Bộ đội tình nguyện Việt Nam cứu giúp và đưa người dân Caampuchia trở về quê cũ sau thời gian dài bị quân Pol Pot lùa vào các trại lao động khổ sai - Ảnh Tư liệu QK9
Tôi nhìn cách cứu chữa cho quân thù, cho họ ăn uống mà học hỏi, dù rằng tôi biết Việt Nam đâu có dư dả gì. Muốn kết thúc chiến tranh, chấm dứt hận thù thì nên đối xử bằng lòng bao dung
Ông DOI SƠI
Đến đâu, Khmer Đỏ cũng bắt dân làm con tin. Khi bộ đội Việt Nam có mặt thì người dân không còn đơn độc nữa, họ đã sát cánh cùng lính tình nguyện để đánh quân Pol Pot.
Người mang tên Doi Sơi
Khi hỏi về những người bạn cùng chiến tuyến với bộ đội Việt Nam đánh Khmer Đỏ, thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 9) nói: "Muốn biết vùng đất đó như thế nào, muốn biết tấm lòng của bạn thế nào, hãy tìm ông Sởi".
Ông Doi Sơi, mà người Việt quen gọi ông Sởi, nguyên phó tỉnh trưởng tỉnh Koh Kong này, đã kể lại bằng chính cuộc đời ông, về sự sợ hãi và khát vọng đấu tranh của người dân Campuchia phải sống dưới ách cai trị Khmer Đỏ.
Khi tiếp khách Việt Nam thì ông Doi Sơi nói tiếng Việt, bằng chất giọng miền Bắc với những câu từ gọn gàng. Ông là người được nể trọng trong vùng, bởi những gì ông đã sống và làm cho người dân ở vùng biển xa xôi này.
Chúng tôi biết ông qua lời kể của các sĩ quan từng chiến đấu và giúp người dân các tỉnh phía Nam Campuchia.
Ông Doi Sơi nói: "Ơn nghĩa của Việt Nam còn lớn hơn ơn cứu mạng. Bởi cứu sống người dân rồi, bộ đội Việt Nam còn tiếp tục nuôi ăn chúng tôi trong thời gian khó khăn nhất".
"Khmer Đỏ thì lùa dân vào rừng bỏ đói, bộ đội Việt Nam giải cứu dân rồi cho ăn uống, thuốc men... Khmer Đỏ giả dân để xin gạo, xin thuốc. Ăn no rồi thì chúng đánh lén bộ đội. Như người ta là không giúp nữa nhưng Việt Nam vẫn giúp.
Các anh tổn thất nhiều lắm nhưng vẫn giúp chúng tôi. Chứ các anh mà đánh Phnom Penh xong rồi bỏ về nước ngay thì chúng tôi chết hết" - giọng run run, người chiến binh già Campuchia vẫn liên tục nhắc về những gì bộ đội giúp cho người dân Koh Kong của ông.
Nhắc chuyện 40 năm trước, ông Sởi nói ông nhớ tất cả như mới vừa hôm qua. "Người ta nói người cao tuổi hay sống bằng ký ức. Nhưng tôi không đợi lúc này mới nhớ, mà phải luôn nhớ vì ơn nghĩa. Ơn nghĩa của người Việt Nam không chỉ dành cho riêng tôi mà còn cho mọi người dân ở đây".
Tìm đến với Việt Nam
Theo ông Doi Sơi, gia đình ông có nhiều người là cộng sản. Nhưng từ tháng 4-1975, khi quân Khmer Đỏ giải phóng Koh Kong, nhìn cái cách họ tàn sát những người thua trận, những người làm việc cho chính quyền Lon Nol, những người cộng sản kiên trung đã không khỏi đau lòng.
"Người già hay trẻ em không tội tình gì cả mà họ cũng giết sạch không tha. Những đồng đội từng cùng Việt Nam đánh Pháp cũng bị họ kiếm cớ để thủ tiêu. Chúng tôi thấy họ mất nhân tính. Gần họ thì một ngày nào đó mình cũng sẽ bị họ giết".
Chú ông, ông Say Thon, một người có nhiều công lao với đất nước Campuchia từ những năm kháng Pháp, đã đưa cả họ hàng chạy sang Thái Lan. Phải rất khó khăn để thuyết phục chính quyền Thái Lan cho tị nạn. Sang Thái Lan vì gần chứ chú tôi vẫn muốn chạy sang Việt Nam" - ông Doi Sơi giải thích.
Trong thời gian ở Thái Lan, ông Say Thon đóng tàu đánh cá với mục đích tìm sang Việt Nam bằng đường biển. Bởi đi đường bộ hướng Việt Nam bị quân Khmer Đỏ phát hiện là cầm chắc cái chết.
"Phải tới lui đến 13 lần chú tôi mới bắt liên lạc được với chính quyền Việt Nam. Ban đầu họ không tin. Nhưng tình hình thực tế đã thuyết phục họ. Lúc ấy các cán bộ Việt Nam mới đồng ý cho chú tôi lánh nạn.
Lần đó chú tôi đưa theo 17 người. Đó là chuyến đi lịch sử. Bởi sau đó ông được đưa đi học ở Hà Nội và theo bộ đội Việt Nam về giải phóng Koh Kong khỏi quân diệt chủng".
Khi nghe chú mình theo bộ đội Việt Nam để đánh đuổi quân Pol Pot, ông Doi Sơi cũng rời Thái Lan trở về Koh Kong để gia nhập đoàn quân giải phóng. Do có học hành nên ông được giao nhiệm vụ phụ trách y tế, giáo dục, tuyên truyền.
Khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ khỏi Koh Kong, trở về tìm người thân thì ông lại đối diện sự thật đau lòng.
"Nhà tôi 10 người. Ba người bỏ đi thì còn sống, bảy người ở lại bị giết hết. Cả thị xã bị quân Pol Pot tàn sát. Chúng giết nhiều đến nỗi chôn không hết, chỉ vùi họ vào bốn hố chôn khác nhau ở các nơi. Tôi biết trong số những thi thể đó có người thân của tôi nhưng không sao phân biệt được".
Các chỉ huy quân Khmer Đỏ tuyên truyền rằng nếu đầu hàng quân Việt Nam sẽ bị giết thảm. Ông Doi Sơi chứng minh điều ngược lại. Không lính Khmer Đỏ nào bỏ súng đầu hàng mà bị người Việt Nam hành hạ, giam cầm. Họ được nuôi ăn tử tế. Thậm chí, trong 10 cận vệ của ông thì có bốn người là hàng binh khmer Đỏ.
"Thấy mình không giết chóc gì nên nhiều lính Khmer Đỏ ra hàng. Họ được bộ đội Việt Nam, được anh Bảy Quang (thiếu tướng Trần Thanh Quang) cứu chữa, được cho gạo ăn... Bộ đội Việt Nam nhân đạo chứ không giết hại hàng binh như Pol Pot nhồi sọ".
Tình nghĩa không mất đi
Trạm xá do bộ đội Việt Nam dựng trong thời chiến giờ là bệnh viện khang trang, với nhiều y bác sĩ được đào tạo ở Việt Nam - Ảnh: T.TRÌNH
Sau khi về hưu, ông Doi Sơi về ở trong căn nhà gỗ ven thị trấn Sre Ambel, nơi vốn là căn cứ đóng quân của Việt Nam để đánh Pol Pot ngày trước. Trạm xá thời chiến giờ là bệnh viện khang trang. Một thế hệ chinh chiến chống diệt chủng đã già đi rồi về với Phật.
Ông nói sau khi quân Khmer Đỏ tan rã, Koh Kong bắt đầu tái thiết, nhờ các chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ.
"Từ anh kỹ sư, bác sĩ cho đến người thợ kim hoàn..., chúng tôi đều nhờ người từ Việt Nam sang. Đến giờ xứ này được như hôm nay cũng nhờ tình nghĩa của Việt Nam, thứ tình nghĩa được xây dựng bằng gian khổ, máu xương ấy thì không thể nào mất đi được" - ông nói.
__________________________________________
Kỳ tới: Bàn tay hồi sinh của chuyên gia Sài Gòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận