Thừa cân, béo phì để lại hậu quả sức khoẻ nghiêm trọng
Đó là nhận định của đại diện Bộ Y tế tại Hội nghị công bố kết quả Tổng điều dinh dưỡng 2019-2020.
Cụ thể, hội nghị của Bộ Y tế chỉ ra, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Tức trong một thập kỷ qua, con số này đã tăng lên hơn 2 lần. Chiếm tỉ lệ cao hàng đầu này là khu vực thành thị với 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Đáng lo ngại, tỉ lệ này ở trẻ em tiểu học khu vực thành thị là 41,9%.
Trẻ em khi đã béo phì sẽ khó khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của trẻ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng đến quan hệ bạn bè, kết quả học tập, mà còn có hậu quả đến sức khỏe.
Trong đó nổi bật là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ.
Thừa cân nhiều, còn rối loạn hệ cơ xương như xương chày, xương cột sống, làm yếu hệ miễn dịch, đặc biệt là những trẻ có mức thừa hơn 10 cân so với tiêu chuẩn.
Nguyên nhân do đâu?
"Nguyên nhân chính là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nên đã ép trẻ ăn rất nhiều. Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non rồi tiếp diễn đến tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Quan niệm rằng trẻ mập một chút rồi sau này sẽ gầy đi nhưng thực tế không phải như vậy mà càng này càng thừa nhiều cân hơn: Có những em bé ở giai đoạn mầm non chỉ thừa khoảng 3-5 kg, nhưng đến giai đoạn tiểu học thừa 8-10 kg và đến giai đoạn trung học cơ sở thừa 15-20 kg. Điều đáng lo ngại là ông bà và cha mẹ không nhận đinh được con, cháu mình bị thừa cân, béo phì mà vẫn tiếp tục ép cho trẻ ăn nữa", TS. Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm Khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết.
Dẫn chứng cho việc này, chuyên gia chỉ ra ra trong một khảo sát của Viện Dinh dưỡng thực hiện với 600 bà mẹ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phỏng thì có tới 47% có con có tình trạng dinh dưỡng bình thường đánh giá con mình suy dinh dưỡng. Còn trong 27% bà mẹ có con béo phì, chỉ có 2% nhận định đúng về tình trạng của con mình.
Từ việc nhận định không chuẩn xác về hình thể của con, không ít ông bố, bà mẹ áp dụng các sai lối sống. Trong đó, ba yếu tố dinh dưỡng, vận động và sinh hoạt mất cân đối khiến trẻ đối diện với nguy cơ thừa cân, béo phì.
Chế độ dinh dưỡng tác động trực tiếp đến thể trạng trẻ. TS. Bùi Thị Nhung cho rằng, trẻ em và đặc biệt là nhóm trẻ tiểu học có xu hướng được dung nạp nhiều bữa ăn cả chính và phụ. Ngoài các bữa ăn ở trường, còn ăn thêm buổi chiều, buổi tối. Thêm vào đó, nhiều bố mẹ vì lý do bận rộn mà để trẻ ăn các bữa chính ngoài sự kiểm soát của gia đình, trẻ ăn theo sở thích, theo khẩu vị nên không khẩu phần vượt ngoài nhu cầu.
Chế độ ăn quá giàu năng lượng, ít chất xơ là nguyên nhân dẫn đến thừa cân
"Khác với nước ngoài, trẻ béo phì chủ yếu do nước có ga và thức ăn nhanh, thì ở Việt Nam chủ yếu do ăn nhiều: bữa ăn nhiều, khẩu phần nhiều", lãnh đạo Khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề chia sẻ.
Cộng hưởng cho chế độ dinh dưỡng kém hợp lý, trẻ em tiểu học còn dễ tăng cân bởi xem nhẹ yếu tố vận động, khiến mất cân bằng năng lượng mà chủ yếu cán cân nghiêng về phía "nạp" hơn phía "tiêu". Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, 39% học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM không hoạt động thể chất đủ theo tiêu chuẩn.
Cuối cùng, chế độ sinh hoạt không điều độ cũng tác động đến cân nặng trẻ. Nhiều gia đình cho trẻ ngủ không đúng giờ do TV, smartphone, hay bố mẹ chưa ngủ nên cho trẻ thức cùng. Trẻ ngủ ít vào ban đêm dễ tăng cảm giác đói, thèm ăn, tăng nguy cơ béo phì theo thời gian.
Cần chung tay từ phụ huynh, nhà trường và xã hội
Trước những hậu quả nặng nề đến từ việc ‘chăm con’ quá đà, các chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tiểu học nên được chú trọng xử lý sớm. Tuy nhiên, cần xác định đây là bài toán khó không thể giải ngay trong một sớm một chiều, tương tự như thiếu dinh dưỡng.
"Chúng ta cần có chiến lược hoạt động rõ ràng, và cần nhất là sự đồng lòng, chung sức từ cả ba cấp độ: phụ huynh, nhà trường và xã hội để đẩy lùi tình trạng thừa cân – béo phì".
GS.TS.TTND Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia
Về phía phụ huynh, chuyên gia khuyến cáo bố mẹ nuôi con khoa học, tăng vận động, giảm dung nạp. Chủ động theo dõi, thăm khám và đặc biệt là không chủ quan khi con có dấu hiệu thừa cân.
Theo GS.TS.TTND Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, bố mẹ có thể dùng các thang đo như BMI để theo dõi thể trạng của con. Bố mẹ cũng nên tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho từng độ tuổi để đáp ứng năng lượng cho trẻ ở mức hợp lý, đủ "chất" nhưng không dư "lượng".
Ngoài gia đình, cán cân béo phì ở trẻ Việt tuổi học đường còn quyết định bởi sự hợp lực của nhà trường và xã hội. Ông Danh Tuyên cho rằng cũng cần bổ sung các sân chơi cho trẻ, tăng cường cgiáo dục thể chất kết hợp với bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng trong trường, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường.
Ngoài ra, tăng cường giáo dục cho trẻ lẫn giáo viên về hậu quả của thừa cân, béo phì và tầm quan trọng của vận động là điều cần thiết.
"Nhà trường, gia đình và xã hội có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh khoa học và nếp sống năng động tích cực", Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận