29/03/2008 05:29 GMT+7

40 năm sau cái chết của Yuri Gagarin: Vì sao ủy ban điều tra không giải mật kết quả?

NG.THANH trích lược
NG.THANH trích lược

TT - 40 năm sau cái chết bí ẩn của Yuri Gagarin (27-3-1968 - 27-3-2008), nhật báo Sự Thật Komsomol (KP) đã đăng một tư liệu khá súc tích về các giả thiết quanh cái chết của phi hành gia đầu tiên trên thế giới này.

6aZtLISN.jpgPhóng to

Thi thể không còn, tại tang lễ, những người tới viếng chỉ có thể chia tay với các hũ đựng tro của hai phi công Ảnh: KP

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tư liệu dựa trên hồ sơ thu thập trong tám năm của Igor Kuznhetsev, chuyên gia về thiết bị hàng không.

Năm 1968, Igor Kuznhetsev có mặt trong tiểu ban kỹ thuật điều tra về nguyên nhân tai nạn của chiếc Mig15UTI mà Gagarin và Seregin bay tập. Viên thiếu tá 33 tuổi này thuộc đơn vị 13 của Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô (đơn vị này lúc đó nắm các phương pháp hiện đại nhất trong điều tra tai nạn hàng không). Năm 2000, Kuznhetsev đã tự nguyện trở lại tìm hiểu bi kịch bí ẩn này. Bài viết của KP dựa trên lời kể của chính Kuznhetsev.

Đào nát rừng trong bán kính 3km

292iloCr.jpgPhóng to
Bức ảnh cuối cùng của Gagarin, được cho là chụp vào ngày 27-3-1968, trước khi chiếc Mig15UTI cất cánh
Tiểu ban của Kuznhetsev trực thuộc "Ủy ban chính phủ làm sáng tỏ các hoàn cảnh dẫn tới cái chết của phi công vũ trụ Liên Xô, anh hùng Liên Xô đại tá Y. Gagarin và anh hùng Liên Xô, kỹ sư đại tá V. Seregin" (Ủy ban điều tra - UBĐT). UBĐT được thành lập theo quyết định của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô một ngày sau khi tai họa xảy ra, 28-3-1968. Nó gồm bốn tiểu ban:

- Tiểu ban nghiên cứu việc chuẩn bị chuyến bay (tiểu ban bay).

- Tiểu ban nghiên cứu và phân tích các vật liệu của máy bay Mig15UTI (tiểu ban kỹ thuật).

- Tiểu ban đánh giá tình trạng phi công trước và trong chuyến bay, nhận dạng người chết (tiểu ban y khoa).

- Tiểu ban KGB, theo "tuyến của mình" điều tra liệu tai họa có phải là kết quả của một âm mưu, khủng bố.

Nếu tin vào những điềm báo thì có thể nói ngày 27-3 đó đã có những dấu hiệu của một ngày không may mắn. Đầu tiên, ôtô của Gagarin bị hỏng và ông phải tới sân bay Chkalov bằng xe buýt. Nhưng khi đã ngồi trên xe buýt rồi, Gagarin mới phát hiện quên mang thẻ ra vào cổng.

Các phi công đi cùng thuyết phục ông: "Không sao đâu, ai ở sân bay chẳng biết mặt cậu!". Tuy nhiên, Gagarin vẫn trở lại để lấy thẻ. Các phi công vẫn cho rằng đang đi mà phải quay trở lại luôn là điềm gở. Họ thuyết phục ông hoãn chuyến bay tập ấy lại hôm sau, nhưng Gagarin từ chối.

Seregin cũng có một buổi sáng chẳng vui vẻ hơn sau cuộc nói chuyện không thoải mái lắm với sếp của trung tâm huấn luyện là tướng Kuznhetsev. Seregin bị sếp phê bình do các kết quả khám sức khỏe của ông trước chuyến bay tập. Ông đã lên máy bay với gương mặt dàu dàu.

Và hầu như người của tất cả các tiểu ban này không bỏ qua tấc đất nào nơi máy bay rơi xuống. Hãy tưởng tượng cánh rừng rậm ở Kirzhak cuối tháng ba lạnh lẽo, tuyết cao tới thắt lưng. Chiếc hố do vụ tai nạn tạo ra sâu 6m.

Cú va đập mạnh tới nỗi chiếc máy bay 5 tấn tan tành thành những mảnh vụn, như một chiếc bình pha lê rơi trên mặt sàn bêtông. Các chi tiết của chiếc Mig15UTI bị chìm lẫn trong tuyết và bụi bặm. Binh sĩ cứ thay phiên nhau quần nát cánh rừng, trong phạm vi bán kính 3km quanh chiếc hố. Tại nơi máy bay rơi, người ta rây đất bằng một cái sàng nhỏ. Thật kinh ngạc: người ta đã thu thập tới 90% mảnh vỡ của chiếc máy bay (thông thường, tìm được 40-60% đã được coi là thành công).

Lúc đầu, những người tìm kiếm xác máy bay được lưu ý tìm những mái vòm trắng của hai chiếc dù phi công, nhưng không ai tìm thấy chúng. Sau đó, chiếc hố mới được phát hiện sâu trong rừng rậm. Sáu giờ sau, khu vực xung quanh bị phong tỏa. Các chuyên gia đầu tiên tới hiện trường vô cùng kinh ngạc: không thấy dù trên mảnh xác phi hành đoàn! Các dây đai dù không bị xé rách mà được chủ tâm cắt đi.

Sáu giả thiết

Giả thiết 1: Khủng bố. Nếu không thì làm cách nào giải thích việc hai chiếc dù với dây bị cắt này? Ít ai biết rằng chỉ ba ngày sau, các mật vụ KGB đã tìm thấy các mảnh dù tại một trong những ngôi làng lân cận (ít người biết chỉ vì vào thời điểm đó, công việc của tiểu ban này cực kỳ bí mật. Không một thông tin nào bị rò rỉ, thậm chí các kỹ sư trong cùng tiểu ban cũng không được phép thảo luận với nhau các kết quả). Có thể trước khi quân đội phong tỏa khu vực, những kẻ hôi của từ làng lân cận đã cắt những mảnh vải dù rất có lợi cho công việc đồng quê.

Giả thiết 2: Ngay sau đó, người ta cho rằng máy bay Gagarin đã va phải chim và bị bổ nhào. Các nhà điểu cầm học được mời tới đã phủ nhận khả năng này.

Giả thiết 3: Hai phi hành gia say? Quả thật, hai ngày trước tai nạn, Gagarin và Seregin có uống rượu tại tiệc sinh nhật ở Trung tâm huấn luyện phi hành gia Kryshkevich. Nhưng từ ngày 26-3, cả hai không uống giọt nào.

Giả thiết 4: Sự vô trách nhiệm. Thật đáng buồn là trong giả thiết này có một phần sự thật. Chiếc Mig15UTI đó không có hộp đen. Thay vào đó có các máy tự động ghi lại các vận tốc và độ cao của máy bay. Vào ngày hôm đó, người ta lại quên lắp giấy vào các máy tự động này!

Có hai máy vô tuyến định vị theo dõi chuyến bay. Một có nhiệm vụ theo dõi hướng bay, cái kia là độ cao. Điều này rất quan trọng bởi cùng lúc trong cùng một khu vực. Với chiếc Mig15UTI có tới bảy máy bay đang bay ở các độ cao khác nhau. Vào ngày hôm đó, máy vô tuyến định vị chiều cao lại không hoạt động, còn màn hình của vô tuyến theo dõi hướng bay lại không chụp ảnh sau mỗi 30 giây như qui định. Có phải là những chi tiết vụn vặt không? UBĐT xác định những chi tiết này không ảnh hưởng tới chuyến bay tập. Nhưng chính việc thiếu máy ghi tự động và vô tuyến định vị chiều cao đã ngăn trở các chuyên gia vẽ nên bức tranh chính xác của thảm họa.

Giả thiết 5: Một trong những nhà nghiên cứu uy tín của vụ tai nạn, trung tướng Sergei Mikhailovich cho rằng chiếc Mig15UTI đã rơi vào luồng xoáy của chiếc máy bay khác bay ngang, mất kiểm soát, bị rơi xoắn ốc và đâm xuống đất. Một phi hành gia nổi tiếng khác là Aleksey Arkhipovish Leonov cũng ủng hộ giả thiết này. Nhưng không ai đưa ra được bằng chứng.

Giả thiết 6: Phi hành gia Gherman Titov nói chiếc máy bay đã va phải một khinh khí cầu thời tiết mà thời đó thường được thả để thu thập dữ liệu thời tiết. Ông giả định chiếc khinh khí cầu này đã va vào đèn của máy bay làm máy bay bị giảm áp và bổ nhào. Quả thật binh lính có tìm thấy khoảng 10 chiếc khinh khí cầu thời tiết trong khu vực máy bay rơi. Nhưng các kỹ sư cũng tìm được 94% kính bọc đèn của máy bay sau khi ráp nối những mảnh vỡ lại với nhau. Nếu kính bị vỡ ở một độ cao nào đó, các mảnh vỡ này lẽ ra đã không nằm chung trong hố. Vì thế, có thể kết luận kính đèn không bị vỡ trên không.

Như vậy, có thể các thông tin đến nay vẫn còn giữ bí mật chỉ vì UBĐT không có gì để thông báo cả. UBĐT đã xem xét hầu như tất cả: từng chiếc đinh vít, mảnh kính tới từng mẩu quần áo. Họ cũng tính toán vận tốc mà máy bay trở về mặt đất, góc nghiêng và khả năng thoát khỏi máy bay trong tình trạng bổ nhào. Nhưng tất cả các sự kiện này lại không gặp nhau trong một bức tranh chung, nên không thể có một kết luận đơn giản. Trên cơ sở kiến thức khi đó, bài toán không thể giải được. Nhưng chẳng lẽ thừa nhận UBĐT không thể nào tìm ra sự thật? Có lẽ không còn cách nào tốt hơn là khép lại hồ sơ và giấu dưới từ "Tuyệt mật".

Kỳ tới: 29 giây cuối cùng của chuyến bay

NG.THANH trích lược
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp