Sau gần 1 tháng ghép gan và đã phục hồi sức khỏe, hàng ngày anh Hùng đều tập thể dục để sớm trở lại với nhịp công việc hàng ngày
Theo các chuyên gia, đây là thành công lớn đối với việc ghép tạng ở Việt Nam, bởi tỉ lệ cứu sống tương tự chỉ dưới 10%.
48 giờ "thần tốc" chuẩn bị cho ca ghép gan cấp cứu
Sau chưa đầy 1 tháng ghép gan, trung tuần tháng 5 vừa qua, anh Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi) đã được xuất viện. Xa gia đình nhiều ngày, lạ nhà nên ít ngủ hơn, đó là những điều duy nhất khiến anh cảm thấy không thoải mái lúc này. Còn sinh hoạt, đặc biệt là sức khỏe anh đã trở lại bình thường.
Hằng ngày, anh dậy sớm tập thể dục, uống nhiều nước, theo dõi các tin tức thời sự về COVID-19 như thói quen phục vụ công việc trước khi phải đột ngột nhập viện đầu tháng 4-2021.
Từ chỗ sự sống chỉ còn trong gang tấc, hôm nay sức khỏe trở lại ổn định như thế này, "đi mê về tỉnh" với anh Hùng, điều này kỳ diệu như một câu chuyện cổ tích.
Sự cố đến với anh bất ngờ khi đang đi làm, anh Hùng bỗng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Mặc dù được đưa vào một bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị thuốc thang, tình trạng vẫn xấu đi.
Từ lơ mơ, chỉ sau 1 tuần anh dần bị hôn mê và được chẩn đoán nguyên nhân là viêm gan cấp tiến triển suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, hôn mê gan độ 3 rất nặng.
Do lá gan đã hỏng, không có khả năng đào thải chất độc nên người bệnh sẽ có xu hướng ngày càng nhiễm độc nặng hơn và dẫn đến tử vong. Khả năng sống sót các trường hợp tương tự chỉ 10% nếu không được ghép gan ngay.
Chỉ trước đó 1 tháng, anh Hùng đã hôn mê và tưởng chừng khó qua khỏi cơn bạo bệnh lớn. Anh đã được Bệnh viện Vinmec cấp cứu và chuẩn bị cho ca ghép gan thần tốc sau 48 giờ nhập viện
Được em gái ruột cho gan, anh đã được chuyển sang Bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội) để được ghép gan cấp cứu. Bệnh viện đã chuẩn bị quá trình ghép gan từ khâu sàng lọc người cho gan, hồi sức tích cực để loại bỏ chất độc cho người nhận gan, chuẩn bị êkip, các loại thuốc đặc hiệu, máu truyền chỉ trong vòng chưa đến 48 giờ, trong khi thông thường quá trình này phải mất hàng tuần.
Là người chịu trách nhiệm chăm sóc cho anh Hùng trong giai đoạn khó khăn trước khi ghép gan, TS. bác sĩ Nguyễn Đăng Tuân - trưởng Đơn nguyên Hồi sức ghép tạng, Bệnh viện Vinmec Times City - cho biết: "Ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân hôn mê gan nặng là một cuộc chạy đua với thời gian. Các quyết định phải đưa ra nhanh chóng, nhưng vẫn phải tuyệt đối chính xác. Chỉ cần chậm một chút, thiếu một bước hay một sai sót nhỏ cũng có thể khiến mọi nỗ lực vô ích".
Vinmec làm chủ kỹ thuật ghép gan với tỉ lệ thành công 95%
Ca ghép gan đã được tiến hành dưới sự dẫn dắt của GS Lee Suk Koo, chủ tịch Tiểu ban Ngoại Vinmec, nguyên là giám đốc chương trình ghép gan và Trung tâm Ghép tạng tại Bệnh viện Samsung (Hàn Quốc). Các bác sĩ Vinmec đã thực hiện thành công ca mổ liên tục 7 giờ đồng hồ, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ và kíp điều dưỡng chuyên sâu về hồi sức gan, chỉ sau 1 ngày mổ, không hề cảm thấy đau, anh Hùng đã có thể ra khỏi giường bệnh.
Anh cũng tránh được nguy cơ thường xảy ra đối với 90% bệnh nhân đã hôn mê não gan nặng là khả năng ảnh hưởng trí nhớ.
"Tôi còn ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn, cảm thấy khỏe khoắn và giàu năng lượng hơn. Trước khi hôn mê, tôi đã lúc nhớ lúc quên, nhưng bây giờ tôi đã nhớ được mọi thứ, nhận ra được tất cả mọi người, cảm nhận được rất rõ mọi điều may mắn xảy ra với mình cho đến hôm nay" - anh Hùng chia sẻ.
Không chỉ có các chỉ số cơ thể trở về bình thường, tinh thần anh Hùng cũng phục hồi hoàn toàn, đây là điều hiếm thấy ở các trường hợp đã hôn mê gan sâu độ 3, thập tử nhất sinh.
Cứu sống được người bệnh suy gan ở mức cận tử với ca ghép gan cấp cứu phức tạp thần tốc này là một dấu ấn trong sự phát triển lĩnh vực ghép tạng.
Bệnh viện Vinmec đã có quy trình ghép gan theo tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng các thiết bị tiên tiến nhất và đặc biệt là sự phối hợp chuyên nghiệp của các êkip phẫu thuật, gây mê, hồi sức để làm chủ các tình huống khó như ca bệnh này.
Là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam ghép gan thành công từ người cho sống năm 2017, đến nay Vinmec đã thực hiện gần 40 ca ghép với tỉ lệ thành công trên 95%.
Thành công của Vinmec đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hệ thống y tế tư nhân trong bối cảnh tại Việt Nam chỉ có một số ít bệnh viện công triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng. Hiện nhu cầu ghép mô, tạng, trong đó có ghép gan ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận