12/06/2020 06:32 GMT+7

34 năm tìm kẻ ám sát thủ tướng

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Công tố viên Thụy Điển đã chỉ ra hung thủ giết cố thủ tướng Olof Palme năm 1986, khép lại vụ án bí ẩn kéo dài hơn 3 thập kỷ.

34 năm tìm kẻ ám sát thủ tướng - Ảnh 1.

Cố thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát năm 1986 ở Stockholm - Ảnh: AFP

Hung thủ được cho là Stig Engstrom, một nhân viên thiết kế đồ họa, có biệt danh "Skandia Man", vì từng làm cho Hãng bảo hiểm Skandia. Nhưng Engstrom nhất mực bác bỏ cáo buộc này và tự sát năm 2000 ở tuổi 66.

Chuyện gì xảy ra năm 1986?

Đêm cuối tháng 2-1986, thủ tướng Thụy Điển Olof Palme và vợ Lisbeth đi dạo về nhà qua trung tâm thành phố Stockholm. Họ ngẫu hứng muốn tới rạp chiếu phim và quyết định như mọi khi: không đi cùng vệ sĩ.

Palme muốn sống bình thường nhất có thể. Ông không muốn nghĩ vì đang điều hành đất nước mà có khoảng cách với người dân. "Bạn có thể thấy ông ấy trên đường phố, có thể nói chuyện với ông ấy", nhà dân tộc học Thụy Điển Jonas Engman nói với báo Guardian.

Lúc 23h21, sau khi rời rạp chiếu phim, ông bà Palme đi xuôi theo phố Sveavagen nhộn nhịp nhất nhì Stockholm, một người đàn ông cao lớn mặc đồ tối màu đi theo sau họ.

Người này đặt một tay lên vai Palme, tay kia bắn một viên đạn từ khẩu súng ngắn (được cho là khẩu 357 Magnum) vào lưng ông. Viên đạn thứ hai người này nhắm vào bà Lisbeth nhưng chỉ sượt qua. Rồi hắn bỏ chạy.

Đó là tối thứ sáu, phố Sveavagen rất đông người. Họ cố gắng sơ cứu cho ông Palme đang nằm trên vỉa hè giữa vũng máu loang rộng. Sáu phút sau, ông được đưa đến bệnh viện gần nhất. Quá nửa đêm, ông chính thức được tuyên bố qua đời. Sau đó, người ta xác định viên đạn đã cắt đứt tủy sống của thủ tướng và ông đã chết trước khi ngã xuống đất.

Lúc thủ tướng Palme ngã xuống, nghi phạm Stig Engstrom là một trong những người đầu tiên có mặt ở hiện trường vì Công ty bảo hiểm Skandia nơi anh ta làm việc ở ngay góc phố.

Nghi phạm khai gian?

Cảnh sát đã thẩm vấn Engstrom nhiều lần, nhưng anh ta thường xuyên thay đổi lời khai. Công tố viên cho biết có lý do để tin rằng Engstrom đã nói dối.

Được biết Engstrom mang theo người một khẩu súng vào đêm xảy ra án mạng và "biết cách dùng súng" do từng ở quân ngũ và là thành viên câu lạc bộ bắn súng. Engstrom cũng có "một phòng chứa đầy súng" ở nhà, theo lời công tố viên. Một khẩu súng của anh ta dường như khớp với cỡ nòng mà hung thủ đã sử dụng, nhưng pháp y không thể xác nhận.

Trang phục Engstrom mặc tối hôm đó - mũ lưỡi trai, kính và áo khoác dài sẫm màu - dường như khớp với mô tả của nhân chứng về kẻ giết người.

Engstrom luôn nói mình ở trong văn phòng cả buổi tối, nhưng các nhân viên bảo vệ ở Skandia cho hay anh ta đã rời tòa nhà vào thời điểm xảy ra án mạng. Nhưng thời điểm anh ta quay lại thì chưa được xác thực.

Engstrom khi đó đang gặp rắc rối tài chính và nghiện rượu. Anh ta cũng phản đối các chính sách của ông Palme và họ hàng đánh giá anh ta "có cái nhìn rất tiêu cực về thủ tướng".

Vì sao vụ án kéo dài?

Theo Đài BBC, cảnh sát đã không xử lý hiện trường vụ án mạng đúng cách, để mọi người đi bộ xung quanh và phá hủy các bằng chứng pháp y tiềm năng, các nhân chứng cũng được rời hiện trường mà không thẩm vấn.

Cảnh sát Stockholm có hệ thống truy dấu trên đường phố nhưng không sử dụng, nhăm nhăm đi tìm mà không biết nghi phạm trông ra sao. Xe lửa, phà và các chuyến bay vẫn tiếp tục bình thường. Các con đường, cây cầu ra khỏi thành phố vẫn mở nhiều giờ sau vụ án mạng.

Thời điểm đó, dường như không có ai chịu trách nhiệm vì đang là tuần lễ thể thao, người dân Stockholm lên núi chơi. Hans Holmér, người đứng đầu cảnh sát ở Stockholm, thì đang trượt tuyết ở phía bắc cùng nhân tình.

Thực tế, Engstrom ban đầu không phải nghi phạm chính, mà là một người tên Christer Pettersson. Phu nhân Lisbeth lúc bị thương đã nhận dạng người này, khiến Christer bị kết án tù chung thân năm 1989. Chỉ sau vài tháng, Christer được thả vì thiếu bằng chứng buộc tội.

Năm 2010, Thụy Điển gỡ bỏ thời hạn đối với các vụ án giết người, cho phép tiếp tục điều tra tìm hung thủ giết ông Palme. Hơn 10.000 người đã bị thẩm vấn, hồ sơ chiếm hơn 250m kệ ở trụ sở cảnh sát quốc gia Thụy Điển. Hơn 130 người đã thú nhận ra tay với thủ tướng.

Ai là kẻ thù của Palme?

Thủ tướng Palme vốn là lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển, được coi là chính trị gia nổi tiếng đầu tiên của quốc gia này, thẳng thắn, khó tính, thích xung đột, theo lời Henrik Berggren - người viết tiểu sử cho thủ tướng.

Theo New York Times, ông đã chiến đấu chống lại bất công trên toàn thế giới, điều đem lại cho ông cả tiếng tăm lẫn không ít kẻ thù, đặc biệt là ở Nam Phi - nơi ông kiên quyết chống chế độ phân biệt chủng tộc.

Giai đoạn đỉnh điểm Chiến tranh lạnh, ông hướng đến giải pháp "thứ ba" giữa phương Đông và phương Tây. Ông cũng phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Ở quê nhà, ông khiến giới chủ doanh nghiệp tức giận với những cải cách và vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo BBC, có 3 giả thuyết nổi bật về nguyên nhân cái chết của ông: Thứ nhất, do ông phản đối chế độ apartheid và tài trợ cho Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Cảnh sát Thụy Điển năm 1996 đã tới Nam Phi để điều tra theo hướng này.

Thứ hai, ông đã phát hiện Công ty vũ khí Bofors của Thụy Điển hối lộ để thiết lập thỏa thuận vũ khí với Ấn Độ. Thứ ba là việc chính phủ của thủ tướng Palme tuyên bố Đảng Công nhân Kurd (PKK) là khủng bố.

Không ai chứng minh được giả thuyết nào là đúng hay sai, nhưng những người liên quan mật thiết đến vụ án đều không còn. Christer Pettersson mất năm 2004, Stig Engstrom tự sát năm 2000. Phu nhân Lisbeth thì qua đời năm 2018 khi vẫn chưa biết ai đã sát hại chồng mình.

Vết thương hở đã lành

Thủ tướng đương nhiệm Thụy Điển Stefan Lofven gọi vụ án này là "vết thương hở của xã hội Thụy Điển" và "giải quyết vụ án là điều cực kỳ quan trọng".

"Việc thủ tướng bị ám sát là nỗi đau quốc gia. Tôi hi vọng bây giờ vết thương đó có thể chữa lành. Các công tố viên đã đi tới tận cùng vụ việc và tất nhiên, tốt nhất là có một bản án" - ông Lofven phát biểu ngày 10-6.

Năm đó, án mạng không những gây sốc cho cả nước Thụy Điển mà còn xói mòn hình ảnh một quốc gia an toàn, nơi các chính trị gia thường đi lại không cần vệ sĩ.

Một câu nói nổi tiếng thời điểm đó là "Thụy Điển đã đánh mất sự hồn nhiên".

Bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King Bạo loạn nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ sau vụ ám sát mục sư Martin Luther King

TTO - Lần đầu tiên kể từ năm 1968, thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát, ít nhất 140 thành phố của Mỹ đã nổ ra biểu tình và nhiều thị trưởng đã phải ban hành lệnh giới nghiêm.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp