26/08/2016 06:44 GMT+7

4 cha con học chung 1 lớp

HÀ BÌNH (habinh@tuoitre.com.vn)
HÀ BÌNH ([email protected])

TTO - Đó là cha con ông Phạm Văn Tiếp (54 tuổi, thường gọi là Út Tiệp), Phạm Công Nhật (30 tuổi), Phạm Thị Anh Thư (27 tuổi) và Hà Minh Dương (24 tuổi, con rể ông Tiếp) đang học y sĩ y học cổ truyền tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn (TP.HCM).

Học ở trường về, cái gì “không thông” bốn cha con ông Út Tiệp tiếp tục trao đổi có khi đến 1-2g sáng. Từ trái qua: Hà Minh Dương, ông Út Tiệp, Phạm Thị Anh Thư và Phạm Công Nhật - Ảnh: HÀ BÌNH
Học ở trường về, cái gì “không thông” bốn cha con ông Út Tiệp tiếp tục trao đổi có khi đến 1-2g sáng. Từ trái qua: Hà Minh Dương, ông Út Tiệp, Phạm Thị Anh Thư và Phạm Công Nhật - Ảnh: HÀ BÌNH

Ông Út Tiệp hiện hành nghề thầy thuốc đông y ở ấp Trường Giang, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, Tây Ninh.

“Không lo cho con thì đến bao giờ”

Hơn ba tháng trước, ông Út Tiệp đến Trường trung cấp Tây Sài Gòn đăng ký học y sĩ y học cổ truyền. Việc học, theo ông Út Tiệp, là để đủ điều kiện pháp lý, nâng cao kiến thức nhằm tiếp tục nghề thầy thuốc đông y ba đời nay của gia đình ông.

“Học xong buổi đầu tiên, về nhà tui nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Hổng được, mình phải cho các con đi học cùng luôn. Không tính bây giờ thì chừng nào mới tính?” - ông Út Tiệp nhớ lại.

Bàn với vợ con xong, hôm sau ông Út Tiệp trở lại trường. Gặp ban giám hiệu, ông trình bày: “Thưa thầy, tui có nguyện vọng cho các con học ở trường mình. Nhưng xin trường cho cha con tui được đóng chậm học phí hay chia ra nhiều đợt. Đóng một lần cha con tui không kham nổi”.

Được ban giám hiệu đồng ý, người cha về nói các con chuẩn bị hồ sơ đến đăng ký học.

Nghe cha kêu đi học lại, Phạm Thị Anh Thư - cô gái tốt nghiệp THPT đã lâu, từ đó đến nay chỉ quanh quẩn ở nhà bốc thuốc phụ cha - vừa mừng vừa lo.

“Tôi chỉ thích làm bên thuốc thôi. Tốt nghiệp THPT xong nhà khó khăn, lại còn em nhỏ nên tôi quyết định ở nhà. Giờ có cơ hội đi học lại rất vui nhưng cũng băn khoăn. Nghỉ học đã lâu, giờ không biết có theo kịp không” - Thư chia sẻ.

Còn Phạm Công Nhật chỉ cười “phải thích mới học được chứ” khi được hỏi về chuyện học. Thấy cha nói vợ và anh vợ đi học, Hà Minh Dương - chồng của Anh Thư - vốn là dân làm rẫy, lâu nay ở nhà phụ việc làm thuốc cũng xin cha cho theo học cùng.

“Trước hết là để biết thuốc, biết bệnh để phòng ngừa cho mình. Sau thì giúp được ai chữa bệnh thì giúp” - Dương giải thích việc xin cha cho đi học.

Lớp học vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và học trong hai năm. Sáng, trước mỗi ngày đi học, Anh Thư và mẹ dậy từ 4g nấu cơm, cho thức ăn vào các hộp nhựa, gói theo bốn cái chén, bốn đôi đũa. 6g, bốn cha con xách hộp cơm cùng áo blouse, sách vở đi xe máy 80km lên TP.HCM học, chiều lại chạy về...

“Đừng để hối hận như cha”

Ông Út Tiệp bảo ông đã “trượt vỏ dưa” nhiều lần trong chuyện học hành. Trước đây ông cũng đã học hai trường trung cấp về y học cổ truyền. Nhưng vì nhiều trục trặc nên đến giờ ông vẫn chưa thể đăng ký pháp lý hành nghề đông y. Không nản chí, lần này ông tiếp tục “sự nghiệp học hành dở dang” - ông Tiệp nói vui.

“Các con, một là học, hai là không. Đã học là học cho đàng hoàng, nghiêm túc. Phải theo các quy định của trường chứ không lộn xộn được” - ông căn dặn trước khi đến trường.

Học đàng hoàng, nghiêm túc với cha con ông Út Tiệp là chuẩn bị bài trước ở nhà, vào lớp đúng giờ và không vắng buổi nào từ lúc nhập học đến nay. Để phục vụ việc học, cha con ông Út cũng ghi âm các bài giảng của giảng viên.

“Đoạn nào thầy giảng nghe không kịp thì về mở nghe lại” - Anh Thư cười giải thích. Giờ học, vợ chồng Anh Thư - Minh Dương còn phân công nhau mỗi người tập trung vào một phần trong bài “rồi về nhà ráp lại”.

Riêng ông Út Tiệp học những môn dược lý, giải phẫu sinh lý có nhiều cái “hổng thông”, ông đợi cuối buổi hỏi thêm thầy giáo. “Chờ cuối buổi hỏi để khỏi mất thời gian của học viên khác. Thầy giáo trẻ măng mà giỏi lắm, rất vui vẻ giải thích cho mình” - ông Út Tiệp tâm sự.

Sau ba tháng học, ông Út sơ kết: “Hơi vất vả vì đi lại khó khăn, nhưng tâm huyết phải gắng theo. Lớn tuổi, một bài trước đây chỉ học 1 giờ, nhưng nay phải học 2 giờ mới hiểu sâu được. Tôi nói các con phải gắng học, đừng nhụt chí rồi hối hận như cha”. Anh Thư cũng nói bạn đã theo kịp lớp, học được những điều hay từ các học viên khác.

Vợ ông Út Tiệp vui vẻ cười kể chuyện học của chồng và các con: “Nhiều hôm mấy cha con ổng đi học về, thấy không thông cái gì ở trường, ngồi nói qua nói lại tới 1-2g sáng...”. Ông Út Tiệp nói ông có một tâm nguyện phải cố gắng thực hiện cho bằng được. Đó là bốn cha con học xong sẽ cho vợ và con gái thứ tư đi học.

“Khi tôi không còn nữa, dù vợ tôi không làm thuốc thì cũng hiểu lĩnh vực để hướng dẫn cho các con...” - ông Út Tiệp bảo vậy.

Nhiều người trong một gia đình học ở trường

Lãnh đạo Trường trung cấp Tây Sài Gòn cho biết ngoài gia đình ông Phạm Văn Tiếp, ngành y học cổ truyền của trường còn có những trường hợp khác như ba mẹ con, vợ chồng, các anh em ruột... học cùng lớp.

“Có người đi học vì đam mê, giữ nghề truyền thống của gia đình và cũng có người học lấy bằng để đủ điều kiện hành nghề thầy thuốc đông y” - lãnh đạo nhà trường nói.

Hồi đó tốt nghiệp THPT xong, cha mẹ cố tâm cho đi học nhưng mình nghỉ ngang. Giờ hối hận lớn lắm vì không theo giáo huấn của cha mẹ nên học hành không đến nơi đến chốn. Tôi nói các con phải gắng học, đừng nhụt chí rồi hối hận như cha"

Ông Út Tiệp
HÀ BÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp