Nguy cơ mắc trầm cảm
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, lực lượng nhân viên y tế đã phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn, với những thách thức chưa từng có, dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu và kiệt sức tăng cao.
Trong năm 2023-2024, dự án EpiC (dự án hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS) đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM để triển khai một chương trình cải thiện sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn TP.
Qua một khảo sát thuộc dự án EpiC thực hiện từ tháng 12-2023 đến tháng 5-2024 về hiểu biết, thái độ và hành vi trong nhân viên y tế tại TP.HCM, đã xác định các rào cản và xu hướng tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Khảo sát cho thấy 34% nhân viên y tế có nguy cơ trầm cảm, 31% đối mặt với lo âu và 25% gặp căng thẳng.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế là trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu suất làm việc.
Đồng thời các bệnh viện cần xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế ngay tại đơn vị, trong đó lãnh đạo các phòng công tác xã hội hoặc phòng điều dưỡng nên giữ vai trò tiên phong.
Bác sĩ Nguyễn Thái Thanh Phong - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện quận 1) - chia sẻ với Tuổi Trẻ thời điểm "chiến đấu" với đại dịch COVID-19 thực sự là quãng thời gian chịu áp lực rất lớn.
"Thực tế các nhân viên y tế trong bệnh viện thường xuyên phải chịu áp lực khủng khiếp. Có một số đồng nghiệp của tôi không chịu nổi áp lực phải nghỉ việc, một số thì chuyển qua khối tư nhân hoặc ở nhà buôn bán.
Khi sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế được quan tâm quả là một điều rất tuyệt vời, hy vọng chương trình này sẽ sớm triển khai", bác sĩ Phong bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận