02/01/2019 13:39 GMT+7

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 1: Tiến vào Phnom Penh

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 40 năm trước, chuẩn úy Trần Ngọc Giao, 25 tuổi, là trưởng xe tăng số hiệu 975 kiêm trung đội trưởng trung đội 2, đại đội 10, tiểu đoàn xe tăng 2 (lữ đoàn tăng - thiết giáp 22 của Quân đoàn 4).

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 1: Tiến vào Phnom Penh - Ảnh 1.

AHLLVTND Trần Ngọc Giao và bức ảnh chụp xe tăng số hiệu 973 - xe tăng đầu tiên của Quân đoàn 4 tiến vào thủ đô Phnom Penh. Ông Giao là người ngồi bên ngoài xe tăng - Ảnh: My Lăng

“Khi đánh nhau ở Phnom Penh, bộ đội Việt Nam mình không tiếc máu xương tiêu diệt bọn Pol Pot và cũng không tiếc máu xương bảo vệ những công trình văn hóa nghệ thuật tại thành phố này.

Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Giao

Máu đổ trên đường vào Phnom Penh

Lúc đó, sau hơn một tuần Việt Nam tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, nhiều sư đoàn chủ lực của Pol Pot bị tiêu diệt. 

Chúng lui về lập tuyến phòng thủ tại khu vực đường 10 Don So. Để vào Phnom Penh, trung đoàn bộ binh 209 và tiểu đoàn xe tăng 2 của Quân đoàn 4 phải chọc thủng tuyến phòng thủ này. 

"Trận đánh ở đường 10 Don So từ ngày 1 đến 3-1-1979 rất ác liệt. Mất ba ngày mình mới diệt được nó" - ông Trần Ngọc Giao, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, giờ đã 65 tuổi, nhớ lại.

Ông cho biết: "Lợi thế của địch là mương dẫn nước cao 1,5m tạo thành bức tường phòng thủ. Địch đặt các loại pháo chống tăng trên bờ đất cao để diệt mình, còn ta chỉ có đường độc đạo, xung quanh là ruộng. 

Sau hai ngày giao tranh, trung đoàn 209 bị thương vong rất nhiều. Qua ngày thứ ba, sau khi bổ sung một tiểu đoàn dự bị mới đập tan tuyến phòng thủ Don So. 

Trận này ác liệt vì gần biên giới mình nên Pol Pot phòng thủ rất dữ. Chúng tôi là lính xe tăng hi sinh ít, chứ bộ binh mình hi sinh nhiều lắm".

Sau khi chọc thủng phòng tuyến Don So, Quân đoàn 4 hành quân hướng về phà Neak Loeung để tiến vào Phnom Penh. 

Sư đoàn bộ binh 7 được chọn hướng chính diện tiến vào Phnom Penh. Hai sư đoàn bộ binh khác đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ sườn cánh trái và cánh phải ở hướng nam và bắc, hỗ trợ sư đoàn 7 hoàn thành nhiệm vụ. 

Đêm 5-1-1979, các lực lượng bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp của Quân đoàn 4 cũng ùn ùn kéo tới phà Neak Loeung.

5h30 sáng 6-1-1979, tiểu đoàn xe tăng 2 nhận lệnh phối hợp cùng sư đoàn bộ binh 7 đánh chiếm phà Neak Loeung. 

Xe tăng số hiệu 975 do chuẩn úy Trần Ngọc Giao làm trưởng xe tiếp tục được giao nhiệm vụ dẫn đầu đội hình toàn quân đoàn.

Để vào được Phnom Penh, Quân đoàn 4 phải vượt qua hỏa lực phòng thủ của địch bên kia sông Mekong ở khu vực phà Neak Loeung. 

"Sông Mekong rất rộng. Nếu không nhờ đặc công và hải quân thì xe tăng mình không vào thành phố Phnom Penh được. Còn quân Pol Pot tử thủ bên kia phà để ngăn quân ta tiến vào thành phố. 

Trận đánh ở đây vì thế trở nên khốc liệt. Nó đã xóa sổ gần hai trung đoàn bộ binh của ta, hơn 2.000 quân! Lính của mình hi sinh nhiều lắm, nước đỏ sông!" - ông Trần Ngọc Giao kể, đôi mắt rưng rưng xúc động.

17h ngày 6-1-1979, tiểu đoàn xe tăng 2 và các lực lượng phối hợp đã làm chủ được phà Neak Loeung. "12h đêm, tàu há mồm của hải quân đưa xe tăng chúng tôi qua phà. 

Khoảng 4h30 sáng 7-1, ta đưa sang sông được một tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, trung đoàn bộ binh 141, tiểu đoàn 8 của trung đoàn 209, trung đoàn 165 cùng Binh đoàn 1 - bộ đội cách mạng Campuchia. 

5h30, chúng tôi nhận lệnh hiệp đồng cùng bộ binh của trung đoàn 209 đánh vào giải phóng thành phố Phnom Penh" - ông Trần Ngọc Giao nhớ lại.

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 1: Tiến vào Phnom Penh - Ảnh 3.

Xe tăng của chuẩn úy Trần Ngọc Giao (ảnh nhỏ) dẫn đầu đội hình tiến về Phnom Penh - Ảnh tư liệu

12h30 ngày 7-1-1979

Gần 10h ngày 7-1-1979, tiểu đoàn xe tăng 2 và bộ binh đã tiến đến cầu Monivong. Bên kia cầu, địch dùng hỏa lực bắn lên cầu đỏ rực. 

"Tôi lệnh cho lái xe tăng tốc độ tối đa vượt cầu, lỡ địch có cài mìn nổ thì mình cũng vượt qua rồi. Vừa đến đỉnh cầu, địch trong các nhà cao tầng bắn ra xối xả. Nhưng sư đoàn 260 của địch chỉ chống cự được một lúc thì bỏ chạy" - ông Trần Ngọc Giao kể.

Vượt qua cầu Monivong, đội hình hành quân tiến đánh vào Phnom Penh, đi đầu là tiểu đoàn xe tăng 2, theo sau là trung đoàn bộ binh 141 và 209. 

Xe tăng 973 của chuẩn úy Giao dẫn đầu đội hình cùng bộ binh của Quân đoàn 4 tiến vào thành phố. 

Ở tuyến sau có các trung đoàn bộ binh, đặc công, lữ đoàn pháo binh... đi theo để bảo vệ sườn cho đội hình bộ binh.

10h30 ngày 7-1-1979, xe tăng 973 đã tiến được đến Bộ tổng tham mưu của Pol Pot. Lính Pol Pot trên các tòa nhà vẫn bắn xuống chống trả. 

Chuẩn úy Giao lệnh cho pháo thủ bắn lên yểm trợ, còn mình thì chạy lên cắm cờ. Nhưng lá cờ treo ngoài ăngten xe tăng đã bị địch bắn nát. 

Ông phải cởi chiếc áo thun trắng đang mặc, lấy mỡ bò viết chữ: "B2, C10, D2, Lữ 22" (trung đội 2, đại đội 10, tiểu đoàn 2, lữ đoàn 22) rồi cột trên nóc tòa nhà của Bộ tổng tham mưu địch làm cờ. Ông lệnh cho xe điện báo về đơn vị: xe tăng 973 đã chiếm lĩnh được thành phố Phnom Penh lúc 10h30!

Khoảng 30 phút sau, các lực lượng khác cũng tiến vào thành phố. Tiểu đoàn thiết giáp 3 của trung đoàn 141 chiếm khu sứ quán. 

Tiểu đoàn xe tăng 1 chiếm cơ quan trung ương địch. Tiểu đoàn 8 của trung đoàn 209 chiếm đài phát thanh. Tiểu đoàn 9 truy kích địch về phía tây. 

Nhưng đến lúc đó, máu của người lính vẫn đổ xuống khi một toán quân Pol Pot núp trên tòa nhà sứ quán dùng súng chống tăng B40 bắn cháy một chiếc xe thiết giáp M-113 của ta khiến toàn bộ kíp xe hi sinh...

12h30 ngày 7-1-1979, các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 cùng Binh đoàn 1 của bộ đội cách mạng Campuchia đã làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnom Penh.

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ 1: Tiến vào Phnom Penh - Ảnh 4.

Bộ đội Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh - Ảnh tư liệu

“Khung cảnh Phnom Penh lúc đó hoang tàn không thể tả. Cả thành phố rộng thênh thang không bóng dáng một người dân vì bị Khmer Đỏ đuổi hết từ tháng 4-1975 rồi. Phố phường trống hoang.

Cả thành phố vắng lặng như một thành phố chết! Địch chất các bao cát đắp thành các ụ bắn chặn diệt mình. Tôi lệnh cho lái xe phải chạy hết tốc độ vượt khi qua các ngã ba, ngã tư để né súng chống tăng B40, B41 của địch bắn chặn đầu” - ông Trần Ngọc Giao kể.

Kỳ tới: Giải cứu dân lành

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp