Bị cáo Phạm Công Danh dời phiên toà chiều 17-1 - Ảnh: HỮU THUẬN
Ngày 17-1, tiếp tục phiên xét xử các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB)), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV).
Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến hành vi cố ý làm trái trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại hơn 1.700 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, tháng 5-2013, với lý do cần tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về để sử dụng.
Phan Thành Mai đề xuất với Phạm Công Danh ủy thác qua công ty Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại.
Phạm Công Danh đồng ý với đề xuất này và Phan Thành Mai nhờ Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt, mượn pháp nhân các công ty để vay tiền của TPBank và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên.
Thực hiện kế hoạch, Nguyễn Việt Hà gặp Đặng Thị Bích Thủy (nguyên phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank) để đề nghị cho các công ty vay tiền.
Đặng Thị Bích Thủy báo với Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp TPBank).
Sau đó 11 công ty được chọn mượn pháp nhân để vay, trong đó Phạm Công Danh đề xuất một công ty, Nguyễn Việt Hà đề xuất năm công ty, Đặng Thị Bích Thủy đề xuất bốn công ty và Đinh Việt Cường đề xuất một công ty riêng của mình.
Bị cáo Trầm Bê vẫy tay chào người thân trong phiên toà ngày 17-1 - Ảnh: HỮU THUẬN
Hồ sơ vay của 11 công ty được trình cho ủy ban tín dụng của TPBank duyệt thì Đinh Việt Cường trực tiếp ký ba hợp đồng tín dụng ngắn hạn, với số tiền cho vay 450 tỉ đồng, Đặng Thị Bích Thủy trực tiếp ký tám hợp đồng, với số tiền hơn 1.216 tỉ đồng.
Để bảo đảm khoản vay, VNCB thực hiện 11 hợp đồng gửi tiền tại TPBank với số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.
Tại tòa, Phạm Công Danh cho rằng không nhớ rõ liên quan gói tín dụng 1.700 tỉ tại TPBank do chỉ đạo bị cáo Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị VNCB) thực hiện.
Cựu Chủ tịch VNCB cho rằng mình chỉ nhớ có dùng 194 tỉ đồng trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Khương cho hay được Phạm Công Danh chỉ đạo vay tiền và chi tiền để tăng vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trả bà Hứa Thị Phấn 603 tỉ đồng và chi chăm sóc khách hàng...
Tại tòa, bị cáo Thủy thay đổi lời khai về dòng tiền cho 11 công ty vay và cho rằng trước khi thực hiện các gói tín dụng không hề biết Nguyễn Việt Hà, phê duyệt cho vay là do Ủy ban tín dụng của TPBank, tiền giải ngân là do Hội sở điều xuống...
Để làm rõ thẩm quyền cho vay, Luật sư đề nghị công bố lời khai của ông Nguyễn Hưng là Tổng giám đốc, và Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT của TPBank do hai ông này vắng mặt.
Cuối ngày xét xử, đại diện của ngân hàng xây dựng CBBank (có tiền thân là VNCB) đã yêu cầu HĐXX buộc Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo liên quan phải liên đối bồi thường tổng số tiền thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB.
Đáng lưu ý, bị cáo Trần Văn Bình (nguyên Giám đốc công ty Trung Dung) bị cáo buộc phải chịu liên đới bồi thường 600 tỉ đồng.
Bị cáo Bình đề nghị xem xét lại vì mình chỉ học đến lớp 6/12, có hai con nhỏ, chỉ là lái xe cho tập đoàn Thiên Thanh.
Phạm Công Danh cho bị cáo Bình 5 triệu đồng/tháng để "dựng" làm giám đốc rồi biểu kí gì thì kí.
"Nào giờ tôi kí nhiều nhưng có biết cái gì là trái phiếu với ủy nhiệm chi đâu...", bị cáo Bình trần tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận