Phóng to |
Thầy Hoe trong lần trao nhà cho học sinh Thu Ngân lớp 11A5 năm 2013 - Ảnh: Do thầy Nguyễn Văn Cải cung cấp |
Người khởi xướng chính là thầy Lê Đình Hoe, nguyên hiệu trưởng nhà trường. 40 năm công tác của thầy như một cánh chim không mỏi vì trò nghèo...
“Không chỉ là thầy giáo, thủ trưởng mà với tôi thầy Lê Đình Hoe còn là cha, người gắn bó trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời” - thầy Nguyễn Văn Cải, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), bộc bạch. Hình ảnh thầy hiệu trưởng xin dây điện cũ của trường rồi vào tận nhà khảo sát, nghiên cứu, câu điện giúp học trò là hình ảnh thầy Cải không bao giờ quên được. Năm 1996 khi phát hiện hoàn cảnh của Cải, thầy Hoe, thầy Hiếu - trợ lý thanh niên lúc bấy giờ - cùng một số đồng nghiệp đã tận tình giúp Cải vượt qua khó khăn. Trước là điện đóm, sau là dụng cụ học tập, quần áo, học bổng và xe đạp để Cải yên tâm tới trường. Đến năm 2000 khi Cải đang học Trường ĐH Sư phạm, mẹ bệnh nặng điều trị tại Thủ Đức, nhà sập không ở được, thầy Hoe đã đứng ra kêu gọi mọi người xây nhà cho Cải.
Đó cũng chính là căn nhà đầu tiên trong 36 căn nhà đã được xây.
Từ cảm thông đến chia sẻ
"Nhìn nhà tranh, cái chòi biến thành ngôi nhà kiên cố, lòng tôi và các giáo viên hạnh phúc vô ngần. Bên cạnh đó, một ngôi nhà trao đi gói ghém cả tình thương, niềm tin yêu của xã hội dành cho các em, cho nên thành quả mà các em đạt được đã khiến chúng tôi cảm thấy việc làm của mình ý nghĩa. Khó khăn cũng có nhưng với chúng tôi mọi chuyện rồi sẽ qua. Có chăng là nhu cầu thì nhiều nhưng khả năng của chúng tôi chưa đáp ứng hết" ThầyLÊ ĐÌNH HOE |
Năm 2002, thầy Cải về Trường THPT Quang Trung công tác, hội khuyến học của nhà trường chính thức thành lập. Phong trào thầy cô xây nhà tình thương cho học sinh nghèo lúc ấy chưa ở đâu có, nhưng thầy Hoe và tập thể giáo viên đã vận động mọi người xây và sửa ba căn nhà cho học sinh. Từ những căn nhà 5 triệu đồng đến những căn nhà khang trang hơn trị giá 85 triệu đồng.
Từ năm 2000 đến nay, đều đặn mỗi năm 1-2 căn nhà được hoàn tất và trao tặng cho nhiều mảnh đời. Không chỉ riêng Trường THPT Quang Trung, học sinh các trường thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng được thầy và mọi người giúp đỡ. Tiếng lành đồn xa, các phụ huynh thường chia sẻ vui với các học trò nghèo: “Nếu chưa có nhà thì ráng học đi, vô Trường Quang Trung từ từ sẽ có”.
Thầy Hoe tâm sự: “Bản thân tôi cũng là người mồ côi cha từ nhỏ nên phần nào hiểu khó khăn của học sinh. Các em phải sống trong nhà tranh, cha mẹ bệnh tật hoặc không còn cha mẹ, gạo không có để ăn huống gì có tiền đóng học phí. Nhưng hơn hết, ý thức vươn lên, tinh thần lạc quan của các em đã khiến tôi và các đồng nghiệp trăn trở. Tặng sách vở, cấp học bổng chỉ là giải pháp tạm thời, phải làm sao để các em có một mái nhà kiên cố, an cư lạc nghiệp mới là việc lâu dài”.
Từ chia sẻ đến nhân rộng cho đến hôm nay
Gần 1,1 tỉ đồng Tính từ năm 2000 bắt đầu triển khai mô hình này đến tháng 6-2014, thầy Hoe, thầy Cải cùng với tập thể cán bộ giáo viên, nhất là ban chấp hành hội khuyến học của Trường THPT Quang Trung đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ và xây tặng 36 căn nhà tình thương trị giá gần 1,1 tỉ đồng. Trong đó xây tặng HS Trường THPT Quang Trung: 29 căn, HS trường bạn trong huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn: 7 căn (THCS Phước Thạnh 2, THCS Trung Lập 2, THPT Củ Chi 2, THPT Nguyễn Văn Cừ - H.Hóc Môn 1). Ngoài ra, thầy Cải còn vận động Đài truyền hình TP.HCM xây hai ngôi nhà mơ ước tặng em Nguyễn Thị Kiều Phương - HS lớp 10A2 và em Giang Nguyễn Thúy Hằng - HS lớp 11A1 (năm học 2012-2013). |
Thầy Hoe đã nghỉ hưu vào tháng 6-2013. Đến nay, thầy vẫn là chủ tịch hội khuyến học của trường. Tháng 3-2013, thầy phải vào bệnh viện mổ sỏi thận nhưng thầy xin các bác sĩ hoãn mổ một tuần để sắp xếp công việc. Trong đó, việc quan trọng với thầy là hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng cho kịp bàn giao ba căn nhà, giúp học sinh có chỗ ở ổn định trước khi vào mùa mưa bão.
Ca mổ diễn ra tốt đẹp, đúng một tuần sau thầy vẫn có mặt để trao tặng và chung vui với mọi người. Năm 2013, hội khuyến học của nhà trường đã trao được 14 căn nhà tình thương cho học sinh trong và ngoài trường. Hiện nay căn nhà thứ 37 và 38 đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công.
Thầy nói: “Nếu chỉ có mình tôi thì không thể nào làm được. Các thầy cô, học sinh của Trường Quang Trung đã chung tay và đồng lòng để làm nên những điều tuyệt vời. Mạnh thường quân khắp nơi cũng thấy được hành động ý nghĩa của mình nên tin yêu, quyên góp hết sức. Đó là điều mà tôi quý nhất, trân trọng nhất”.
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lên danh sách hoàn cảnh của từng học sinh nhằm phát hiện những trường hợp khó khăn. Sau đó Đoàn thanh niên, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khảo sát, ghi nhận, báo cáo cho nhà trường và đề xuất mức độ cần hỗ trợ. Trường hợp miễn giảm học phí, cấp học bổng, tặng quần áo, dụng cụ học tập nhà trường sẽ trích từ quỹ của hội khuyến học.
Những trường hợp học lực khá giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhu cầu về nhà ở, nhà trường sẽ tham mưu và kiểm tra kỹ lưỡng. Từ đó, các thầy cô đi vận động từ mọi nguồn, mọi mối quan hệ để giúp đỡ các em. Chưa hết, chính thầy Hoe là người phác thảo bản vẽ của nhiều ngôi nhà để vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu của gia đình. Khi nhà khởi công, vài bữa thầy lại đến xem mọi người làm để chia sẻ, chỉnh sửa nếu cần thiết.
Cô Trần Thị Kim Liên, giáo viên ngữ văn Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp thành phố năm 2012 - chia sẻ: “Căn nhà mà thầy Hoe và mọi người đã vận động xây tặng gia đình tôi vào năm 2003 có ý nghĩa rất lớn. Nó đã cứu giúp kịp thời, là động lực khiến cha mẹ và bốn anh chị em vượt qua mọi khó khăn.
Không chỉ thế, vào thời điểm đó tôi không phải đóng một khoản chi phí nào, ngược lại thầy Hoe và thầy Cải luôn động viên, tiếp thêm sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù là hiệu trưởng nhưng thầy rất gần gũi, quan tâm đến từng hoàn cảnh của học sinh. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của thầy - châm ngôn của Trường THPT Quang Trung: “Không bao giờ để học sinh nghỉ học vì nghèo”, thật sự điều này đã được duy trì đến tận hôm nay”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận