06/06/2018 16:29 GMT+7

4.0 và bệnh phong trào

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TTO - Mới đây, một doanh nhân ứng cử vào vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí, như là một cách tự giới thiệu về phương hướng hoạt động của mình để tranh cử.

4.0 và bệnh phong trào - Ảnh 1.

Thú thật, đó là một điều hết sức thú vị, cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, không ít người tham dự cuộc gặp này đã buông ra một câu: "Lại bệnh phong trào!". Phong trào gì? Đó chính là chuyện đi đâu cũng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, vị này trình bày về chủ đề "bóng đá thời cách mạng công nghệ 4.0".

Nhưng nội dung chỉ là giới thiệu một cái app để kết nối người hâm mộ với bóng đá, sao cho "một học sinh muốn tặng tiền cho U-23 cũng dễ dàng hơn".

Nhân câu chuyện này, chợt nhớ đến phát biểu của GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ) tại hội thảo chuyên đề Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018: "Cái đơn giản không làm, Việt Nam cứ nghĩ tới cách mạng 4.0 cao xa"!

Vâng, trong vòng gần một năm nay, chúng ta đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0". Giáo dục cũng 4.0, khoa học cũng 4.0, kinh tế cũng 4.0... và bây giờ tới thể thao cũng 4.0!

Trong một lần đến thăm Trung tâm vật lý y sinh, nơi TS Vũ Công Lập cùng các học trò của mình đang mày mò áp dụng công nghệ cùng các máy móc, thiết bị hiện đại nhập từ Đức về để ứng dụng vào việc dùng thể thao chữa bệnh, tôi đã ghẹo ông rằng "cái này có phải 4.0?". 

Ông cười lớn và bảo: "Thôi, cho tôi xin. Đời làm khoa học của tôi sợ nhất là bệnh phong trào. 

Trong khoa học công nghệ, không có đất cho chuyện phong trào, cho quan điểm đi tắt đón đầu đâu. Cái gì cũng phải từng bước một, xong cấp I mới học lên cấp II, rồi cấp III, đại học... Chỉ có những trường hợp ngoại lệ cho thiên tài mới nhảy cấp được. 

Tôi làm khoa học chỉ đặt ra cho mình một mục tiêu, đó là đừng để khoảng cách ngày càng bị kéo dài thêm, đó là hạnh phúc lắm rồi, trong thời đại mà các nước tiên tiến đã tăng tốc như vũ bão".

Nghe những phát biểu của những người làm khoa học chân chính như GS Trần Văn Thọ, TS Vũ Công Lập... mới giật mình khi nhìn lại chuyện ở nước mình: hiện tại đi đâu cũng nghe 4.0, bất kể đối tượng nghe là công nhân đang chạy ăn từng bữa, hay giáo viên đang trần thân đánh vật với tình trạng 50 học sinh/lớp... 

Năm ngoái đi đâu cũng nghe "khởi nghiệp", đến độ mấy sinh viên lập quầy cà phê "take away" cũng bảo "em đang startup", rồi xa hơn chút nữa là phong trào "nano", "công nghệ sinh học"...

Trong khi đó, nói như GS Trần Văn Thọ, hãy làm tốt những cái đơn giản và cần thiết; và khi làm tốt những điều "đơn giản" và "cần thiết" mới chính là bệ phóng để tiến xa hơn, đến những điều lớn lao hơn.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp