Vợ chồng thầy giáo nặng lòng với học trò xã đảo - Ảnh: Thanh Ba |
Chuyến đò ngang sớm nhất ngày khởi hành từ cảng cá Tam Quang chầm chậm rẽ sóng sau 10 phút lênh đênh vượt con sông Trường Giang bao đời chia cắt vùng đất được ví như ốc đảo đưa những hành khách đầu tiên cập phà Tam Hải. Đám học trò ở trung tâm xã đảo tung tăng cắp sách đến trường trong cái lạnh trở trời của những ngày cuối năm.
Khuất bóng xa xa sau những hàng phi lao xanh rì trải dài ven đầm nước cô lập điểm trường thôn Xuân Mỹ với trường chính của xã. Và ở xã đảo ba mặt giáp sông, một mặt hướng ra biển lớn này, vợ chồng thầy Lai được xem là hai giáo viên gạo cội vì có thâm niên giảng dạy lâu dài nhất.
Nhưng ít ai biết rằng cả hai nên duyên chồng vợ cũng tại mảnh đất mà họ luôn xem là quê hương thứ hai của mình, và chính tình cảm sâu nặng dành cho học trò nghèo xã đảo là sợi dây gắn kết, nuôi dưỡng tình yêu của vợ chồng thầy giáo suốt hàng chục năm ròng bám đảo gieo chữ.
Giờ ra chơi, nhìn những học trò vô tư chạy nhảy chơi đùa với bộ đồng phục tinh tươm, vợ chồng thầy Lai lấy làm mãn nguyện vì để có được những bộ quần áo lành lặn như thế, thầy cô đã không nề hà đi vận động giúp đỡ từ các nhà hảo tâm gần xa.
Thầy Lai, cô Luyến cho biết đều đặn mỗi năm hai lần (khai giảng và bế giảng năm học), thầy cô lặn lội ra TP Tam Kỳ kêu gọi hỗ trợ quần áo, sách vở, bút thước... từ những tổ chức từ thiện hay bạn bè, đồng nghiệp, và kể cả sử dụng những đồng lương ít ỏi của mình, rồi tự tay gói những suất quà dành tặng học trò nghèo.
Nhận xét về vợ chồng thầy Lai, thầy Phạm Văn Nhung - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú - cho biết: “Những việc làm của thầy Lai, cô Luyến dành cho học trò trên đảo khiến ai nấy cảm phục. Không chỉ tận tâm với nghề, thầy cô còn là những giáo viên đáng để các thầy cô khác trong trường noi theo. Vợ chồng thầy Lai đều sắp sửa nghỉ hưu và nhà trường cũng lấy làm tiếc vì chưa có tấm giấy khen nào xứng đáng ghi nhận công sức mà thầy cô đã cống hiến”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận