"… Có lẽ rất ít người biết 5000 người lính đã ngã xuống vào ngày hôm đó, họ không có dịp chứng kiến niềm vui của dân tộc vào lúc niềm hi vọng sống trở nên mãnh liệt nhất" - lời bình mở đầu của bộ phim Ngày cuối cùng của chiến tranh.
Bộ phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được làm vào thời điểm tròn 30 năm giải phóng miền Nam (-1975 – 30-4-2005).
Phim tài liệu " Ngày cuối cùng của chiến tranh"
Các nhà làm phim đã đi tìm câu trả lời từ những đứa trẻ được sinh ra trong ngày 30-4-1975, những người lính tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975, những tướng tá của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, những gia đình bị chiến tranh chia lìa…
Dù chỉ gói gọn trong thời lượng chưa đến 30 phút phim ngắn ngủi nhưng Ngày cuối cùng của chiến tranh không chỉ là không khí của thời khắc lịch sử 30-4-1975, mà còn cho thấy những trăn trở, băn khoăn của một thế hệ đã dành phần lớn cuộc đời cho chiến tranh, giờ đứng trước ngưỡng cửa hòa bình chưa biết ngày mai sẽ sống ra sao, sẽ xây dựng đất nước thế nào.
Những đau thương, mất mát, chia ly, những trăn trở rất đỗi con người của cả phe thắng trận, lẫn phe bại trận, cảm thức về sự hòa hợp dân tộc đã khiến cho bộ phim vượt lên trên khuôn khổ ngắn ngủi về thời lượng của chính nó.
Đạo diễn "Ngày cuối cùng của chiến tranh", NSND Nguyễn Thước - Ảnh: NVCC
Bộ phim do cố đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản, anh đã ấp ủ kịch bản này từ rất lâu rồi tung ra đúng thời điểm kỉ niệm 30 năm giải phóng miền Nam và ngay lập tức được Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương đồng ý đưa vào sản xuất.
Đạo diễn Nguyễn Thước, người được giao nhiệm vụ đạo diễn bộ phim này cho biết: "Ngay từ khi đọc kịch bản tôi đã rất thích vì toàn bộ tứ của bộ phim đã bật ra ngay từ cái tên Ngày cuối cùng của chiến tranh. Kịch bản của anh Tùng đã đưa ra một góc nhìn rất khác về chiến tranh Việt Nam, khiến tôi rất hào hứng".
Ngày 30-4-2005, đoàn làm phim đã vào Sài Gòn gặp gỡ các nhân chứng. Điều may mắn nhất với đoàn là gặp được cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước.
Nhờ mối quan hệ quen biết của mình, đạo diễn Nguyễn Thước đã thuyết phục được ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim.
Ông Nguyễn Cao Kỳ - cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Ảnh: ĐPCC
"Ông ấy rất cởi mở, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi. Điều mà tôi cảm nhận được từ ông ấy chính là tấm lòng của một người con nước Việt. Ông ấy nói là một người lính ông ấy gần như không khóc nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần.
Lần thứ nhất là lần ông rời đất nước này. Khi bước lên chiến hạm của Mỹ, người hạm trưởng ra đón có nói ông ta đang đeo huy chương được ông Kỳ tặng trước kia. Câu nói ấy đã làm ông Nguyễn Cao Kỳ chảy nước mắt.
Lần thứ hai là lần đầu tiên ông trở về Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài. Khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt của ông ấy cũng tự nhiên chảy ra".
Trong rất nhiều nhân chứng mà đoàn phim đã gặp, đạo diễn Nguyễn Thước cho biết ông ấn tượng nhất với câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Thọ (anh trai của đạo diễn Nguyễn Thước).
Là người lính trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn năm 1975, nhà văn này đã tha chết cho một viên sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ngay khi nghe tin Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, vì không muốn gây thêm đau thương.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trong phim - Ảnh: ĐPCC
"Một người như anh Thọ, rời khỏi trường phổ thông là đi bộ đội. Dành 11 năm trong quân ngũ được học đủ mọi kinh nghiệm để chiến đấu, để sinh tồn trong rừng. Nhưng vào ngày giải phóng, đi trên con đường có bao nhiêu người dân đón chào, bất giác anh ấy cảm thấy rất buồn.
Anh ấy không biết mình sẽ sống thế nào khi bước vào cuộc sống đời thường. Đó là cảm giác tôi nghĩ không chỉ của anh Thọ, mà của rất nhiều người đã dành phần lớn cuộc đời trong chiến tranh", đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ.
Trong phim còn rất nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện hay. Nhưng trong khuôn khổ chưa đến 30 phút, nhà làm phim buộc phải tiết chế. Đó là điều rất đáng tiếc, nhưng vào thời điểm năm 2005, Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương chỉ sản xuất phim thời lượng dưới 30 phút, cho phù hợp với việc phát trên truyền hình.
Đại tá tình báo Tư Cang đi chiến đấu khi con của ông còn nằm trong bụng mẹ, đến ngày miền Nam giải phóng ông được về nhà là lúc con gái của ông đã có con - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Nguyễn Thước cho biết cho đến bây giờ ông vẫn cảm thấy rất tự hào khi đã được cùng ê-kíp thực hiện bộ phim này. Được gặp những con người có mặt trong thời điểm lịch sử 30-4-1975 không chỉ là nỗ lực của ê-kíp mà còn là may mắn.
Trời cho chúng tôi gặp những nhân vật đó. Làm phim tài liệu nhiều khi phải trông vào sự may mắn, không thể biết trước được gì nhiều. Có những nhân vật khi trò chuyện nói rất hay, nhưng cứ ngồi trước ống kính là không nói được gì. Trời có cho thì làm được, không cho thì không quay được...
Đạo diễn Nguyễn Thước
Một số hình ảnh trong phim:
Những người lính biệt động còn sống sót đứng trên cầu Rạch Chiếc hồi tưởng lại cuộc chiến khốc liệt ngày 30-4-1975.
Một người lính sau khi hòa bình lập lại đã làm nhà gần cầu Rạch Chiếc, trở thành địa điểm gặp mặt đồng đội.
Nhà văn Chu Lai kể câu chuyện 30-4-1975 của anh và đồng đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận