Thuê bao số điện thoại di động mới khi làm thủ tục phải chụp hình chân dung kèm theo hồ sơ tại một cửa hàng VinaPhone trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Quy định chụp ảnh đối với chủ thuê bao di động áp dụng thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, được đề xuất bãi bỏ trong một dự thảo nghị định mới vừa được Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) công bố để xin ý kiến.
Không cần thiết
Theo một lãnh đạo Cục Viễn thông, quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động được quy định trong nghị định 49 (có hiệu lực từ tháng 7-2017) nhằm phục vụ công tác hậu kiểm, cung cấp bằng chứng xác thực để bảo đảm việc giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông là có thực và đúng người, đúng thời gian...
Tuy nhiên, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, cơ quan quản lý nhà nước đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ các chủ thuê bao cho rằng việc chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân, có thể gây lộ thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân;
Đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) vẫn phải bổ sung chụp ảnh là không cần thiết...
Theo Bộ TT-TT, bộ đã nghiên cứu, xem xét các vấn đề có liên quan cùng với kết quả rà soát, đánh giá đến thời điểm này cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác nhất thiết phải có đối soát giữa thông tin thuê bao do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện nước ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các doanh nghiệp viễn thông không có cơ sở để đối soát, xem thông tin thuê bao là chính xác hay không.
Trước đó, tháng 8-2018, Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước.
Sớm nhất đến năm 2028 mới có thể có được cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước. Nhưng do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành còn chưa thể xác định chính xác...
Còn chụp ảnh còn phản ứng
Cũng theo vị lãnh đạo Cục Viễn thông, với thực tế trên, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý.
"Các doanh nghiệp viễn thông ước tính hiện còn khoảng 38 triệu thuê bao đã có thông tin cá nhân nhưng thiếu ảnh chụp. Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác (như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng, do vậy thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này" - vị lãnh đạo Cục Viễn thông nói.
Bộ TT-TT cho hay theo báo cáo của Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) vào tháng 3-2018, trên thế giới mới có 16 quốc gia (trên tổng số 147 quốc gia mà chính phủ yêu cầu quản lý thông tin thuê bao) cho phép doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của chính phủ để đối soát thông tin.
Phải giữ bí mật thông tin thuê bao
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 25 cũng quy định rõ: Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích bao gồm: phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông và phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận