
Những chiến sĩ trẻ ở nhà tù Côn Đảo về Sài Gòn tháng 5-1975. Người đứng giữa, quấn khăn rằn trên đầu là Lê Văn Nuôi - Ảnh: tác giả sưu tầm
Tiếp theo, đài phát thanh lời kêu gọi với thanh niên của anh Lê Công Giàu, người đại diện Hội Liên hiệp thanh niên Sài Gòn - Gia Định. Tôi đứng lặng ở Côn Đảo, nghe tiếng nói từ Sài Gòn, lòng dâng trào nỗi nhớ người thân yêu nơi đất Sài Gòn.
Về đất liền
Bất ngờ, khoảng 12h trưa, Văn phòng Côn Đảo phát loa thông báo một số sinh viên, học sinh được gọi tên - trong đó có Lê Văn Nuôi - chuẩn bị 13h lên tàu về Sài Gòn.
Chuyến tàu hải quân sức chở 150 người nhưng chất hơn 200 người bởi thiếu tàu. Lực lượng hải quân cách mạng đang phải đổ bộ lên các đảo Trường Sa và nhiều đảo khác dọc biển Đông để giành lại chủ quyền biển đảo.
Những người lớn tuổi được ở phòng hầm tàu, số trẻ như tôi tự giác lên nằm, ngồi ở boong tàu suốt hành trình hai ngày một đêm từ Côn Đảo về Sài Gòn.
Số trẻ nhất như tôi và Võ Tuấn Lĩnh nằm ngay mép boong tàu, các chú trung niên như chú Huy nằm giữa. Chú Huy dặn tôi: "Cháu câu tay vào tay chú đi. Kẻo ngủ quên văng xuống biển là khổ".
Khi gặp chú Huy trên chuyến tàu này, tôi mới biết chú là cha của anh Phạm Xuân Bình và chị Bạch Cúc mà tôi đã gặp ở trại giam nữ. Đôi lúc, tôi lén nhìn chú Huy, thật xúc động khi thấy người cha và con gái đầu lòng cùng ở tù Côn Đảo! Chiến tranh thật khốc liệt! Biết bao gia đình phải ly tán, hy sinh như chú!
Tôi ngồi ngắm biển hay nằm nghỉ đều phải câu một cánh tay vào cây cột sắt lan can tàu, không dám ngủ, sợ rớt xuống biển.
Tôi nhủ thầm: Đừng ngủ! Đừng ngủ! Coi chừng rớt xuống biển chết vì nước biển chứ không phải hy sinh vì nước! Sóng biển tạt ướt đẫm quần áo. Vậy mà tôi cũng chợp mắt được vài tiếng.
Tôi thức giấc khi ánh bình minh ló dạng trên mặt biển đẹp rực rỡ như niềm vui được tự do - như đóa hướng dương bừng nở trong tim cậu học trò đã xa cách quê hương Sài Gòn và gia đình suốt gần năm năm trời đằng đẵng.
Chuyến tàu hải quân tạm dừng tại khu trung tâm huấn luyện cảnh sát dã chiến VNCH ở Vũng Tàu một buổi, rồi chạy tiếp vào cửa sông Sài Gòn.
Đến khúc sông Lòng Tàu, tàu bị mắc kẹt độ một giờ do lạc lối trong những luồng lạch phức tạp. May nhờ có mấy chú hướng dẫn viên đường tàu thủy - bến tàu Sài Gòn lái ca nô ra dẫn dắt tàu hải quân vào sông Sài Gòn.
Đến trưa 17-5-1975, tàu cặp bến Bạch Đằng sau cuộc hải trình ba ngày hai đêm đầy sóng gió.
Hàng trăm người tù dồn lên boong tàu, hướng về những lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc nửa đỏ nửa xanh tung bay phần phật trên nóc dãy nhà cao tầng dọc bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Ai cũng xúc động, nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt.

Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ tuổi gặp nhau tại hội trường Ba Đình trong kỳ họp khai mạc Quốc hội khoá VI ngày 2-7-1976. Từ trái qua: Huỳnh Tấn Mẫm, Anh hùng quân đội Minh Hiền và Mai Phương (Bến Tre), diễn viên điện ảnh Trà Giang và Lê Văn Nuôi - Ảnh: Trà Giang cung cấp
Trùng phùng cha mẹ
Ngày 18-5-1975, anh bạn Nguyễn Văn Vĩnh, cán bộ Thành đoàn Sài Gòn, tay cầm khẩu súng trường đi xe Jeep do một thanh niên tự vệ lái đến Trường trung học Hùng Vương, quận 5.
Đây là nơi tôi và những tù nhân chính trị cách mạng vừa được giải thoát khỏi nhà tù chính quyền VNCH đang học tập một khóa học mang tên "Khóa Chiến thắng". Anh Vĩnh đến để chở tôi về thăm nhà ba má ở quận 4, Sài Gòn.
Bước vào nhà, tôi xúc động nói: "Chào ba, con mới về!". Ba tôi đang cắt tóc cho khách ở tiệm hớt tóc tại nhà, ngạc nhiên nở nụ cười tươi rói, phô hai hàm răng đen tuyền do nhuộm thuốc đen răng từ thời trai trẻ ở miền Bắc: "Con về đấy à!".
Rồi tôi vào nhà trong, bước đến chiếc xe lăn má tôi đang ngồi, nắm tay má mà nghẹn ngào: "Con về rồi nè má!". Má ôm tôi khóc ngất: "Trời ơi! Con còn sống trở về, má mừng quá! Mười mấy ngày qua má chống gậy đi kiếm con mà không thấy con đâu…".
Chợt tôi nhìn thấy má vẫn còn giữ chiếc giỏ trầu bên người, như thay lời muốn nói má luôn nhớ tới đứa con trai duy nhất.
Thật là xúc động. Hồi ở khu giam tù chính trị tại Chí Hòa, có vài anh đan những chiếc giỏ đựng trầu và giỏ xách nhỏ bằng cách đan kết những sợi ni lông li ti như hạt cườm, nhiều màu sắc lóng lánh rất đẹp.
Năm 1973, tôi đã đặt các anh đan chiếc giỏ đựng trầu cau màu nâu xen chữ trắng, trên nắp đan dòng chữ "Chúc thọ mẹ hiền", bên hông hộp đan chữ "Chí Hòa" và chữ "L.V.N." (Lê Văn Nuôi) gởi về nhà tặng má tôi. Thầm mong má mỗi khi nhai trầu cau đựng trong chiếc giỏ trầu, má nhớ đến đứa con trai duy nhất đang lưu đày chốn nào!
Điều ngạc nhiên là qua hơn 50 năm rồi, trong tủ kỷ vật gia đình, chiếc giỏ đựng trầu của má tôi vẫn còn chắc chắn, không phai màu.
Sở dĩ ngày đó má tôi phải ngồi xe lăn do năm 1973, sau khi cùng chị Hai tôi vào khám Chí Hòa thăm tôi, rồi trên đường về hai người ghé thăm nhà bác là má chị Thanh Mai và Lê Văn Triều - hai người bạn phong trào học sinh với Lê Văn Nuôi ở đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Khi ra về hai má con băng qua giao lộ Trần Hưng Đạo, bất ngờ một xe máy chạy nhanh đụng mạnh vào má tôi khiến bà ngã lăn đập đầu xuống đường, bất tỉnh. Người lái xe mặc quân phục hải quân VNCH và chị tôi dìu má vào lề đường. Khoảng 10 phút sau, má tôi tỉnh dậy.
Chị Hai tôi kể lại lúc đó thấy má chỉ bị sây sát và đứng lên đi được, nên chị cho người lái xe đi, má không đòi hỏi bồi thường gì hết! Bất ngờ khoảng vài ngày sau, má kêu nhức đầu quá rồi mê man, phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Bác sĩ hội chẩn bà bị chấn thương sọ não, phải mổ gấp. Cuộc giải phẫu thành công cứu sống má tôi nhưng do bỏ qua "thời gian vàng" kể từ khi bị xe đụng, nên má bị liệt một bên chân, phải chống nạng. Rồi một năm sau cả hai chân đều yếu liệt, khiến má phải di chuyển trên xe lăn.
Suốt mấy tháng sau khi má tôi gặp tai nạn, chỉ có chị Hai và bạn bè vào Chí Hòa thăm nuôi tôi. Sinh nghi, tôi hỏi chị Hai mới biết má bị đụng xe và liệt chân. Tôi đau đớn kêu lên: "Trời ơi! Vậy sao chị không cho em biết!".
Chị Hai đáp: "Má dặn chị đừng nói cho thằng Nuôi biết chuyện má bị xe đụng. Kẻo ở tù đã khổ, mà nó nghe chuyện này càng thêm khổ tâm, lo lắng!".
Những lần má và chị Hai vào nhà tù Chí Hòa thăm nuôi tôi hai lần mỗi tuần, cũng như những lần má đi một mình đến trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn, số 207 đường Hồng Bàng, quận 5 (An Dương Vương ngày nay) thăm và đem thức ăn cho tôi.
Lúc đó Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn do tôi phụ trách cũng đóng trụ sở hoạt động tại địa chỉ này.
Má thường nấu đem cho tôi những món má biết đứa con trai ưa thích như canh khổ qua nhồi cá thác lác, thịt nạc kho trứng, trứng vịt lộn, chè nếp đậu đỏ…
Đến năm 1974, tôi bị đày ra Côn Đảo, bị giam cầm ở khu chuồng cọp xa xôi quá và thân nhân chưa được phép ra đảo thăm nuôi.
Có hai vật dụng tôi luôn đem theo người suốt những năm tháng lưu đày là chiếc ba lô màu "nhà binh" đựng quần áo và chiếc lon nhôm Guigoz (lon sữa bột hiệu Guigoz) do má tôi làm muối mè trộn đậu phộng gởi vào để tôi ăn với cơm gạo lứt.
Mỗi tuần một, hai lần má tôi cùng chị Hai tôi vô Chí Hòa thăm tôi, đem theo giỏ đủ thứ món ăn, rồi một tháng má đem một lon muối mè mới vào, lấy vỏ hộp cũ về. Nhưng tiếc là khoảng năm 1980, chiếc ba lô đã mục nát, phải bỏ và chiếc lon Guigoz lạc đâu mất!
Có những đêm dài trong ngục thất, tôi ứa nước mắt khóc thầm mỗi khi nhớ về mái ấm gia đình, nhớ ba má, chị em và thèm ăn những món khoái khẩu má thường nấu cho tôi ăn lúc ở nhà, ở Tổng hội sinh viên và ở khám Chí Hoà Sài Gòn…
Má tôi - Nguyễn Thị Toán - qua đời năm 1984, thọ 68 tuổi (1916-1984).
Rồi tôi vào nhà trong, bước đến chiếc xe lăn má tôi đang ngồi, nắm tay má mà nghẹn ngào: "Con về rồi nè má!". Má ôm tôi khóc ngất: "Trời ơi! Con còn sống trở về, má mừng quá! Mười mấy ngày qua má chống gậy đi kiếm con mà không thấy con đâu…".
-----------------------------
Kỳ tới: Sài Gòn, những ngày đầu hòa bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận