26/10/2013 02:31 GMT+7

400 bạn trẻ vào chung kết

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - Chỉ còn một vòng thi cuối, hội thi “Tự hào sử Việt” 2013 sẽ khép lại. Sân chơi này một lần nữa đã trở thành điểm hẹn của những bạn trẻ yêu lịch sử nước nhà.

H12mW84w.jpgPhóng to
Nhóm thí sinh Quận đoàn 11, TP.HCM cùng tham gia hội thi “Tự hào sử Việt” tại buổi khai mạc 28-9 - Ảnh: Thanh Đạm

400 gương mặt xuất sắc đã chiến thắng hàng chục ngàn thí sinh khác của cả nước để có mặt tại vòng chung kết phần thi trực tuyến.

Một tấm lòng với sử

Vốn là một học sinh giỏi sử của tỉnh Bình Phước thời phổ thông nên với Lê Đình Cường - sinh viên khoa giáo dục học ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM - cuộc thi về lịch sử như “cuộc dạo chơi với điều yêu thích”. Nhưng để chắc ăn, mỗi ngày anh chàng vẫn dành khoảng một tiếng để đọc tài liệu lịch sử củng cố kiến thức của mình.

Giáo viên toán của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tri (Bến Tre) Trần Quang Tứ cho biết tham gia hội thi vừa để kiểm tra kiến thức của mình, vừa là cách “làm gương cho học trò”. Phần đông học trò của anh không thích học sử nên khi kiêm nhiệm công tác Đoàn tại trung tâm, thầy Tứ chủ động sưu tầm tài liệu, cung cấp cho học trò rồi tổ chức tại trường các cuộc thi nho nhỏ, đố vui về lịch sử để “khơi gợi tình yêu của học trò với sử”.

Có thể tham gia hội thi vì nhiều lý do, song điểm chung nhiều thí sinh nhận ra chính là họ đã bổ sung vào kiến thức sẵn có của mình thêm nhiều vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Bạn Phạm Thị Trang (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Cũng từng thích học lịch sử nhưng theo chuyên ngành kinh tế hầu như không có bất cứ môn nào về sử nên kiến thức lịch sử cũng mai một ít nhiều. Bau đầu mình chỉ nghĩ thi để cộng điểm rèn luyện, nhưng sau mỗi đợt thi lại thấy mê vì biết thêm nhiều điều mới nên thi đủ bốn đợt luôn”.

Không biết sử dân tộc: buồn chứ!

Đang là thí sinh có kết quả tốt nhất sau bốn đợt thi, bạn Phan Duy Tú (ĐH An ninh nhân dân TP.HCM) đặt vấn đề: “Là người VN, lại là những công dân trẻ mà không biết chút ít lịch sử về mảnh đất mình sinh ra vậy coi sao được”. Với Tú, chỉ cần bớt chút thời gian tìm hiểu sẽ không thấy lịch sử quá khô khan như số đông từng nghĩ mà mỗi câu chuyện lịch sử đều có ý nghĩa, không chỉ cho chúng ta cảm giác tự hào về đất nước, dân tộc mình mà còn là cơ hội tự nhìn lại để bản thân cố gắng hơn.

Riêng với chàng sinh viên khoa lịch sử ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM Phạm Duy An, phải thay đổi cách trình bày sách giáo khoa lịch sử vì hiện khá gò bó, nặng về cung cấp kiến thức trong khi mỗi sự kiện đều có ý nghĩa, gắn với những bài học nhất định. “Chính ý nghĩa và những bài học rút ra mới làm cho câu chuyện lịch sử sống động và tạo nên giá trị của nó mà thường những điều ấy lại không được chú trọng, hoặc nếu có cũng trình bày khá qua loa trong sách. Theo tôi, đây chính là điều cần thay đổi sắp tới” - An nói.

Vòng chung kết phần thi trực tuyến

Từ 9g-11g hôm nay (26-10), vòng chung kết phần thi trực tuyến hội thi “Tự hào sử Việt” 2013 diễn ra, cũng là vòng thi cuối cùng để chọn những người chiến thắng. 400 thí sinh xuất sắc nhất sau bốn đợt thi vòng loại cùng tranh tài các nội dung: Dấu ấn lịch sử, Điểm son lịch sử, Hành trình lịch sử, Tầm nhìn lịch sử. Ngay sau khi hoàn tất các nội dung này, phần mềm sẽ chọn ngẫu nhiên một trong năm đề thi để các bạn viết bài tự luận không quá 1.500 từ trong thời gian 30 phút với số điểm tối đa 50 điểm.

Trong khuôn khổ hội thi này, các sản phẩm của phần thi thiết kế sản phẩm tuyên truyền về lịch sử VN đã được đưa lên mạng để bạn đọc bình chọn. Các bạn có thể vào địa chỉ để bình chọn cho các sản phẩm từ nay đến ngày 31-10.

___________

Đọc thêm:

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp