Chị Thanh đang ở tuần thai thứ 39, khi về nước chị đang ở tuần thứ 36 của thai kỳ - Ảnh: VIỆT DŨNG
Chị Nguyễn Thị Thanh, 27 tuổi, là người đặc biệt nhất trong số 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước cách đây đúng 21 ngày. Ngày rời Vũ Hán, chị Thanh mang thai 36 tuần, trong tổ công tác mà Bộ Y tế cử đi đón công dân có riêng 1 bác sĩ sản khoa để chăm sóc nếu bà bầu Nguyễn Thị Thanh "ngộ nhỡ" sinh con trên máy bay.
Hôm nay vừa tròn 21 ngày kể từ chuyến bay đặc biệt ấy, chị Thanh và 29 người trở về từ Vũ Hán đã hết thời hạn cách ly và được trở về nhà. 21 ngày ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chỉ 3 người trong đoàn có sốt nhẹ và ho, nhưng rất may không có ai nhiễm COVID-19. Hôm nay, tất cả đều khỏe mạnh ra viện.
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh kể:
Tôi sang Vũ Hán vào tháng 9-2019 để học thạc sĩ về trắc địa. Hồi đại học, tôi học Trường Mỏ địa chất. Chồng tôi đã sang Vũ Hán học trước 2 năm. Ngành trắc địa là một trong những ngành học có uy tín ở Đại học Vũ Hán.
Những ngày đầu mới sang, chúng tôi ở ký túc xá của trường, sau này vì tôi có bầu nên vợ chồng ra thuê nhà ở ngoài. Những ngày đầu mới đến đây, tôi có chút "sốc văn hóa", nhưng sau này vì ngày nào cũng đi chợ nên tôi quen với những người ở chợ, dần thích phong cách của họ. Tôi đã dự định sẽ sinh con ở Vũ Hán vì không muốn kéo dài thêm khóa học.
Những ngày đầu tiên của mùa dịch này thông tin vẫn còn ít ỏi. Đến ngày 20, 21-1, Vũ Hán bắt đầu phong thành, căng thẳng, hoạt động kinh doanh hầu như tạm dừng, ngưng trệ, mọi người đều hoang mang.
Vì đúng dịp Tết Nguyên đán, vợ chồng tôi đã chuẩn bị rất nhiều thực phẩm và hầu như không ra ngoài vì sợ bị lây bệnh. Ở trong nhà, tôi nghe những tiếng hô "Vũ Hán cố lên" bên những tòa nhà lân cận, bên lối xóm. Tôi rất xúc động.
Chúng tôi cũng thực hiện các hướng dẫn qua điện thoại của phía Trung Quốc như thường xuyên rửa tay sạch, uống nước ấm, nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo và con gần 9 tháng tuổi cũng ở trong số 30 người Việt Nam được đưa về từ Vũ Hán. Khi trở về, em bé mới tròn 8 tháng tuổi - Ảnh: VIỆT DŨNG
Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã lập một nhóm trao đổi, tôi tham gia nhóm và được biết sẽ có chuyến bay đến đón những người có nguyện vọng về nước.
Ngày nào cũng mong chờ, lo lắng đã bớt đi, nhưng bù vào đó là nỗi thương cảm, sự bùi ngùi: Chúng tôi sẽ rời tâm dịch Vũ Hán, thành phố nơi tôi đã sống gần nửa năm khi nơi đây đang như một chiến trường kỳ lạ, đường phố không có người, con virus đang lẩn khuất ở đâu đó tấn công.
21 ngày trước, tôi được lên máy bay về lại Tổ quốc. 5h sáng hôm đó, chúng tôi về đến sân bay Vân Đồn, rồi 21 ngày vừa rồi được cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Những ngày này thật sự là một trải nghiệm đặc biệt: ăn cơm bệnh viện và học online, ngay sáng nay tôi cũng có buổi học online với các thầy ở trường.
Sáng nào mở mắt tôi cũng vớ lấy điện thoại để đọc báo, những ngày có thêm 2.000-3.000 bệnh nhân tôi lo lắng lắm. Mong sớm khống chế được đại dịch, sớm tìm ra văcxin, sớm trở lại những ngày yên bình để tôi có thể trở lại trường.
Vũ Hán cố lên nhé!
Chị Nguyễn Thị Thanh là thành viên trong nhóm 30 công dân Việt Nam sống và học tập tại Vũ Hán được Chính phủ Việt Nam đưa máy bay đón về nước ngày 10-2. Sau chuyến bay, chị Thanh và 29 người còn lại, trong đó có 6 trẻ em từ 8 tháng đến 14 tuổi, đã có 21 ngày cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Phi hành đoàn và các bác sĩ đón đoàn cũng đã cách ly 14 ngày tại đây.
Trong những ngày chị Thanh và đoàn cách ly tại bệnh viện, bệnh viện đã cung cấp ba bữa ăn mỗi ngày, các phòng cách ly đều có tivi, có mạng Internet, được thăm khám sức khỏe mỗi ngày 2 lần.
Ba người có ho, sốt được điều trị, được xét nghiệm COVID-19..., tất cả chi phí đều do ngân sách chống dịch chi trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận