Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa đón lứa diễn viên, nhạc công trẻ được đào tạo bằng kinh phí nhà nước - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định lựa chọn việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu thuộc một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, truyền thống khó tuyển sinh và đang thiếu nhân lực.
Ngân sách trung ương bảo đảm 100% kinh phí đào tạo cho 300 chỉ tiêu tuyển sinh này theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019.
Việc tuyển sinh sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021.
Ngày 2-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - nói đây là quyết định đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh một số bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống hoặc nghệ thuật đỉnh cao (như tuồng chèo cải lương, giao hưởng thính phòng, phê bình nghệ thuật, chỉ huy giao hưởng hợp xướng…) rất kén khán giả, khiến nhiều năm qua các bộ môn này thường không tuyển đủ sinh viên hoặc thậm chí không có một thí sinh nào dự tuyển.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lưu ý ngành văn hóa cần giải quyết đồng bộ: phải có cơ chế sử dụng các sinh viên được nhà nước đặt hàng đào tạo, để sau khi ra trường họ có "đất dụng võ", sống được bằng nghề của họ.
Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực Nhà hát Tuồng Việt Nam năm 2013-2020, tầm nhìn 2025, do bộ cấp kinh phí khoảng 4 tỉ đồng trong 4 năm để đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận cho nhà hát.
Năm 2018, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đón một lứa diễn viên, nhạc công thuộc chương trình liên kết đào tạo giữa Nhà hát Tuồng Việt Nam và Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, khóa 2014-2018.
Các diễn viên, nhạc công còn rất trẻ, mới 19 - 21 tuổi và họ đã diễn tròn vai cho các vai tuồng mẫu mực, từ ông già cho tới trẻ nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận