từ tầng 1 lên tầng 2 (ban đầu hãy tạm thế đã!).
Để kiếm tiền triệu
Máy bán hàng tự động của nước ngoài thường có giá trung bình là 700-800 USD, cao nhất khoảng 1.500 USD, M2T có giá thành 12 triệu, nhưng chưa tính hết các thành phần cấu tạo được “tài trợ” như bộ vi xử lý của Philips, nhà xưởng mượn của trường, cũng chưa tính đến các máy hỏng phải bỏ đi.
Mà muốn đưa máy ra thị trường thì phải hạ giá thành và tăng cường quảng cáo. Biết vậy nên cả nhóm đã cử hẳn ra một người chuyên đi thăm dò thị trường và quảng bá sản phẩm. Pepsi, Coca Cola - những đại gia có tiềm năng sử dụng máy bán hàng tự động - đều đã lắc đầu với lý do chưa hi vọng gì vào thị trường VN vì thói quen “đi chợ và tiêu tiền giấy” của người Việt. Các hãng bánh kẹo cũng vậy.
Năm chàng trai đã tốn không biết bao nhiêu xăng và leo không biết bao nhiêu cầu thang, kết quả vẫn chỉ là những lời hứa. Người ta chưa muốn tin vào những sinh viên vô danh. Cuối cùng, cả hội quay ra bảo nhau: sao ta không tiếp thị ngay trong trường?
Một cuộc trình diễn nho nhỏ đã diễn ra ngay ở căngtin của nhà C2 - khu giảng đường lớn nhất của trường. Và kết quả là thầy hiệu phó GS.TS Hoàng Bá Chư tuyên bố: “Tháng sáu tới khánh thành bể bơi của trường, ban giám hiệu sẽ mua chiếc máy M2T đầu tiên và đặt ở đó, với điều kiện là nhóm phải nhanh chóng hoàn thiện các tính năng kỹ thuật và độ an toàn của máy”.
Hào phóng hơn, Thầy Chư còn hứa: nếu M2T chứng minh được khả năng cạnh tranh trên thị trường bằng chất lượng, trường sẽ mở chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm và hỗ trợ một xưởng chế tạo máy ngay trong khuôn viên nhà trường.
GS Nguyễn Công Hiền, giám đôc Trung tâm Công nghệ cao, thì hứa sẽ hỗ trợ hết sức về mặt chuyên môn, đồng thời cũng quảng cáo không công cho M2T với tất cả đồng nghiệp ở các trường khác.
Thầy Hiền cho rằng: mật độ sử dụng máy bán hàng tự động là một trong những chỉ số mức phát triển của mỗi quốc gia, trong khi tâm lý sử dụng tiền và thói quen mua bán của người Việt chưa thay đổi thì các trí thức cần phải đi trước, có nghĩa là các trường ĐH nên cho sinh viên làm quen với máy bán hàng tự động bằng cách đặt M2T ở tất cả những nơi có thể: bể bơi, căngtin, nhà vệ sinh công cộng... Chính họ sau khi ra trường sẽ là động lực để thay đổi thói quen mua bán của xã hội.
Đó là chuyện của tương lai gần, còn trước mắt nhóm đang gấp rút hoàn chỉnh M2T serie 1 và nâng cấp M2T serie 2. M2T2 sẽ sử dụng không chỉ tiền xu mà cả thẻ tín dụng và điện thoại di động, các mặt hàng cũng sẽ được đa dạng hóa, không chỉ nước và kẹo mà cả xăng dầu và các đồ gia dụng. Một nét tinh nghịch hiện lên trong ánh mắt sau cặp kính cận của Thành: “Chúng tôi sẽ thiết kế phần mềm nhận dạng người mua: nếu là động tác nhét tiền thì OK, còn là động tác giơ tay vung quả đấm thì chuông sẽ réo, đồng thời sẽ có một loại sơn đánh dấu phụt vào mắt kẻ táy máy. Có mà chạy đằng trời!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận