Ảnh minh họa: REUTERS
Công nghệ chăm sóc da mang trên người
Công nghệ mang trên người đang được xem là "điểm nhấn" trong ngành thời trang và thể thao. Năm 2018, một hãng mỹ phẩm Pháp đã đưa ra sản phẩm làm đẹp da có tên kẹp cảm biến UV My Skin Track (kẹp cảm biến UV) có khả năng đo mức độ tiếp xúc với tia UV.
Thiết bị được gắn vào quần áo hoặc túi xách, nhằm cảnh báo người dùng khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím, kèm theo khuyến cáo thoa kem chống nắng khi cần thiết.
Kẹp cảm biến UV ra đời từ nhiều nghiên cứu trước đó, bắt đầu từ miếng dán UV Patch, sau được cải tiến thành cảm biến da UV Sense và nay là kẹp UV. Thiết bị sử dụng công nghệ LED và ăng-ten giao tiếp trường gần để thu thập dữ liệu photon và đưa vào điện thoại di động thông qua ứng dụng.
Thiết bị quét da
Thiết bị quét da hay máy soi da của Mỹ là công cụ cầm tay cá nhân gọn nhẹ, giúp chẩn đoán da sau khi phân tích da mặt tại nhà mà không cần đến gặp bác sĩ da liễu. Thiết bị này cung cấp cái nhìn cận cảnh về làn da với sự hỗ trợ của camera điện thoại.
Nó có thể quét được làn da của người dùng, quét lỗ chân lông, từ đó phân tích dữ liệu về tình trạng da, mức độ hydrat hóa của da và sự xuất hiện của các nếp nhăn, đánh giá làn da từ 0 đến 100 điểm, sau đó hướng dẫn cách cải thiện làn da theo thời gian.
Người dùng có thể xem các hình ảnh phóng đại trên điện thoại, cùng với các đề xuất chăm sóc da được cá nhân hóa. Mỗi lần quét và kết quả của nó được lưu trữ trong ứng dụng để cung cấp các giải pháp chăm sóc da tùy chỉnh phù hợp với từng người, từng thời điểm cụ thể.
Công nghệ Sonic
Công nghệ Sonic hay còn gọi là sóng âm (Sonic Technology) từng được sử dụng để vệ sinh răng miệng và nay được ứng dụng cho chăm sóc da như máy rửa mặt, được xem rất hữu dụng để làm đẹp và sạch da mặt. Chỉ cần dùng một thời gian ngắn, da mặt sẽ thoáng sạch và mềm mại hơn. Lúc này, chỉ cần chút phấn thôi cũng có thể làm cho khuôn mặt rạng ngời hơn.
Đối với nhóm có làn da mụn cũng không còn phải lo âu, thiết bị rửa mặt dùng sóng siêu âm có thể dùng để rửa mặt hàng ngày với bất kỳ loại sữa rửa mặt nào, có tác dụng tẩy da chết, massage mặt...
Làm đẹp dựa trên đặc điểm cấu trúc
Các công ty phân tích và kiểm tra đặc điểm cấu trúc da hiện đang nghiên cứu để tung ra thị trường sản phẩm chăm sóc da cá nhân hóa cho từng người. Nó giải quyết các mối quan tâm về sắc đẹp liên quan đến "cơ địa" hay cấu tạo da của từng người chứ không dùng đại trà như hiện nay.
Tiên phong có Proven, một công ty khởi nghiệp ở San Francisco, Mỹ. Proven đang thực hiện một dự án tham vọng, đánh giá tính chất của da dựa trên độ tuổi, mức độ melanin, dân tộc và lối sống. Qua đó, các nhà sản xuất ứng dụng vào các sản phẩm với nguyên lý làm đẹp cho từng cá nhân dựa trên cấu trúc da, lối sống, môi trường sinh hoạt... nên nó giúp tạo ra cách chăm sóc da phù hợp để có được làn da như ý và phù hợp.
Cân chỉnh thực tế và cân chỉnh dựa vào thực tế ảo
Trước khi công nghệ này được ứng dụng vào mục đích làm đẹp, khách hàng phải được kiểm tra một số chỉ tiêu để quyết định phẫu thuật hay không. Nhưng nay nhờ sự trợ giúp của sự cân chỉnh thực tế (Augmented Reality hay AR) và sự cân chỉnh dựa vào thực tế ảo (Virtual Reality hay VR), các đánh giá bằng xét nghiệm xâm lấn không cần thiết nữa. Đây là dịch vụ làm đẹp của tương lai, hiện được nhiều phụ nữ tin dùng.
Nhiều người muốn trải nghiệm ứng dụng ảo để chẩn đoán da ngay tại nhà. Công nghệ làm đẹp này mang lại nhiều lợi thế, nhất là nhóm phụ nữ bận rộn. Nó ngày càng tiến hóa, hoàn thiện với sự trợ giúp của AI (trí tuệ nhân tạo), robot hay gương công nghệ cao... nên khả năng đánh giá các tình trạng da như nếp nhăn, lão hóa, đường nhăn, màu da không đồng đều, quầng thâm, đốm và lỗ chân lông vừa nhanh lại chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận