Phóng to |
Kỷ vật |
Hang đá gọi tên
Đất nước hòa bình. Chiến tranh đã lùi xa. Rồi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng phải gánh vác lo toan chuyện công tác, việc gia đình, anh em đồng đội đều thấy mình như còn một món nợ với những người đã khuất. Năm 1992, một số anh em cùng nhau trở lại chiến trường xưa, cố tìm cho được nơi các đồng đội thân yêu ngã xuống. Mấy chục năm đã qua, cảnh vật đổi thay quá nhiều.
Dù là trở lại nơi mình đã thuộc từng tảng đá, từng con khe, mình từng đi mòn đường chết cỏ, cuộc trở về nguồn với bao nhọc nhằn vất vả, đành chấp nhận dừng một nơi mà anh em tin rằng không xa nơi các anh chị nằm xuống. Một tấm bia được gắn ở đó, 5 nắm đất ở đó được đưa vào 5 chiếc hòm gỗ nhỏ, trong 5 ngôi mộ trân trọng đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.
Thời gian trôi đi, biết bao buồn vui, cay đắng ngọt bùi, song nỗi nhớ, niềm thương những người đã hi sinh ngày càng đau đáu, day dứt. Gia đình liệt sĩ Hoàng Kim Tùng (quê Quảng Trị, giáo viên cấp III vật lý, ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu, bí thư chi bộ tiểu ban tuyên truyền - báo chí, người chèo lái cơ quan phía trước qua bao sóng gió) có nguyện vọng tha thiết: “Thôi anh ấy đã yên nghỉ trong hang đá, yên phận anh ấy. Các đồng đội của anh Tùng hãy làm sao để con trai của anh ấy được đến nơi cha cháu nằm xuống”.
Anh Tùng vào chiến trường năm 1965, để lại hậu phương Hải Phòng người vợ trẻ đồng nghiệp và cùng quê, với con trai đầu lòng mới lẫm chẫm đi từng bước nhỏ. Cháu Tuấn Anh thường được bố Tùng gọi là Hờ Ru, anh đặt theo tên con của anh hùng Núp trong “Đất nước đứng lên”, nay Hờ Ru đã là một cán bộ chủ chốt của Sở Lao động - thương binh và xã hội Quảng Trị. Tuấn Anh Hờ Ru đã có một trai, một gái. Hờ Ru đặt tên con trai là Duy để cả nhà luôn nhớ tới Duy Xuyên, mảnh đất thiêng nơi liệt sĩ Tùng hi sinh.
Mùa hè năm 2009 cả gia đình Hờ Ru cùng với nhiều đồng đội của anh Tùng và các phóng viên ở báo Đà Nẵng đã lội suối, trèo đèo gần một ngày dưới trời nắng chang chang, nhưng không tìm được địa chỉ đỏ, cuối cùng đành phải đặt cả mâm lễ vật một góc núi, thắp hương mong hồn thiêng anh Tùng về chứng giám lòng thành và những nỗ lực không thành của tất cả.
Và rồi Hoàng Hữu Nam, con của liệt sĩ Hoàng Quốc Thăng (quê Hải Dương, người phụ trách đài minh ngữ của Thông tấn xã giải phóng Quảng Đà - một bộ phận của Ban Tuyên huấn, một chiến sĩ báo vụ rất vững tay nghề và hết sức có trách nhiệm, một người anh luôn thương yêu mọi đồng chí trong cơ quan, đã hi sinh trong hang đá cùng với chiếc máy phát điện quay tay 15W, phương tiện bất ly thân của anh), sau nhiều năm trong quân đội, canh cánh bên lòng tiếng gọi tìm cha, đã xin xuất ngũ, băng bộ vào Quảng Nam - Đà Nẵng đi khắp nơi, gặp nhiều người vẫn không lần ra manh mối.
Phóng to |
Cất bốc hài cốt liệt sĩ tại khu căn cứ Hòn Tàu, Duy Xuyên - Ảnh: LÊ VĂN THỌ |
Những nguyện vọng khắc khoải và mạnh mẽ ấy trở thành lời thúc giục càng làm đồng đội của các liệt sĩ thấy nhất thiết phải đi đến tận nơi, phải tìm cho thấy những gì cần thiết nhất. Lạ lùng thay, những người nay tuổi đã khá cao, có người là thương binh, có người mang đủ bệnh đều hăng hái vào cuộc.
Món nợ ân tình
Có anh chỉ nghe tin mọi người đang làm việc nghĩa tình vội vàng tìm đến, chia sẻ gánh vác. Tất cả đều hẹn với nhau và nguyện với người đã khuất đây là trận cuối cùng, nhất định thắng lợi. Đã có đến hơn 10 chuyến đi, anh em rà đi rà lại xung quanh tọa độ ấy và cuối cùng đã xác định được đúng nơi 10 đồng đội hi sinh đêm 21-5-1972 với hang đá định mệnh, ngôi mộ chung của 5 người và vạt đồi nơi đã chôn cất 5 người.
Một lễ truy điệu cảm động được diễn ra ngay tại nơi máu các anh chị đỏ thắm một góc rừng.
Một tấm bia khắc rõ tên 10 người con yêu của Tổ quốc được gắn trên vách núi ngay tại đó. Con và cháu liệt sĩ Tùng, con liệt sĩ Thăng đều có mặt. Mọi người đã thắp những nén hương, tất cả đều như nói với những người đã khuất “Chúng tôi đã đến đây với các đồng chí. Có đến đây chúng tôi mới hình dung được phần nào gian khổ, hi sinh của các đồng chí và biết mình phải làm gì trong cuộc sống hôm nay”.
Như được hồn thiêng của các liệt sĩ phù trợ, anh em đồng đội đã hoàn thành việc cất bốc hài cốt 4 liệt sĩ đưa về các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà chu đáo (hài cốt liệt sĩ Phô đã được gia đình chuyển về ít lâu sau ngày giải phóng). Em gái của liệt sĩ Lê Thị Toán từ Cam Ranh, em trai của liệt sĩ Võ Văn Ấn từ TP.HCM, em trai của liệt sĩ Tân từ Gò Nổi đều có mặt tham gia cất bốc di dời, một việc mà ai cũng mong được làm suốt gần 40 năm qua.
Vấn đề duy nhất còn lại là làm thế nào tìm lấy được hài cốt của 5 liệt sĩ đang chìm sâu trong hang dưới những khối đá lớn. Với sự chủ trì của Sở Lao động - thương binh và xã hội, một phương án khai quật để cất bốc được thảo luận và thống nhất. Các chiến sĩ công binh sẽ dùng mìn phá khối đá lớn nhất trên đỉnh hang, sau đó anh em lao động chẻ đá ở địa phương (xã Duy Sơn) tiếp tục chẻ phá dỡ thủ công để làm lộ ra nơi các chiến sĩ hi sinh.
Khi tôi viết những dòng chữ này, các anh ở Duy Sơn điện về cho biết đã tiếp cận với hang đá, nơi các anh Tùng, Thăng, Tiệp, Vinh, Thu hi sinh và đã tìm lượm được một máy phát điện quay tay 15W (của đài minh ngữ), một máy chiếu phim, hai hộp đựng phim nhựa, một chiếc biđông, một chiếc lược, một chiếc dép rọ cùng mấy chiếc răng có thể là của anh Thăng bởi gần đó là chiếc đồng hồ Orient được xác định là của anh và mấy mẩu xương.
Chúng tôi không bao giờ nghĩ sẽ thấy những bộ hài cốt của từng người nằm gọn một chỗ, bởi đã gần 40 năm, thời gian, mưa lũ, những khắc nghiệt của khí hậu ẩm nóng. Nhưng không ngờ “của tin còn một chút này làm ghi” lại nhỏ nhoi, ít ỏi đến như vậy. Công việc tìm kiếm, thu lượm còn bao nhiêu ngày nữa mới đến hồi kết thúc đây? Chúng tôi sẽ nhờ các nhà khoa học xác định ADN để biết rõ từng mẩu xương là của ai...
Cho dù với những gì nhỏ nhoi ít ỏi ấy, giờ đây chúng tôi cũng đã cảm thấy thanh thản phần nào. Và rồi câu hỏi lớn, món nợ lớn gần 40 năm qua cứ luôn nhắc nhở chúng tôi. Một món nợ ân tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận