Cô trò cùng quét dọn sân trường
Chuyện được ghi nhận từ Trường tiểu học số 2 Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, một "câu chuyện giáo dục" sinh động.
Cùng làm, cùng tập, cùng chơi
Từ 7 giờ sáng, sân Trường tiểu học số 2 Phố Lu đã rộn ràng những ca khúc thiếu nhi. Trên sân trường, trong lớp học, hành lang, cổng trường đều có những tốp học sinh cùng cô giáo hối hả quét dọn.
Những đứa trẻ mới lớp 1 cũng đã biết quét và hốt rác gọn gàng. Một số bé còn vụng về thì được cô giáo hướng dẫn cách cầm chổi. Điều ấn tượng là thái độ làm việc tự giác, vui vẻ của cô trò như đây là công việc thường ngày ở nhà mình.
Cô Trần Thị Thanh Hà, phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phố Lu, cho biết không có văn bản nào yêu cầu giáo viên phải cùng trực nhật với học sinh.
Trường chỉ phân khu cho mỗi lớp phụ trách vệ sinh. Mỗi buổi sáng học sinh các lớp cùng cô giáo chủ động quét dọn ở khu vực của mình. Cô hướng dẫn trò cách làm và cùng tham gia khiến bọn trẻ hào hứng, tích cực.
"Nhà trường không thuê lao công vì đây cũng là cách chúng tôi dạy học sinh lao động, giữ gìn vệ sinh" - cô Hà chia sẻ.
Có lẽ lao động lại làm những đứa trẻ hoạt bát hơn vào đầu giờ sáng. Kết thúc giờ lao động, toàn trường cùng tham gia một bài tập thể dục. Lại vẫn thầy, trò cùng tập. Tất cả giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường đều tham gia bài nhảy múa tập thể.
Sau bài tập này, học sinh có 15 - 20 phút chơi những trò chơi dân gian trên sân trường. Tùy theo ý muốn của học sinh mỗi lớp các em cùng cô giáo chuẩn bị các trò chơi.
Ngoài chơi cờ vua, cá ngựa, nhiều trò chơi dân gian được học sinh thích thú như chơi chuyền, chơi ô ăn quan... Các cô giáo cũng chẳng ngại chơi nhảy dây với học sinh, có chơi, có phạt công bằng.
Học sinh chơi chuyền trước khi vào tiết học đầu tiên
Những giờ học linh hoạt
Ở ngôi trường này, mọi tình huống đều có thể trở thành bài học. Trước cổng trường, có một chiếc tủ lớn có cửa kính chắc chắn nhưng không có khóa.
Trong tủ, quần áo được treo phẳng phiu trên những chiếc mắc. Có quần áo trẻ con, đồng phục học sinh và cả quần áo người lớn. Trên cửa kính ghi "Tủ quần áo từ thiện. Ai thừa thì cho, ai thiếu thì lấy".
Cô Thanh Hà cho biết tủ không khóa để những người thiếu có thể tự lấy đồ dùng mà không cần phải xin. Ban đầu chỉ để cho quần áo trẻ em cũ, nhưng sau này nhiều giáo viên, phụ huynh, người dân cũng mang đồ đến. Học sinh của trường đã quen với việc này.
"Có những hôm phụ huynh mang tới nhiều đồ, cô trò cùng treo áo lên mắc, hoặc gấp phẳng phiu để trong các túi ở trong tủ. Chúng tôi cũng muốn học sinh biết chia sẻ từ những việc giản dị thế thôi" - cô Thanh Hà nói.
Không gian lớp học của những đứa trẻ ở ngôi trường này có thể mở ra ở nhiều tình huống, trong vườn trường, khu chăn nuôi gà, trong nông trại.
Các thầy, cô giáo tâm niệm trẻ phải vui, thoải mái mới học tốt. Và những bài học không nhất thiết ở trong sách mà có ở khắp nơi ngoài cuộc sống, chỉ cần biết cách vận dụng.
Cô trò cùng chơi với nhau công bằng, vui vẻ
Tủ quần áo từ thiện được giáo viên và học sinh bổ sung quần áo đem tặng hằng ngày
Tình cô trò thắm thiết
Một cô giáo trong trường chia sẻ từ lâu rồi, trường chủ trương giới thiệu lại những trò chơi dân gian cho trẻ.
Mặc dù trường thực hiện lớp học thông minh ứng dụng CNTT, các em mang đến trường cả máy tính bảng nhưng giờ ra chơi hiếm có học sinh ngồi trong lớp chơi game hay dùng điện thoại mà đều ra sân.
Cách nhà trường thu hút học sinh là khuyến khích giáo viên cùng chơi với các em. Việc này không gượng ép, trái lại các cô rất hào hứng. Qua đó cô trò có tình cảm thân thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận