12/11/2019 11:01 GMT+7

4 năm cả nước mất 6.400ha rừng do cháy

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra hơn 13.000 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỉ đồng và hơn 6.400ha rừng.

4 năm cả nước mất 6.400ha rừng do cháy - Ảnh 1.

Núi Nầm ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh phát cháy hai lần trong tháng 7-2019 - Ảnh: THẮNG DINH

Số liệu được đưa ra trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018. Nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận trong phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp ngày mai 13-11.

Mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy

Theo báo cáo, trung bình mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 1.600 tỉ đồng và hơn 1.600ha rừng. Tính ra, mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỉ đồng và 5,3 ha rừng.

Trong đó, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số vụ nhưng chiếm hơn 76% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Các vụ cháy lớn đã làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại tài sản hơn 4.900 tỉ đồng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm hơn 60%. Cháy tại khu vực nhà dân hơn 5.600 vụ, chiếm gần 43%, và hơn 4.800 vụ tại cơ sở kinh tế tư nhân.

Nguyên nhân cháy chiếm nhiều nhất do sự cố hệ thống, thiết bị điện với hơn 6.400 vụ, chiếm hơn 57%. Ngoài ra, hơn 3.200 vụ do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt.

Một số vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định liên tiếp xảy ra, quy mô lớn, thời gian kéo dài, các địa phương phải huy động số lượng lớn nhân lực, vật lực để chữa cháy.

Các vụ cháy tại phường Trung Văn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội); vụ cháy tại khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương); vụ cháy chợ tại huyện Ea Kar (Đắc Lắk)... và gần đây là vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã gây hậu quả nặng nề về môi trường và xã hội.

4 năm cả nước mất 6.400ha rừng do cháy - Ảnh 2.

Vụ cháy nhà xưởng Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) hồi tháng 8-2019 gây hậu quả nặng nề về môi trường - Ảnh: PHƯƠNG HÀ

"Tình hình cháy, nổ sẽ có chiều hướng gia tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ xảy ra cháy cao vẫn tập trung nhiều ở thành thị với các khu vực đông dân cư có loại hình nhà, xưởng, nhà dân vừa ở vừa kết hợp sử dụng vào nhiều mục đích khác, nhà cao tầng - siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại.

Cháy do các hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn điện, sự cố hệ thống, thiết bị điện vẫn ở nguy cơ cao. Cháy do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt; cháy rừng ở những địa phương có nhiều rừng chịu tác động nhiều của mùa khô, nắng nóng và chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam…", báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội nêu.

Điều tra, làm rõ hơn 11.200 vụ cháy

Theo báo cáo, giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân hơn 11.200 vụ cháy, còn khoảng 1.800 vụ đang tiếp tục điều tra. Nhiều vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, đã kịp thời khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá: "Tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn PCCC được phát hiện còn ít so với thực tế. Thiếu kiên quyết trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm, đa số là dừng lại ở việc kiến nghị, hướng dẫn.

Thiếu cơ chế giám sát việc thi hành các quyết định xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm đã được phát hiện. Nhiều vụ cháy không làm rõ được nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan nên không đề xuất được giải pháp PCCC phù hợp".

Hơn 2.600 công trình chưa thẩm duyệt hoặc nghiệm thu cháy, nổ

Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2014 - 2018, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho hơn 58.000 dự án, công trình và tổ chức nghiệm thu về PCCC cho hơn 29.000 dự án, công trình.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn hơn 2.600 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC (năm 2001) có hiệu lực.

Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

"Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC.

Mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật PCCC. Việc xử lý các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục", báo cáo nêu.

Tuần này, Quốc hội thảo luận về phòng cháy, chữa cháy Tuần này, Quốc hội thảo luận về phòng cháy, chữa cháy

TTO - Trong tuần làm việc thứ 4 (11 đến 16-11) của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp