Một nhà thờ bị bỏ hoang vì ngập nước ở huyện Muara Baru, - Ảnh: PRI
Giới khoa học cảnh báo nếu không kịp kiểm soát, nhiều khu vực ở đây sẽ hoàn toàn chìm trong nước biển vào năm 2050.
Gần nửa Jakarta thấp hơn mực nước biển
Theo Đài BBC, vùng bắc Jakarta đã lún xuống 2,5m trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục lún thêm trung bình 25cm mỗi năm tại một vài khu vực.
Đây là tỉ lệ cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ lún đất trung bình toàn cầu ở nhiều đại đô thị ven biển. Toàn bộ Jakarta đang lún trung bình 1-15cm mỗi năm và gần nửa thành phố đang nằm thấp hơn so với mực nước biển.
Tình trạng này rõ rệt nhất tại bắc Jakarta. Tại huyện Muara Baru, cả một tòa nhà lớn của công ty chế biến cá đã bị bỏ hoang vì lún ngập hết phần tầng trệt.
Nhiều tòa biệt thự sang trọng nhìn ra biển như của nhà chị Fortuna Sophia cứ khoảng 6 tháng một lần lại phải sửa chữa, khắc phục những vết nứt trên tường do tình trạng sụt lún gây ra.
Ngoài khu vực bắc Jakarta, những nơi còn lại của thủ đô Indonesia cũng đang lún dần dù tốc độ chậm hơn. Khu vực phía tây Jakarta đất đang lún xuống khoảng 15cm mỗi năm, phía đông 10cm, khu vực trung tâm 2cm và phía nam 1cm.
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu, tốc độ sụt lún đáng lo ngại ở Jakarta còn có một nguyên nhân lớn nữa từ việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm của cư dân thành phố. Tại những khu vực không đủ nước máy sinh hoạt, người dân buộc phải khoan giếng.
Người dân Jakarta nói họ không còn lựa chọn nào khác. Các chuyên gia cũng xác nhận việc cơ quan cấp nước mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nước sinh hoạt của Jakarta. Chỉ mãi tới gần đây chính quyền thành phố mới gấp rút siết lại việc khai thác nước ngầm.
Phải dừng khai thác nước ngầm
Thị trưởng Jakarta, ông Anies Baswedan, cho rằng cần quản lý khai thác nước ngầm bằng cấp phép, nhờ đó chính quyền sẽ đo được chính xác lượng nước khai thác.
Nhà chức trách cũng hi vọng công trình đê bao ngăn biển dài 32km Great Garuda với kinh phí khoảng 40 tỉ USD sẽ giúp "giải cứu" cho thành phố đang bị nhấn chìm.
Dù vậy, có đến ba tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan trong một báo cáo công bố năm 2017 đã bày tỏ nghi ngại về việc dải đê chắn biển và các đảo nhân tạo có thể giúp giải quyết tình trạng sụt lún của Jakarta.
Ông Jan Jaap Brinkman, chuyên gia thủy văn của Viện nghiên cứu Deltares, cho rằng những giải pháp đó chỉ mang tính tình thế. Theo ông, cùng lắm chỉ giúp Jakarta có thêm 20-30 năm để ngăn chặn tình trạng lún kéo dài.
Theo chuyên gia này, sẽ "chỉ có một giải pháp và mọi người đều biết đó là gì". Đó là dừng mọi hoạt động khai thác nước ngầm và chỉ dùng các nguồn nước khác như nước mưa, nước sông hoặc nước máy khai thác từ các hồ chứa nhân tạo. Ông Brinkman cho rằng Jakarta phải làm việc này trước năm 2050 để tránh kịch bản tệ nhất.
Nguy cơ Jakarta chìm dưới nước không còn là chuyện đùa nữa. Tới năm 2050, khoảng 95% diện tích vùng bắc Jakarta sẽ chìm dưới nước.
Chuyên gia Heri Andreas (chuyên nghiên cứu về tình trạng ngập lún đất của Jakarta trong 20 năm qua tại Viện công nghệ Bandung)
Không chỉ Jakarta
Các thành phố ven biển trên toàn thế giới đều đang bị ảnh hưởng vì tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Chuyên gia Gilles Erkens thuộc Viện nghiên cứu Delstares ở Utrecht, Hà Lan, từ 4 năm trước đã từng cảnh báo nhiều khu vực của Jakarta, Bangkok và các khu vực ven biển khác sẽ chìm trong nước biển trừ khi các địa phương này có giải pháp hành động kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận