Theo báo cáo “Lao động nữ mong muốn gì” do ManpowerGroup khảo sát từ 4.000 lao động nữ từ 7 nước và khu vực mới công bố, cân bằng giữa cuộc sống và công việc là yếu tố phụ nữ dần được coi trọng bên cạnh tiền lương, linh hoạt thời gian làm việc.
Phụ nữ nghỉ việc không chỉ vì lương
Có tới 50% số được hỏi cho biết sẵn sàng tại công ty để kiếm thu nhập và phúc lợi tốt hơn.
Đáng chú ý, có 30% lao động nữ sẽ nghỉ việc để “đổi lấy sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống”. Thậm chí, 35% lao động nữ sẵn sàng giảm lương để đổi lấy 4 ngày làm việc mỗi tuần hoặc giảm tới 16% lương nếu được làm việc từ xa như ở quán cà phê hoặc tại nhà.
Chuyên gia của ManpowerGroup cho hay sau dịch COVID-19, nhiều phụ nữ mong đợi sự cam kết việc làm, lo ngại thay đổi công việc trong bối cảnh bất ổn kinh tế hơn là tìm việc phù hợp với chuyên môn, yêu thích.
“Có 1/3 phụ nữ tin rằng bất ổn kinh tế đe dọa công việc của họ”, báo cáo nêu.
Báo cáo cũng chỉ rõ có 8% phụ nữ không thể trở lại làm việc do phải chăm sóc con cái. Đây là tỉ lệ gấp đôi so với nam giới. Gần 20% số người được khảo sát mong muốn lãnh đạo thấu hiểu và chia sẻ với thách thức phụ nữ đối mặt khi "vừa đi làm, vừa làm mẹ".
Ngoài ra, phụ nữ cho rằng nếu thu nhập tăng lên sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần, tiếp sau mới tới các yếu tố phúc lợi, khối lượng công việc…
Sẵn sàng giảm lương để được làm việc từ xa
Chị Lê Thị Nga (33 tuổi, kế toán tại một công ty da giày ở Thanh Hóa) cho biết để có được mức lương 7 triệu đồng/tháng, chị vẫn có thể có thời gian cho công việc và chăm sóc con cái. Nếu muốn có thêm thu nhập chị phải “hy sinh” một phần nghĩa vụ làm mẹ để tăng ca.
“Nếu có nơi khác trả lương thấp hơn nhưng thoải mái về thời gian làm việc, không tăng ca quá nhiều mình sẽ cân nhắc”, chị Nga bày tỏ.
Với mong muốn được làm việc từ xa, chị Thùy Linh (32 tuổi, nhân sự tại một công ty xây dựng trụ sở ở Hà Nội) cho biết việc cân bằng giữa gia đình và công việc rất khó. Chẳng hạn, công ty có dự án mới thì tất cả nhân viên, lãnh đạo phải ở lại cơ quan tăng ca để kịp giao cho đối tác.
Thậm chí, cuối tuần và lễ tết cả công ty vẫn "sáng đèn".
"Mình thường bị người lớn nói “tham công tiếc việc” do quỹ thời gian cho gia đình eo hẹp. Nếu tìm được việc có thời gian linh động hơn, mình có thể cân nhắc chuyển việc", chị Linh quả quyết.
Trong khi đó, chị Trần Thu Uyên (24 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) cho hay công việc khá áp lực, thường xuyên đi làm sớm về khuya, gặp mặt đối tác nên có rất ít thời gian dành cho gia đình.
Con nhỏ, lập gia đình sớm, chị phải nhờ vào ông bà hai bên để đảm bảo hoàn thành công việc cũng như chăm sóc con mới 1 tuổi.
“Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mình chỉ có thể làm việc từ xa tại nhà. Mặc dù mức lương khi đó thấp hơn nhưng mình có thể vừa làm vừa chăm con. Bây giờ, mình phải thường xuyên đi sớm về khuya. Có hôm tới 10h tối. Lương mình rất tốt nhưng bản thân mong được làm việc tại nhà như trước”, chị Uyên tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận