10/06/2016 09:42 GMT+7

496 người trúng cử đại biểu Quốc hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chiều 9-6, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức họp báo quốc tế, công bố danh sách chính thức 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được tỉ lệ phiếu bầu cao nhất: 99,48%

Chủ trì cuộc họp báo là Phó chủ tịch Quốc hội - Trưởng tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia Phùng Quốc Hiển; Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy; Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.

Theo danh sách được công bố, cả 19 ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước, Thủ tướng cùng 16 thành viên của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ứng cử đều đắc cử. Có hai người tự ứng cử trúng cử gồm: ông Nguyễn Anh Trí - viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương, ứng cử tại Hà Nội; ông Phạm Quang Dũng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco, ứng cử tại Nam Định.

Tại đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trúng cử với tỉ lệ 86,47% số phiếu hợp lệ. Tại đơn vị bầu cử số 1 TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trúng cử với tỉ lệ 75,08% số phiếu hợp lệ. Tại đơn vị bầu cử số 3 TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu cao nhất: 99,48% số phiếu hợp lệ.

Tại đơn vị bầu cử số 1 TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trúng cử với tỉ lệ 91,46% số phiếu hợp lệ. Dự kiến Quốc hội khóa mới sẽ khai mạc kỳ họp thứ nhất vào ngày 20-7.

Tại cuộc họp báo, những người chủ trì đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên.

* Đại Biểu Nhân Dân: Số đại biểu Quốc hội ngoài Đảng giảm 50% so với khóa trước, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trong danh sách ứng cử thì có 97 ứng cử viên là người ngoài Đảng, sau khi bầu thì có 21 người trúng cử. Điều này hoàn toàn là do cử tri xem xét, đánh giá, lựa chọn. Đây là quyền của cử tri.

* Tuổi Trẻ: Quốc hội khóa XIV có tới 317 đại biểu lần đầu trúng cử, như vậy tỉ lệ tái cử khá thấp, điều này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội?

- Ông Phùng Quốc Hiển: Số đại biểu Quốc hội tái cử lần này là 160, chiếm khoảng 30%. Thật ra các khóa trước số đại biểu tái cử cũng nằm ở 33-35%. Chúng tôi thấy rằng qua thực tế các nhiệm kỳ Quốc hội, số tái cử 1/3 là nòng cốt, hoạt động hết sức tích cực, đảm bảo chất lượng hoạt động Quốc hội. Thực tế cho thấy chất lượng các nhiệm kỳ Quốc hội ngày một nâng lên.

Tôi nghĩ rằng 2/3 đại biểu mới thì trong số đó phần lớn là những đại biểu có đủ tiêu chuẩn, trải qua nhiều kinh nghiệm công tác, trong đó có hoạt động ở cơ quan dân cử địa phương.

Do vậy, tôi cho rằng việc chỉ tái cử 160 đại biểu không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, mà còn làm cho Quốc hội chúng ta luôn có sự đổi mới, mới mẻ hơn.

Đại biểu trẻ nhất Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 Triệu Thị Huyền (giữa), sinh năm 1992, ở xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Huyền vừa tốt nghiệp ĐH sư phạm chuyên ngành văn - sử - Ảnh: THẾ DUYỆT
Đại biểu trẻ nhất Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 Triệu Thị Huyền (giữa), sinh năm 1992, ở xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Huyền vừa tốt nghiệp ĐH sư phạm chuyên ngành văn - sử - Ảnh: THẾ DUYỆT

* Tuổi Trẻ: Có 15 người ứng cử được trung ương giới thiệu nhưng dân lại không bầu, xin ông cho biết việc này ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ tới?

- Ông Trần Văn Túy: Trong số 870 người ứng cử thì họ đều đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, vì vậy ai trúng cử cũng tốt. Tuy nhiên có 15 người do các cơ quan, tổ chức trung ương giới thiệu không trúng cử, trong đó có 6 người do Ủy ban trung ương MTTQ VN giới thiệu (mang tính đại diện các tổ chức xã hội), đặc biệt có 9 người dự kiến làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Lần này Quốc hội dự kiến tăng số lượng đại biểu chuyên trách thêm 15 người so với nhiệm kỳ trước, việc 9 người không trúng cử sẽ ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch tổ chức bộ máy, đến các cơ quan của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi thì ảnh hưởng không nhiều. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để các cơ quan của Quốc hội thông qua hoạt động thực tế ở nghị trường tới đây để tuyển chọn đại biểu đủ năng lực vào làm đại biểu chuyên trách. Chúng ta yên tâm là sẽ chọn đủ cán bộ để Quốc hội ngày càng mạnh lên.

* Tuổi Trẻ: Hội đồng bầu cử quốc gia rút kinh nghiệm gì qua việc một số đơn vị bầu cử không bầu đủ đại biểu Quốc hội, đặc biệt có đơn vị bầu cử có 5 ứng cử viên nhưng chỉ bầu được 2 đại biểu?

- Ông Trần Văn Túy: Hội đồng bầu cử quốc gia chưa tổng kết vấn đề này, nhưng chúng tôi cho rằng sẽ có việc rút kinh nghiệm sâu sắc. Tuy vậy khi phân tích vấn đề, tôi thấy rằng các địa phương bầu thiếu (Sơn La, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Nai, Cần Thơ) không có mẫu số chung, có nơi số dư rất cao, còn có nơi thì các ứng cử viên có chất lượng tương đương nên tỉ lệ phiếu chia đều.

Chúng tôi cho rằng quyền lựa chọn, đánh giá là của cử tri, nhưng phải rút kinh nghiệm nhiều mặt như lập danh sách, chia đơn vị bầu cử như thế nào, rồi từng ứng cử viên vận động bầu cử ra sao để tạo ra sự khác biệt, giúp cử tri có đánh giá, lựa chọn tốt hơn.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp