Sáng 16-2, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế Canada (TP.HCM) tìm hiểu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 - Ảnh: THANH YẾN
Nhiều sinh viên thế hệ 9X, 10X bày tỏ khao khát được hiểu về cuộc chiến tranh chính nghĩa này của quân dân ta.
"Tôi run rẩy khi nhắm mắt lại"
Mai Anh Quân, 23 tuổi, đang học khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Cậu sinh viên sắp tốt nghiệp này vẫn luôn trăn trở về cuộc .
Cậu nghe thế hệ trước nói chuyện với nhau về nó nhưng có cảm giác mình bị "cho ra rìa" vì không hiểu họ đang nói chuyện gì.
Phải làm sao để lớp trẻ không bị mất ký ức, kiến thức về lịch sử của cuộc chiến này.
PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Có cha là người lính sống trong thời kỳ của cuộc chiến này, nhưng năm ngoái Quân mới được ông chia sẻ cho ba mẩu chuyện. Là học sinh chuyên sử từ năm cấp II, thỉnh thoảng trong bài giảng mới nghe thầy cô nhắc nhẹ đến cuộc chiến nhưng chưa có bất kỳ chia sẻ chính thức nào.
"Nó như một khoảng trống..., tôi trăn trở, tìm hiểu - Quân nói - Hai năm trước, báo chí Việt Nam bắt đầu viết nhiều về cuộc chiến tranh vệ quốc này. Đó là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu một cách nghiêm túc về cuộc chiến".
Mới đây, cậu xin ý kiến của thầy cô để lên mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), nơi từng diễn ra những trận chiến khốc liệt ngày đó.
Cô giáo đã hướng dẫn Quân cách tìm hiểu về sự kiện này như diễn ra năm nào, sư đoàn nào tham gia, hi sinh thế nào? Nhưng Quân lại thích tìm hiểu lịch sử với một hướng khác theo khía cạnh con người, như những chiến sĩ ta thời ấy họ nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi tham gia chiến đấu?
"Cảm xúc đầu tiên khi tôi đứng trên mảnh đất Vị Xuyên là thấy yên bình, cả người Kinh và người dân tộc thiểu số đều sống cuộc sống yên bình. Nhưng đằng sau sự yên bình đấy là dông lửa, là bão tố. Khi nhắm mắt lại có điều gì đó khiến tôi run rẩy" - chàng sinh viên khoa sử trải lòng.
Khi được nghe các nhân chứng kể về những vùng đất trước kia từng bị cày xới bởi đạn pháo, Quân biết mình đã đi đúng hướng.
Chiếc loa truyền thanh bằng nhôm của thị trấn Phố Bảng, Hà Tuyên cũ bị quân Trung Quốc phá bỏ ngày 8-2-1979 - Ảnh: THANH TÙNG
Còn với sinh viên Bùi Công Hưng (22 tuổi, khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn), cho đến những năm học đại học mới biết đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Suốt ba năm THPT, Hưng trăn trở, tò mò: "Năm 1979 là giai đoạn thế nào? Cứ nghĩ năm 1975 đã kết thúc chiến tranh. Đó là khoảng trống thông tin về những năm 1979 của thế hệ chúng tôi" - Hưng nói.
Bức huyết thư của thầy giáo Nguyễn Chiều được trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khiến những sinh viên như Hưng, Quân cảm thấy tự hào về bề dày truyền thống lịch sử của trường.
Nó khiến Hưng thường xuyên tìm đến thầy cô giáo để hỏi thêm về cuộc chiến, khiến Quân phải lên đường đến Vị Xuyên để chụp cho mình những bức hình quý giá về mảnh đất này.
Phóng tầm mắt về phía cao điểm 685 được coi là "lò vôi thế kỷ", Quân bày tỏ: "Phải có chỗ dựa cho thể hiện tình yêu lịch sử của mình. Lịch sử không được quên".
Sinh viên Bùi Công Hưng (trái) thường xuyên tìm gặp các thầy cô giáo như thầy Nguyễn Chiều để hiểu rõ thêm về một thế hệ cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc và sinh viên Mai Anh Quân rất chịu khó lặn lội về lại mảnh đất Vị Xuyên tìm gặp các chứng nhân lịch sử - Ảnh: HÀ THANH
Những địa chỉ đỏ của cuộc chiến tranh
Những ngày đầu xuân tháng 2, hoa đào nở dọc biên giới Tổ quốc, nơi đó có những người lính đã ngã xuống. Và những người trẻ ngày nay cũng không được phép lãng quên sự hi sinh đó.
Những ngày 27-7, 22-12 hay 17-2 là các thời điểm để người trẻ tìm đến các địa chỉ đỏ như nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi an nghỉ của hơn 1.760 liệt sĩ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Đứng ở nơi nghĩa trang ngút ngàn ấy, trước cảm giác bùi ngùi về các phần mộ liệt sĩ chưa rõ tên, tuổi, quê quán, những người trẻ sẽ cảm nhận rõ hơn tình yêu Tổ quốc và máu xương của những người lính thiêng liêng như thế nào.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, những người trẻ muốn biết về lịch sử cuộc chiến vẫn có thể tìm đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - nơi lưu giữ các kỷ vật quý giá trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989).
Ở đây có rất nhiều thứ mà lịch sử đã chạm đến, như chiếc đèn bão của trạm cơ vụ A59, chiếc loa truyền thanh bằng nhôm của thị trấn Phố Bảng (Hà Giang) bị quân Trung Quốc phá hỏng ngày 8-2-1979 hay súng phóng lựu M79, chiếc áo mậu dịch viên hợp tác xã mua bán huyện Móng Cái của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã mặc suốt thời gian chiến đấu...
"Trong suốt hơn một tháng đi tìm những tư liệu quý về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tìm gặp những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, nhiều lần tôi bật khóc nức nở.
Khóc vì thế hệ trẻ 9X chúng tôi đã quá thờ ơ với lịch sử, khóc vì những "khoảng trống" trong kiến thức lịch sử" - một sinh viên khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã chia sẻ với chúng tôi như thế.
Cần phải chỉ đích danh cuộc chiến
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: LÊ KIÊN
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, "cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 cần phải chỉ đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam.
Không thể gọi là quân Trung Quốc tiến xuống hay tiến vào Việt Nam, bởi như vậy không nói lên được bản chất vấn đề. Sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như vậy thì ai có thể hiểu được?".
Theo ông, "cần tuyên truyền, giáo dục mạnh hơn để giới trẻ biết và hiểu về cuộc chiến này vì lâu nay chúng ta viết lịch sử theo định hướng, không thực sự phản ánh sự thật lịch sử khiến nhiều người trẻ "mù tịt" thông tin về cuộc chiến đấu chính nghĩa để bảo vệ bờ cõi biên cương phía Bắc của Tổ quốc".
ĐỨC BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận