Lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương cho biết năm 2017 ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tiến hành khối lượng công việc khá đồ sộ.
Hơn 1.000 cán bộ được bổ sung vào quy hoạch
Theo tài liệu Ban Tổ chức trung ương chuẩn bị trình hội nghị, năm 2017 toàn ngành đã thẩm định, đề xuất quy hoạch, bổ nhiệm hàng nghìn trường hợp một cách chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện theo quy định.
Riêng cấp trung ương đã tiến hành bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 lượt nhân sự thường xuyên.
Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Toàn ngành đã thực hiện quy trình bổ sung quy hoạch cho trên 1.000 cán bộ các cấp.
Đề cập đến điểm sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương cho rằng đó là thực hiện chủ trương "thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", toàn ngành đã từng bước đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Một số địa phương như Sơn La, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ban Tổ chức trung ương đã tổ chức thi tuyển, bước đầu đạt kết quả tốt, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín, đảm bảo cạnh tranh trong công tác cán bộ.
"Ban Tổ chức trung ương là ban Đảng đầu tiên thực hiện chủ trương này, với việc thi tuyển 3 vụ trưởng. Thành công bước đầu cho thấy đây là chủ trương đúng, được dư luận đánh giá cao, có tính lan tỏa" - một lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương khẳng định.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế một cách có hiệu quả.
"Đến nay đã có 57 địa phương và 15 cơ quan trung ương gửi đề án về Ban Tổ chức trung ương để hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực, góp phần tinh giản biên chế" - báo cáo viết.
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Trong lần thứ hai liên tiếp hội nghị ngành tổ chức được kết nối đến 63 tỉnh, thành trên toàn quốc này, hội nghị sẽ nghe và thảo luận về báo cáo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ.
"Việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng "chạy chức, chạy quyền" là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành tổ chức xây dựng Đảng hiện nay" - một chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức trung ương tham gia chuẩn bị báo cáo chuyên đề cho biết.
Theo ông, cơ sở để xây dựng báo cáo này là xuất phát từ đánh giá của Đảng: sự suy thoái, biến chất, lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi trong "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp".
Những bất cập trong tổ chức, điều hành, quản lý ở các cấp độ, trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng "chạy chức, chạy quyền" có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp.
Vị chuyên gia cũng tiết lộ rằng báo cáo chuyên đề được chuẩn bị rất công phu, trong đó làm rõ các khái niệm, phân tích nguyên nhân, đánh giá mức độ, đề ra giải pháp, gợi ý thảo luận, nhằm tiến tới tham mưu tốt nhất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy chế kiểm soát quyền lực, phòng chống "chạy chức, chạy quyền".
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Báo cáo khẳng định "chạy chức, chạy quyền" đem lại các lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng được "chạy", khiến các đối tượng này sẵn sàng làm trái điều lệ, nguyên tắc của Đảng, buông lỏng quản lý trong công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu của người "chạy".
Hành vi phổ biến của người "chạy" là thường dùng tiền bạc, vật chất, quan hệ hoặc những lợi ích khác mà họ có để "chạy", tức là mua bán, thỏa thuận, đổi chác... với người có quyền quyết định trong công tác cán bộ để họ tác động, chi phối, giúp người "chạy" có được vị trí mong muốn.
Mặt khác, người mưu lợi chiếc "ghế" cũng dùng thủ đoạn để bôi nhọ, gài bẫy các "đối thủ" (tức là những ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đang cạnh tranh cùng vị trí) nhằm tranh quyền đoạt vị.
Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định và chúc mừng những người được bổ nhiệm vụ trưởng thông qua thi tuyển - Ảnh: CTV
Chuyên gia cũng cho biết các giải pháp được đề xuất lần này được kế thừa, bổ sung, hoàn thiện những quy định cũ, đồng thời kiến nghị những quy định mới, đột phá.
Đặc biệt chú trọng đến các quy định về phân cấp quản lý, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát, đánh giá một cách hữu hiệu đối với đội ngũ cán bộ. Tiến hành đồng thời với giải pháp thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định.
Cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ phải kiểm soát được tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức vụ, quyền hạn.
"Mục tiêu của những người tham mưu quy chế là nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ; khắc phục những hạn chế, yếu kém về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Đấu tranh phòng chống có hiệu quả tình trạng "chạy chức, chạy quyền"; hướng tới "4 không": không thể "chạy", không dám "chạy", không cần "chạy", không muốn "chạy", đặc biệt chú trọng không thể "chạy" và không dám "chạy" - vị chuyên gia cho hay.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ không đạt tiêu chuẩn
Theo dự thảo báo cáo của Ban Tổ chức trung ương, năm 2018 ngành tổ chức xác định một trong những nhiệm vụ được nhấn mạnh là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Đặc biệt chú trọng hoàn thiện các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy khi xảy ra tham nhũng, lãng phí; cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.
Xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực và chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ. Lựa chọn, bố trí những người có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; hạn chế tối đa việc bố trí nhầm người, sai người, nhầm chỗ, sai chỗ, nhất là người đứng đầu.
* Ông Thang Văn Phúc (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ): Cần cải cách chế độ nhân sự
Chúng ta cần thực hiện cải cách thực sự chế độ nhân sự ở Việt Nam, đảm bảo công tác cán bộ vừa khách quan, vừa minh bạch, kiểm soát được và trao cơ hội bình đẳng cho người tài.
Cơ chế cũ khiến cho công tác cán bộ nhiều nơi còn thiếu minh bạch, thiếu cơ chế đào tạo, huấn luyện cán bộ, thiếu sự giám sát và hỗ trợ kịp thời ngay từ khi cán bộ mới mắc những khuyết điểm nhỏ.
Ngoài ra, phải có cơ chế để xác định ai là người tài năng thực sự, ai là người tận tụy, trung thành với đất nước, với nhân dân. Phải chỉ ra được những biểu hiện cụ thể cho phẩm chất, tài năng, chứ không phải chỉ kể lể chung chung.
Để đánh giá chính xác, khách quan cán bộ, thì chính quá trình trưởng thành trong thực tiễn là dữ liệu rất quan trọng, quý giá.
* PGS.TS Lê Quốc Lý (phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Chặt "gốc" chạy
Để ngăn chặn tệ nạn này, trước hết phải minh bạch hóa và công khai hóa, công nghệ hóa việc giám sát tài sản.
Thứ hai, phải thực hiện cơ chế giám sát chéo. Những cán bộ trong diện được đề bạt phải có sự kiểm soát công khai bởi nhân dân và những cơ quan thụ hưởng kết quả lãnh đạo ở những vị trí mà người đó đã kinh qua.
Thứ ba, phải lấy thước đo từ kết quả hoạt động thực tiễn, định lượng hóa được các tiêu chuẩn đầu vào (trình độ, những thử thách, vị trí đã đảm nhiệm, lịch sử bản thân...).
Cuối cùng, phải thực sự coi trọng khâu hậu kiểm.
Một nhiệm kỳ thường kéo dài năm năm, nhưng không phải chờ đến hết nhiệm kỳ mới đánh giá lại.
* TS Huỳnh thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright): Đánh giá cán bộ dựa vào năng lực
Theo tôi, việc bổ nhiệm phải có cạnh tranh và đánh giá công việc phải dựa vào năng lực. Hằng năm, các cơ quan đều đánh giá năng lực một cán bộ, công chức. Trong đó, đánh giá của ba người là quan trọng: bản thân công chức tự đánh giá, đánh giá của cấp dưới và đánh giá của cấp trên.
Cả ba đối tượng này đều không có động cơ để chỉ ra cái yếu của công chức (cấp trên thì sợ liên đới trách nhiệm, cấp dưới thì sợ bị "đì"). Chỉ có người muốn "giành ghế" của công chức mới nhìn ra cái sai, cái yếu của người công chức đó. Vậy phải làm cho quá trình "tranh giành" xảy ra công khai: tức cho cạnh tranh nhau.
Một vị trí phải có nhiều người, luôn tạo ra sự ganh đua trong tổ chức. Người làm tốt có thể được bổ nhiệm bất cứ vị trí nào xứng đáng với năng lực, sau khi được bổ nhiệm cũng có thể "mất ghế", bị người khác thay thế bất cứ lúc nào nếu năng lực sa sút.
Điều này buộc các cán bộ, công chức phải nhìn nhau, cạnh tranh đi lên. Song song đó, đánh giá năng lực cán bộ lúc này phải dựa vào hiệu quả công việc chứ không dựa vào "lý lịch sạch". Lúc đó, người làm 10 việc sai 3 việc sẽ được đánh giá cao hơn người không có sai nhưng không làm việc nào.
* Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Chọn cán bộ có năng lực, uy lực
Chọn cán bộ phải chọn người có năng lực, uy lực (tức có đạo đức tốt, tâm trong sáng). Bộ máy nhà nước là hình tháp, người lãnh đạo cao nhất là người ưu tú nhất trong những cán bộ, công chức. Nếu cán bộ công chức tốt sẽ chọn được lãnh đạo tốt, không thì ngược lại.
Khi cán bộ, công chức vi phạm phải kiên quyết xử lý, không du di kiểu giơ cao đánh khẽ, sợ liên đới trách nhiệm. Hằng năm phải có sát hạch, kiểm tra năng lực cán bộ, công chức, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức để họ bắt kịp quy định.
Qua đó phát hiện và đề đạt xứng đáng cho những người có năng lực, đạo đức tốt.
NGỌC HÀ - D.N.HÀ ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận