TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là chia sẻ của TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - tại tọa đàm Mức lương đủ sống - góc nhìn đa chiều do báo Kinh Tế và Đô Thị, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức ngày 16-6.
Theo TS Vũ Minh Tiến, tiền lương tối thiểu là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế. Như vậy, việc Chính phủ ban hành nghị định tăng 6% lương tối thiểu rất có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống người lao động khó khăn do sinh hoạt phí tăng cao.
Theo ông Tiến, tính theo thu nhập, người lao động chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm người lao động có trình độ, năng lực, tu chí, chịu khó thì thu nhập tốt và ổn định cuộc sống. Nhóm thứ hai chiếm 30 - 40% tổng số lao động có thu nhập trung bình.
"Nhóm còn lại là nhóm bền vững khoảng 30% công nhân lao động luôn trong tình trạng bi đát, khó khăn", ông Tiến nêu.
TS Vũ Minh Tiến ví von một cốc nước có 3 phần, càng về đáy cốc càng mờ. Nhóm người dưới đáy cốc không có tiền tích lũy, không có nhà ở, khi cần mua thuốc men hoặc đóng học phí cho con đầu năm học mới thì phải đi vay tiền, thậm chí là cắm sổ bảo hiểm xã hội.
Do đó, nhiều người buộc phải làm thêm giờ, nếu không tăng ca thì phải vay nợ 500.000 - 1 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống như gạo, mì gói, mắm muối…
Cũng theo ông Tiến, người lao động làm theo giờ như giúp việc gia đình, bán hàng cho công ty, pha chế cà phê… cần tham khảo người làm việc trước và "mạnh dạn" đưa ra mức lương cao hơn; chủ động đề xuất bổ sung tiền ăn ca, tiền làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội; dựa vào trung tâm dịch vụ việc làm, hội nhóm để đàm phán lương…
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - cho hay lương tối thiểu dựa vào nhiều yếu tố như nhu cầu của người lao động và gia đình, khả năng chi trả của doanh nghiệp...
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương lấy ví dụ nước Mỹ đã không điều chỉnh lương tối thiểu giờ 20 năm qua. Doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận mức lương dựa trên mức "sàn" đó - Ảnh: HÀ QUÂN
Bà Hương dẫn lại kinh nghiệm quốc tế nhiều nước chỉ có lương tối thiểu giờ thay vì quy định "cứng" lương tối thiểu tháng. Nhiều nước không tăng lương cơ học cho người lao động mà hỗ trợ qua "3 con đường" là tăng năng suất lao động, áp dụng thỏa ước lao động tập thể và luật hóa lương tối thiểu.
Thực tế, nhiều người chỉ làm vài tiếng theo hợp đồng, sau đó chiều về chạy xe ôm công nghệ, tối bán hàng online, nên quy định lương tối thiểu tháng sẽ không linh hoạt, khó bảo vệ cho toàn bộ người lao động.
Khảo sát trên 2.000 lao động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố đầu năm 2022 cho thấy 12% người lao động phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% người lao động thỉnh thoảng phải đi vay tiền…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận