05/01/2019 12:55 GMT+7

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 4: Hồi sinh Phnom Penh

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - "Những người trẻ thời nay có thể không biết, nhưng thế hệ người dân Campuchia trực tiếp trải qua chết chóc, đổ nát ở Phnom Penh năm 1979 chắc chưa quên từng đoàn xe tải chở gạo từ TP.HCM sang".

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 4: Hồi sinh Phnom Penh - Ảnh 1.

Y bác sĩ Việt Nam tình nguyện khám chữa bệnh ở Phnom Penh - Ảnh tư liệu NVT

"Nhìn dân bạn đói lả, húp xì xụp từng chén cháo từ gạo của Việt Nam viện trợ mà lòng chúng tôi thắt lại", nhiều năm đã trôi qua, những người trong đoàn chuyên gia A50 của TP.HCM vẫn chưa quên kỷ niệm giúp Phnom Penh hồi sinh sau cuộc hủy diệt tàn bạo của tập đoàn Pol Pot.

“Quân đội Việt Nam đã cứu đất nước chúng tôi, còn anh Triệu đã cứu đời tôi!

Tiến sĩ B.M.

TP.HCM có gì, Phnom Penh có đó

35.000 tấn gạo từ TP.HCM được 400 xe tải vận chuyển nhiều lượt sang Phnom Penh ngay trong những ngày đầu thủ đô của Campuchia vừa được giải phóng khỏi ách cai trị của Pol Pot. 

Ngoài ra, TP.HCM còn gửi khẩn cấp thêm 2.000 tấn thực phẩm, 21.000 tấn lúa giống và 1.000 tấn bắp, rau màu giống giúp người dân nước bạn vượt qua nạn đói. Đặc biệt, càng có ý nghĩa khi cùng thời điểm này Việt Nam phải ăn độn cả bo bo, khoai mì trừ cơm...

Đến giờ, nhiều thành viên cao tuổi trong đoàn chuyên gia A50 đã mất, nhưng nhiều người còn sống vẫn nhớ ngay khi Phnom Penh vừa được quân tình nguyện Việt Nam giải phóng, họ đã lên đường sang đấy. 

Trưởng đoàn đầu tiên là ông Chín Lê, tức Lê Đình Nhơn, phó chủ tịch UBND TP.HCM. Khoảng 1.000 thành viên của đoàn với nhiều lượt đi bao gồm chuyên gia các sở ngành, đoàn thể, công an, quân sự... Trong đó, nhiều người từng là Việt kiều Campuchia, rất thông thạo địa bàn.

Nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của đoàn A50 TP.HCM là "cứu đói, cứu đau" dân nước bạn. "Tại các cửa ngõ vào thành phố Phnom Penh hoang tàn, đoàn A50 đặt các bàn tiếp nhận người dân từ nông thôn đổ về. 

Sau khi ghi tên, họ được lo ngay ăn uống để phục hồi sức khỏe rồi điều trị bệnh tật, phục hồi hậu quả chiến tranh" - ông Nguyễn Văn Triệu, một trong những thành viên đầu tiên của đoàn chuyên gia TP.HCM sang giúp bạn, cho biết.

Sau ưu tiên "cứu đói, cứu đau", đoàn A50 tiếp tục nhiệm vụ khôi phục sản xuất lương thực ở nông thôn, khôi phục công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở thành phố. Đồng thời, họ giúp thủ đô Phnom Penh một công việc rất quan trọng là xây dựng lại hệ thống quản lý xã hội mới...

Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Bộ Tổng tham mưu, chứng nhân ở Campuchia, kể: "Sau máu xương của người lính Việt đổ xuống giúp nhân dân bạn thoát nạn diệt chủng, nhiệm vụ các đoàn chuyên gia tình nguyện là vô cùng quan trọng. Họ phải hồi sinh các "thành phố ma", những "cánh đồng chết", hồi sinh những con người may mắn còn sống nhưng kiệt cùng cả sức khỏe lẫn tinh thần".

TP.HCM có cái gì thì mang sang Campuchia giúp bạn cái đó. Hiếm ai nghĩ chỉ đến ngày 25-1-1979, chưa đến 20 ngày sau khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh, các chuyên gia của Công ty Cấp nước TP.HCM đã khôi phục được hệ thống nước sạch ở đây. 

Cuối tháng 1, thủ đô Campuchia lại sáng ánh điện với sự giúp đỡ của các chuyên gia điện lực Việt Nam. Đặc biệt, cảnh sát cứu hỏa TP.HCM cũng được điều khẩn cấp sang để giúp bạn. Có ngày xảy ra hàng chục vụ cháy vì người dân bất cẩn lẫn tàn quân Pol Pot phá hoại khiến họ phải làm việc bất kể ngày đêm. 

TP.HCM còn cử sang hàng trăm công nhân vệ sinh để làm sạch và sửa sang bộ mặt của thủ đô nước bạn. Ngày ngày họ phải quét rác ở đường phố Campuchia...

Trong khi các chuyên gia từ Sở Y tế TP.HCM làm việc đến kiệt sức để giúp khôi phục hệ thống y tế và bệnh viện ở Phnom Penh, thì các cán bộ giáo dục Việt Nam cũng tận tụy khôi phục ngành giáo dục. 

Đại tá quân y Vũ Giáp, có mặt ở nước bạn ngay từ những ngày đầu, nhớ lại: "Các giáo viên ở Campuchia thời điểm đó chính là các Việt kiều biết tiếng Khmer từ Sài Gòn sang, do đội ngũ thầy cô giáo của Campuchia đã bị Khmer Đỏ giết hại gần hết".

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 4: Hồi sinh Phnom Penh - Ảnh 3.

Các chuyên gia tình nguyện TP.HCM giúp nhà máy điện Phnom Penh hoạt động lại - Ảnh tư liệu NVT

"Anh đã cứu đời tôi"

"Hồi mới đặt chân qua Campuchia, chúng tôi liên tục bị sốc. Sự bạo tàn của tập đoàn Pol Potkinh khủng quá. Không chỉ thảm sát con người, chúng còn hủy diệt tất cả những gì có thể giúp người ta sống được. Tất cả đều là màu chết chóc, cháy trụi, đổ nát. Phải bắt đầu lại như thế nào đây?" - ông Nguyễn Văn Triệu, chuyên gia Sở Thủy sản TP.HCM, từng ở giúp Campuchia đến 10 năm, cho biết họ đã đối diện vô vàn cái khó khi đặt chân vào Phnom Penh thời điểm ấy.

Một ngày giữa tháng 1-1979, ông Triệu đang ngồi ở bàn tiếp nhận dòng người lếch thếch trở lại Phnom Penh thì một người đàn ông Khmer tiều tụy nhưng vẫn lộ nét điềm đạm, trí thức tìm đến. Thấy ông Triệu không nói được tiếng Khmer, ông ta chuyển sang nói tiếng Pháp với ông Triệu. Đó chính là tiến sĩ B.M., học ngành thủy sinh học từ Pháp về.

Năm 1975, tin lời Pol Pot kêu gọi trí thức Khmer về giúp đất nước, ông đã bỏ việc ở Paris để bay về. Nhưng vừa đến phi trường, vị tiến sĩ này đã nhận lấy nòng súng AK của quân Pol Pot chĩa ngay vào mình. 

Chúng đốt tất cả hành lý của ông rồi phát cho bộ đồ đen, lùa ông lên xe tải chở thẳng về một cánh đồng cách xa Phnom Penh. Ở đó, ngày ngày ông phải đi hốt phân bò, trồng rau. Những người trong đội sản xuất của ông lần lượt bị lính Pol Pot đem đi giết.

Khi tiến sĩ B.M. đến ngày xếp hàng để bị đập đầu, đạp xuống hố thì quân tình nguyện Việt Nam đánh đến. Quân Pol Pot bỏ chạy. Được tự do, ông tìm đường đi bộ về Phnom Penh. "Nghe tiến sĩ B.M. tâm sự nghề chuyên môn của mình mà tôi mừng lắm. 

Tôi mời ngay ông ta về làm trưởng phòng thủy sản ở Sở Nông nghiệp mà đoàn A50 mới giúp Phnom Penh tái lập". Về sau, chính ông Triệu cũng là người gửi thư qua tận trường đại học Pháp để nhờ xác nhận bằng cấp của vị tiến sĩ này, khi ông được tiếp tục bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp cao của Campuchia. 

Sau này, mỗi lần có dịp gặp lại, vị tiến sĩ này lại nói với ông Triệu cái câu quen thuộc: "Quân đội Việt Nam đã cứu đất nước chúng tôi, còn anh Triệu đã cứu đời tôi!".

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 4: Hồi sinh Phnom Penh - Ảnh 4.

Trường học được TP.HCM giúp mở lại ở Phnom Penh ngay đầu năm 1979 - Ảnh tư liệu NVT

Hồi sinh cuộc sống trẻ em

Trong năm 1979, thủ đô Campuchia đã khôi phục được 40 trường học vang lại tiếng cười của học sinh. 1.006 thầy cô giáo với 800 lớp học đã dạy dỗ 43.000 học sinh Campuchia vừa trở về từ cõi chết.

Hậu quả tập đoàn Pol Pot để lại khiến rất nhiều trẻ em mồ côi khốn cùng nên các chuyên gia ngành giáo dục, y tế, thanh niên, phụ nữ từ TP.HCM đã làm việc ngày đêm để mở cho bạn sáu cơ sở nuôi dạy trẻ bất hạnh.

Gần 2.000 trẻ thơ đã vượt qua đói, bệnh và được học hành từ những tấm lòng tình nguyện này.

40 năm giải cứu Campuchia - kỳ 3: Người bạn tình nghĩa

TTO - Sau ngày 7-1-1979, tàn quân Khmer Đỏ bị đánh bật khỏi Phnom Penh đã kéo về các tỉnh vùng xa, vùng rừng núi, những vùng giáp Thái Lan để nuôi dưỡng lực lượng.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp