Sau nhiều năm thực hiện chuỗi học bổng "Học trò giỏi - hiếu thảo", "Ngăn dòng bỏ học", "Chung một ước mơ", thời điểm 20-10-2003, bắt đầu từ chuyện một cậu học trò đã hai lần đậu đại học nhưng vẫn chưa đến được giảng đường vì không trang trải nổi học phí - chi phí, chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 165 khởi động học bổng "Tiếp sức đến trường" (TSĐT) dành cho tân sinh viên.
Bước chân niên thiếu
Đến nay, sau 20 năm, TSĐT đã làm cầu nối vận động nguồn lực xã hội để trợ sức đến hơn 20.000 tân sinh viên. Và về phần mình, các bạn tân sinh viên đã tặng lại chúng tôi những câu chuyện đời: 20.000 câu chuyện cảm động về tháng năm vượt khó trên đường đến ước mơ.
20 năm, hàng chục ngàn tân sinh viên, hàng trăm buổi lễ phát học bổng, vậy nhưng những người tổ chức, các phóng viên tác nghiệp và bạn đọc chưa bao giờ vơi cạn cảm xúc.
Những gương mặt sáng trong của tuổi 18 càng sáng hơn khi đó là tuổi 18 đã bước qua thử thách và chọn học vấn làm đường đến tương lai.
Mỗi bạn một hoàn cảnh - có lúc là nghịch cảnh; mỗi bạn một câu chuyện - có khi là bi kịch, và chúng tôi tự nhắc mình rằng các bạn đã phải vượt qua những thiếu thốn nhọc nhằn này không chỉ bằng bước chân mạnh mẽ tuổi 18 mà từ lúc còn nhi đồng, còn tuổi thiếu niên.
Tây Bắc đã bớt vẻ lãng mạn với ruộng bậc thang, biển mây, hoa đào, hoa mận khi chúng tôi leo qua những sườn dốc để tìm ngôi nhà đắp bằng đá cheo leo đỉnh núi, bản làng nói tiếng dân tộc, từng vốc đất chắt chiu gieo hạt ngô.
Động lực nào đã nâng đỡ bước chân tí hon bền bỉ từng ngày vượt núi, vượt đói đến lớp học cắm bản đơn sơ mái lá, chon von đỉnh núi tít xa kia từ 12 năm trước, để chúng tôi được gặp những cô cậu tân sinh viên hôm nay?
Giữa rừng cao su, giữa rẫy cà phê bạt ngàn là chiếc chòi lẻ loi mái tôn vách ván, trong ấy một cô gái cô đơn chong đèn nuôi giấc mơ đại học. Mẹ đi làm xa, cả ngàn đêm cô một mình cơm rau làm bạn với trang sách.
Rồi có cậu bé mỗi ngày đến lớp mang theo rổ khoai luộc, ổi, mận để bán cho các bạn vào giờ ra chơi, tan học mua vài lon gạo về nuôi mẹ khuyết tật ở nhà. Suốt 12 năm như thế và cậu đậu đại học với số điểm thủ khoa...
Và các bậc cha mẹ nữa. Có người mẹ 12 năm ròng cõng con trai bị bệnh nhược cơ đến lớp, từ ngày là một cậu bé cho đến lúc là một thanh niên trưởng thành, vai mỗi lúc lại nặng thêm từ số kilogam của con, gánh nặng gạo tiền, sức khỏe suy giảm, nỗi lo tương lai.
Có người cha rời quê lên thành phố mưu sinh, đêm đêm căng màn ở vỉa hè hay những ống cống chưa sử dụng để tiết kiệm khoản tiền nhà trọ, gửi cho con ăn học...
20 năm là bao nhiêu câu chuyện như vậy. Kinh tế đất nước đang phát triển, các vùng miền đô thị hóa, đổi thay nhưng cảnh khổ vẫn tồn tại và càng khắc nghiệt hơn khi chênh lệch giàu - nghèo ngày càng xa, biến cố với gia đình, cá nhân ngày một nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, mà chính sách xã hội không thể bao trùm, bàn tay thiện nguyện khó bề bao bọc.
Tân sinh viên của TSĐT đều là kết tinh của hy vọng, nỗ lực bản thân và gia đình trong những hoàn cảnh kiệt cùng. "Không bỏ cuộc" - chúng tôi đã bắt gặp nhiều hàng chữ như vậy được các bạn viết lên tường, lên góc học tập, thời khóa biểu để tự động viên mình.
"Không bỏ cuộc" không chỉ là quyết tâm của các tân sinh viên mà cả của cha mẹ, người thân...
... và cả chúng tôi nữa
"Chính các em là tấm gương "Không bỏ cuộc" cho chúng tôi" - ông Lê Quốc Phong, nguyên chủ tịch CLB Nghĩa tình Quảng Trị, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, người đã đồng hành với TSĐT suốt 20 mùa từ 2004 đến nay, luôn lặp lại câu khẳng định ấy trong mỗi buổi họp mặt, mỗi lễ trao học bổng.
Từng là cậu học sinh Quảng Trị ngày ngày bụng réo sôi đến trường, từng là anh công nhân trưa trưa lấp đầy bụng bằng gói bắp nổ, nhà tài trợ Lê Quốc Phong vẫn dùng từ "cảm phục" khi nhắc đến những Hằng, những Hiếu của TSĐT: "Nỗ lực và quyết tâm của các em động viên chúng tôi rất nhiều mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, trong kinh doanh cũng như mỗi mùa vận động học bổng. Các em còn nhỏ mà gặp khó khăn đến như vậy, lại đã cố gắng đến như vậy, lẽ nào mình không cố lên, cố thêm chút nữa...".
"Cố lên, cố thêm", và 20 năm, ba đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, bao lần trồi sụt của kinh tế trong nước, các công ty như Bình Điền luôn là người đồng hành tích cực nhất, giải golf TSĐT do Bình Điền đồng tổ chức với báo Tuổi Trẻ và sân golf Long Thành nhiều năm là nguồn đóng góp học bổng lớn nhất của TSĐT.
Các nhà tài trợ khác cũng vậy. Trao 3,8 tỉ đồng tặng mùa học bổng 2023, ông Vũ Hải Sơn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, tâm sự: "Năm nay tình hình kinh doanh thật sự là quá khó khăn, chúng tôi thậm chí đã tính đến tình huống buộc phải tạm ngừng đóng góp quỹ học bổng. Nhưng rồi...".
Không bỏ cuộc, thư ngỏ của ông gửi đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên tập đoàn viết: "Qua sơ bộ khảo sát cùng báo Tuổi Trẻ, chúng ta khó khăn một thì các bạn tân sinh viên thuộc diện cần hỗ trợ, tiếp sức càng khó khăn gấp bội, số lượng các tân sinh viên cần hỗ trợ tăng lên nhiều so với các năm trước". Cuối cùng, tổng số tiền Vinacam góp học bổng năm nay tăng hơn năm trước 8%.
Không có những khoản tài trợ tiền tỉ, năm nào bài phát biểu của thầy Nguyễn Thiện Tống, đại diện CLB TSĐT Thừa Thiên Huế, trong buổi trao học bổng cho các sinh viên cũng tỉ mỉ nhắc đến từng người đóng góp.
Có người góp 10, 20 suất học bổng, có người góp 1, 2 suất học bổng, lại có người chỉ góp 1/2 suất với lời hẹn "sang năm nhất định sẽ cố gắng hơn".
"Cả đời đi dạy, những năm làm học bổng này tôi bỗng tiếc là đã không quen biết nhiều doanh nghiệp hơn. Nhưng không sao, nhọc công một chút nhưng khoản tiền ít - nhiều nào cũng là tình cảm và gửi gắm lớn lao. Người có tâm luôn ở quanh chúng ta". Nói vậy và thầy tiếp tục cần mẫn gửi đi những lá thư ngỏ.
Và cả Tuổi Trẻ nữa. 20 năm, công cuộc làm báo lúc lên thác lúc xuống ghềnh, kinh doanh báo chí suy giảm không thể cưỡng lại trong thời bùng nổ kỹ thuật số, mạng xã hội.
Mỗi năm mỗi khó nhưng trách nhiệm xã hội qua TSĐT và Vì ngày mai phát triển lại mỗi năm mỗi nặng, Tuổi Trẻ cùng bạn đọc và những bạn đồng hành của mình vẫn chỉn chu từng bước thực hiện chương trình.
Tháng 7-2018, Tuổi Trẻ gặp một tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online buộc phải đình bản ba tháng, đúng vào mùa tuyển sinh và mùa TSĐT khởi động.
Bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử hỏi: Năm nay Tuổi Trẻ khó khăn vậy, TSĐT ngưng phải không? Câu trả lời: "Đúng là Tuổi Trẻ đang gặp khó, khó nhất trong sự nghiệp, nhưng TSĐT không thể ngưng được".
Mối lo lớn nhất là không có báo điện tử thì thông tin về học bổng khó lan xa đến những vùng sâu vùng xa, nơi có các bạn đang cần tiếp sức. Nỗ lực chắt chiu trong cảnh khó đã được đền đáp. Mùa TSĐT 2018 ấy, 1.462 suất học bổng đã được trao.
***************
Cam kết với những giá trị tinh thần lớn hơn cả một khoản tiền lúc khó, Tuổi Trẻ luôn nỗ lực trong tổ chức để các buổi lễ trao học bổng trở thành kỷ niệm đẹp, ấn tượng sâu đậm nhất với các bạn học sinh, tân sinh viên của mình.
>> Kỳ 4: Dấu ấn không phai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận